Các bệnh truyền nhiễm nhóm C là những bệnh nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:56 (GMT+7)

Các bệnh truyền nhiễm nhóm C theo quy định pháp luật.

Căn cứ pháp lý

Bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm là vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm có khả năng gây bệnh truyền nhiễm.

Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007 quy định các bệnh truyền nhiễm nhóm C như sau:

“Điều 3. Phân loại bệnh truyền nhiễm

1. Bệnh truyền nhiễm gồm các nhóm sau đây:

...

c) Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh.

Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C bao gồm bệnh do Cờ-la-my-đi-a (Chlamydia); bệnh giang mai; các bệnh do giun; bệnh lậu; bệnh mắt hột; bệnh do nấm Can-đi-đa-an-bi-căng (Candida albicans); bệnh Nô-ca-đi-a (Nocardia); bệnh phong; bệnh do vi rút Xi-tô-mê-ga-lô (Cytomegalo); bệnh do vi rút Héc-péc (Herpes); bệnh sán dây; bệnh sán lá gan; bệnh sán lá phổi; bệnh sán lá ruột; bệnh sốt mò; bệnh sốt do Rích-két-si-a (Rickettsia); bệnh sốt xuất huyết do vi rút Han-ta (Hanta); bệnh do Tờ-ri-cô-mô-nát (Trichomonas); bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm; bệnh viêm họng, viêm miệng, viêm tim do vi rút Cốc-xác-ki (Coxsakie); bệnh viêm ruột do Giác-đi-a (Giardia); bệnh viêm ruột do Vi-bờ-ri-ô Pa-ra-hê-mô-ly-ti-cút (Vibrio Parahaemolyticus) và các bệnh truyền nhiễm khác.”

Theo đó, nhóm C là nhóm những căn bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm hơn so với nhóm A và nhóm B. Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh.

Bộ trưởng Bộ Y tế có thẩm quyền quyết định điều chỉnh, bổ sung danh mục bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C sao cho phù hợp với mức độ nghiêm trọng của bệnh theo từng thời điểm.

Những căn bệnh truyền nhiễm cụ thể thuộc nhóm C

Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C bao gồm 23 loại bệnh:

- Bệnh do Cờ-la-my-đi-a (Chlamydia);

Chlamydia[1] là bệnh về tình dục phổ biến mà cả nam giới và nữ giới đều có thể nhiễm. Bệnh có thể gây tổn thương nghiêm trọng và vĩnh viễn tới cơ quan sinh sản của nữ giới. Từ đó khiến nữ giới khó hoặc thậm chí là không thể mang thai về sau. Chlamydia còn có thể gây ra tình trạng mang thai ngoài tử cung rất nguy hiểm (tức là thai nằm ngoài tử cung).

Bệnh có tác nhân cụ thể nên đa số người mắc bệnh là do lây lan vi khuẩn từ người khác. Chlamydia có thể lây qua nhiều con đường khác nhau phổ biến như: Lấy qua quan hệ tình dục; lây qua tiếp xúc trực tiếp (Chlamydia có thể lây nếu có vết thương hở hoặc nếu có tiếp xúc đường máu); lây qua tiếp xúc gián tiếp (Chlamydia có sẵn trong dịch và máu của người bệnh. Do vậy những đồ vật cá nhân như khăn mặt, khăn tắm, dao cạo, đồ lót… đều có thể mang dịch) và lây từ mẹ sang con.

- Bệnh giang mai;

Bệnh giang mai là một bệnh nhiễm trùng kinh diễn do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây nên. Bệnh lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn.

Tác nhân gây bệnh là xoắn khuẩn giang mai (Treponema pallidum) do Schaudinn và Hauffman tìm ra năm 1905.

Bệnh giang mai lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn. Xoắn khuẩn thâm nhập qua da – niêm mạc của bộ phận sinh dục ít nhiều bị xây xát khi quan hệ tình dục sẽ gây bệnh tại chỗ (săng), đi vào máu và lan tràn khắp cơ thể.

Bệnh giang mai có thể lây do truyền máu (tiêm truyền máu hoặc tiêm chích ma túy mà bơm tiêm không khử khuẩn) và gián tiếp qua các đồ dùng, vật dụng bị nhiễm bẩn.

Nếu người mẹ có thai bị giang mai mà không được điều trị cũng có thể lây truyền cho thai nhi (giang mai bẩm sinh).

- Các bệnh do giun;

Các bệnh do giun không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu. Đôi khi, giun sống bị thải ra theo phân hoặc chui ra theo đường miệng, mũi. Một số bệnh nhân có hội chứng Loffler ở phổi với các triệu chứng thở khò khè, ho, sốt, đau ngực dữ dội, tăng bạch cầu ưa a xít; X quang có nhiều nốt thâm nhiễm rải rác hai phổi; các triệu chứng trên hết sau 6-7 ngày. Hậu quả nặng do giun đũa là tắc ruột, tắc mật hoặc viêm ruột thừa do giun.

Bệnh lây qua đường ăn uống: do nuốt phải trứng giun có trong đất bị nhiễm phân người. Không lây truyền trực tiếp từ người sang người.

- Bệnh lậu;

Bệnh lậu là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) có thể lây nhiễm cho cả nam và nữ.

Bệnh có thể gây nhiễm trùng cơ quan sinh dục ngoài, trực tràng và cổ họng. Đây là một bệnh lây nhiễm rất phổ biến, đặc biệt là ở thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 24.

Bệnh lây nhiễm nếu quan hệ tình dục qua âm đạo, hậu môn hoặc bằng miệng với người bị mắc bệnh lậu. Thai phụ mắc bệnh lậu có thể truyền bệnh sang em bé trong quá trình sinh nở.

- Bệnh mắt hột;

Bệnh mắt hột là một viêm kết giác mạc đặc hiệu, lây lan, tiến triển mạn tính ở người, gây ra do tác nhân Chlamydia Trachomatis. Tổn thương đặc trưng ở kết giác mạc bởi: hột mắt hột, tăng sản nhú gai, màng máu, cuối cùng là sẹo hoá kết giác mạc, gây lông quặm, lông siêu và dẫn đến mù loà.

- Bệnh do nấm Can-đi-đa-an-bi-căng (Candida albicans);

Bệnh nấm candida đường sinh dục nữ hay viêm  âm hộ - âm đạo do nấm men candida  (Vulvovaginal Candidadiasis) là một bệnh nhiễm trùng âm đạo nội sinh do chủng nấm candida mà chủ yếu là Candida albicans gây nên (khoảng 90%), bệnh rất hay gặp ở phụ nữ. Bệnh không lây qua quan hệ tình dục mà do sự tăng sinh quá mức nấm candida ký sinh trong âm đạo dưới một số yếu tố thuận lợi như sử dụng các thuốc làm suy giảm miễn dịch, kháng sinh phổ rộng kéo dài, mắc bệnh tiểu đường, phụ nữ có thai...

- Bệnh Nô-ca-đi-a (Nocardia);

Bệnh Nocardia tuy là một bệnh truyền nhiễm, Nocardia có thể gây bệnh ở da, phổi, tim, não.

Thương tổn da là các cục, áp xe, lỗ rò không đau. Các thương tổn có thể khu trú bất kỳ nơi nào trên cơ thể nhưng thường ở chi dưới, đôi khi chạy dọc theo đường bạch huyết.

Nhiễm Nocardia ở phổi bệnh nhân đau ngực, khó thở, kèm theo dấu hiệu toàn thân như sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, sút cân.

- Bệnh phong;

Bệnh Phong (dân gian còn gọi là bệnh hủi hay bệnh cùi) là bệnh nhiễm khuẩn do một vi khuẩn có tên khoa học là Mycobacterium leprae gây ra. Vi khuẩn này do một nhà bác học Na Uy tên là Hansen tìm ra năm 1873, nên còn được gọi là trực khuẩn Hansen, và bệnh phong được gọi là bệnh Hansen. Bệnh chủ yếu gây thương tổn ở da, các dây thần kinh ngoại biên, bề mặt niêm mạc của đường hô hấp và mắt. Bệnh có thể để lại những tàn tật vĩnh viễn ở cơ thể.

Bệnh phong lây truyền trực tiếp từ người sang người. Mầm bệnh (vi trùng) thải ra từ dịch tiết của bệnh nhân phong qua đường hô hấp và vết thương ở da; Người lành nhiễm phải mầm bệnh chủ yếu qua vùng da bị thương tích và đường hô hấp.

- Bệnh do vi rút Xi-tô-mê-ga-lô (Cytomegalo);

Bệnh do vi rút Cytomegalo là bệnh nhiễm trùng hàng đầu gây ra điếc, chậm phát triển trí tuệ và mù bẩm sinh.

+ Có 95% ca bệnh không có dấu hiệu lâm sàng. Các triệu chứng lâm sàng gồm sốt, mệt mỏi, yếu cơ, sưng hạch ngoại vi, hạch nội tạng, gan lách to, kèm theo thương tổn trên da.

+ Có từ 80 - 100% các ca bệnh có các biểu hiện trên da như sẩn màu đỏ, chấm xuất huyết, nốt xuất huyết, mày đay, hồng ban cứng. Trẻ nhiễm Cytomegalovirus bẩm sinh thường có vàng da, thiếu máu, hạ tiểu cầu, gan lách to, sẩn ngứa, các cục dưới da, viêm màng mạch võng mạc (chorioretinitis). Thai nhi nếu nhiễm CMV sẽ chậm phát triển ở tử cung.

Phương thức lây truyền: Đường miệng và đường hô hấp là đường lây nhiễm thường thấy nhất. Ngoài ra, CMV còn lây truyền từ người sang người qua nước bọt, nước tiểu, tinh dịch, sữa, dịch tiết của tử cung âm đạo. Truyền máu, ghép phủ tạng của người nhiễm bệnh, quan hệ tình dục với người nhiễm bệnh cũng là đường lây truyền đặc biệt quan tâm.

- Bệnh do vi rút Héc-péc (Herpes);

 Herpes không chỉ lây nhiễm qua đường tình dục mà còn gây bệnh cả quanh miệng, môi, ngón tay và một số nơi khác. Cụ thể, có 2 loại bệnh Herpes Simplex Virus (HSV - 1 và HSV - 2):

+ Herpes loại 1: là nguyên nhân gây lở loét xung quanh miệng, môi, mắt. Bệnh lây truyền bằng tiếp xúc trực tiếp với virus qua nước bọt hoặc qua thương tổn của chúng. Hơn nữa, HSV - 1 có thể dẫn đến mụn rộp sinh dục, nhưng đa phần các trường hợp mắc bệnh herpes sinh dục do HSV - 2 gây ra.

+ Herpes loại 2: gây ra vết loét xung quanh xung quanh bộ phận sinh dục hay trực tràng. Các vết lở có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau nhưng thường được phát hiện dưới thắt lưng. HSV - 2 lây chủ yếu qua đường tình dục.

- Bệnh sán dây;

+ Bệnh sán dây trưởng thành: chủ yếu gây triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ. Tuy nhiên, triệu chứng chủ yếu là người bị bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt do những đốt sán (sán dây bò) tự rụng ra ngoài ống tiêu hóa bất cứ lúc nào.

+ Bệnh ấu trùng: tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau (có các nốt ở dưới da bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết; hoặc có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội; hoặc có thể tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù nếu có nang sán ở mắt.

- Bệnh sán lá gan;

Bệnh sán gan bao gồm bệnh sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn, đây là bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa, triệu chứng của bệnh thường giống với các bệnh lý khác của gan.

- Bệnh sán lá phổi;

Bệnh sán lá phổi (Paragonimiasis) ở Việt Nam do loài sán lá Paragonimus heterotremus ký sinh trong phổi hoặc màng phổi gây nên.

Khi mắc bệnh, người bệnh có một trong những biểu hiện lâm sàng như sau:

+ Ho ra máu (thường ra ít một lẫn với đờm, màu đỏ tươi, hoặc đỏ thẫm, hoặc màu rỉ sắt, cũng có khi ho ra nhiều máu tươi một lúc).

+ Ho ra máu từng đợt trong năm và có khi kéo dài trong nhiều năm.

+ Thường không kèm theo sốt, không có tình trạng nhiễm trùng (trừ trường hợp bội nhiễm), cơ thể ít suy sụp (khác với bệnh lao và các bệnh phổi khác).

+ Có hội chứng 3 giảm ở đáy phổi (nếu sán ở trong màng phổi có thể gây tràn dịch màng phổi).

- Bệnh sán lá ruột;

Bệnh sán lá ruột tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Á và châu Á (Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ...).

Ở Việt Nam, bệnh sán lá ruột chủ yếu phát hiện ở lợn, tỷ lệ nhiễm ở người rất thấp; những vùng có nhiều hồ ao, cây thủy sinh làm thức ăn cho người và gia súc sẽ dễ bị nhiễm bệnh.

Người bệnh có triệu chứng lâm sàng chủ yếu là đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy và có thể phù nề (bụng chướng hoặc phù toàn thân).

- Bệnh sốt mò;

Bệnh Sốt mò là một bệnh do tác nhân Orientia tsutsugamushi, có ổ dịch thiên nhiên, truyền ngẫu nhiên sang người khi bị ấu trùng mò đốt. Bệnh lưu hành chủ yếu ở Châu Á và Tây Thái Bình Dương. Ở Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX tới nửa đầu thế kỷ XX, bệnh chưa được chú ý; chỉ được mô tả lẻ tẻ năm 1923-1932 (P.E. Lagrange; Souchard E et al); tới tháng 6/1965 một vụ dịch Sốt mò lớn bùng phát ở Sơn La (dân vào hang trú bom, bùng phát hàng trăm bệnh nhân); từ đó bệnh được chú ý hơn, được đăng ký chính thức trong báo cáo ngành, nhiều ổ dịch được xác định thêm, nhiều bệnh nhân được phát hiện thêm; trong bộ đội năm 1969 tại Hà Tuyên có 175 bệnh nhân với 2 ca tử vong.

- Bệnh sốt do Rích-két-si-a (Rickettsia);

 Bệnh Sốt do Rickettsia là một nhóm bệnh do mầm bệnh là Rickettsia các loài thuộc họ Rickettsiaceae, đại đa số bệnh truyền ngẫu nhiên sang người do các côn trùng chân đốt (trừ Sốt Q); bệnh có những đặc điểm chung sau:

+ Mầm bệnh Rickettsia là những cầu trực khuẩn ký sinh nội bào bắt buộc, đường kính 0.3-1-2 mm, có RNA và DNA, có kháng nguyên tương tự nhau (similar).

+ Phương thức lây truyền: Đại đa số bệnh truyền sang người do các tiết túc đốt như: Rận chấy, ve, ấu trùng mò, bọ chét; lây do đường thở.

- Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Han-ta (Hanta);

Vi rút Hantan còn viết là vi rút Hantaan (genus Hantavirus, thuộc họ Bunyaviridea) có thể gây bệnh cho người trên khắp thế giới nhưng không gây bệnh cho các loài gặm nhấm. Người bị nhiễm bệnh do hít phải những vật thể trong không khí hình thành từ chất thải hay vết cắn của động vật gặm nhấm có nhiễm vi rút.

Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Hanta hay còn là Bệnh Sốt xuất huyết hội chứng thận là bệnh vi rút cấp tính truyền từ động vật sang người; Thời gian ủ bệnh thông thường từ 2 tới 3 tuần, có đặc điểm là sốt đột ngột, ớn lạnh, nhức đầu, đau phần dưới lưng, biếng ăn, khát nước, buồn nôn, đau bụng, viêm họng, phù mặt, xuất huyết nhiều mức độ khác nhau có liên quan đến triệu chứng ở thận.

- Bệnh do Tờ-ri-cô-mô-nát (Trichomonas);

Bệnh trùng roi đường sinh dục nữ hay viêm âm đạo do trùng roi là một bệnh lây truyền qua đường tình dục do trùng roi âm đạo (Trichomonas vaginalis) gây nên, thường gặp ở phụ nữ. Bệnh lây qua quan hệ tình dục là chủ yếu, ngoài ra bệnh còn có thể lây qua bồn tắm, khăn tắm ẩm ướt.

- Bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm;

Viêm da mụn mủ truyền nhiễm (bệnh chốc) là một bệnh truyền nhiễm trên da do vi khuẩn liên cầu gây ra.

Bệnh gây ra bởi cơ thể người nhiễm liên cầu khuẩn tan máu nhóm A (group A beta-hemolytic streptococcus) và tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus).

Bệnh lây truyền trực tiếp từ người này sang người khác qua tiếp túc trực tiếp.

- Bệnh viêm họng, viêm miệng, viêm tim do vi rút Cốc-xác-ki (Coxsakie);

Vi rút Cốc-xác-ki là nguyên nhân của một nhóm bệnh bao gồm viêm họng (Herpangia, Enteroviral vesicular pharyngitis), tay chân miệng (đã có bài riêng), viêm tim (Enteroviral carditis).

Viêm họng: Thấy ở nhiều nơi trên thế giới, có thể tản phát, có khi bộc phát thành dịch (ở nhóm tuổi nhà trẻ). Tỉ lệ mắc cao vào cuối hè, đầu thu. Thường xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, nhất là nhóm tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Nhưng cũng có thể thấy ở thanh niên.

Viêm tim:

+ Ít gặp, thường có tính tản phát nhưng có xu hướng gia tăng khi có dịch nhiễm vi rút Cốc-xác-ki nhóm B. Những vụ dịch với tỉ lệ chết/mắc cao ở trẻ sơ sinh được ghi nhận ở một số nhà hộ sinh, khoa sản bệnh viện.

+ Viêm tim do vi rút Cốc-xác-ki  nhóm B chiếm khoảng 1/3 số ca viêm cơ tim cấp. Hầu hết những ca viêm cơ tim hay màng tim xảy ra ở trẻ sơ sinh, thanh thiếu niên. Khoảng 2/3 bệnh nhân là giới nam.

Bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi họng và phân của người bị nhiễm, những giọt khí dung. Không có bằng chứng về việc lây bởi côn trùng, nước, thực phẩm.

- Bệnh viêm ruột do Giác-đi-a (Giardia);

Giardia lamblia (G.Intestinalis và G.Duodenalis) là một loại sinh vật đơn bào, thuộc lớp trùng roi (Trichomonas) là một trong số 6 lớp của ngành Động vật nguyên sinh (Protozoa), chúng kí sinh ở phần đầu ruột non.  

Đa số người nhiễm Giardia không biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Những ca có biểu hiện lâm sàng thường có triệu chứng giống hội chứng Lỵ nhưng phân không có máu, ở những ca bệnh giardia nặng (hiếm gặp) có thể có tổn thương ở niêm mạc của tá tràng và hỗng tràng. 

- Bệnh viêm ruột do Vi-bờ-ri-ô Pa-ra-hê-mô-ly-ti-cút (Vibrio Parahaemolyticus);

 Bệnh viêm ruột do Vibrio parahaemolyticus là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây theo đường ăn uống.

Vibrio parahaemolyticus gây ra hai hội chứng lâm sàng khác biệt nhau là tiêu chảy kiểu tả nhẹ và tiêu chảy phân có nhiều máu, kèm theo đau bụng và sốt, kiểu lỵ trực khuẩn. Thông thường bệnh nhẹ và ít nguy hiểm, song nếu phát hiện chậm và không được điều trị kịp thời cũng có thể gây tử vong.

Hiện nay, Vibrio parahaemolyticusđã được xác nhận là nguyên nhân gây ra nhiều vụ ngộ độc thức ăn do ăn cá biển và hải sản. Trong khoảng 50 năm qua, người ta đã nghiên cứu nhiều về loại vi khuẩn này.

- Các bệnh truyền nhiễm khác.

Đây là cách nhà làm luật quy định nhằm tránh bỏ sót các bệnh truyền nhiễm hoặc các bệnh truyền nhiễm mới phát sinh, chưa kịp bổ sung vào quy định tại Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Xem thêm: Tổng hợp bài viết Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Luật Hoàng Anh

 


[1] https://www.cdc.gov/std/chlamydia/default.htm, truy cập ngày 02/11/2021.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư