2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
Biển Việt Nam có tính đa dạng sinh học khá cao, cũng là nơi phát sinh và phát tán của nhiều nhóm sinh vật biển vùng nhiệt đới Ấn Độ - Thái Bình Dương với chừng 11,000 loài sinh vật đã được phát hiện. Bên cạnh đó, Việt Nam có hệ thống sông ngòi dày đặc và có đường biển dài rất thuận lợi phát triển hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản. Vậy hoạt động thủy sản phải đảm bảo nguyên tắc nào? Trong phạm vi bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ trình bày về nguyên tắc hoạt động thủy sản theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Luật số: 18/2017/QH14 ngày 21 tháng 11 năm 2017 sau đây gọi là Luật Thủy sản 2017.
- Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 03 năm 2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thủy sản.
Hoạt động thủy sản là hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; nuôi trồng thủy sản; khai thác thủy sản; chế biến, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản.
Căn cứ theo Điều 5 Luật Thủy sản 2017 quy định nguyên tắc hoạt động thủy sản như sau:
Thứ nhất: Kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đây được xem là nguyên tắc quan trọng nhất trong hoạt động thủy sản. Theo đó, quốc phòng, an ninh là vấn đề quan trọng của bất kì quốc gia nào, vậy nên hoạt động thủy sản phải đảm bảo việc kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bởi lẽ, nước ta thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều nước, đặc biệt cạnh tranh giữa các nước lớn và tranh chấp chủ quyền biển, đảo gia tăng, sự kết hợp giữa phát triển các hoạt động thủy sản với quốc phòng càng hết sức quan trọng. Trên thực tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền của Tổ quốc là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong suốt những năm qua.
Thứ hai: Khai thác nguồn lợi thủy sản phải căn cứ vào trữ lượng nguồn lợi thủy sản, gắn với bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, không làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học; tiếp cận thận trọng, dựa vào hệ sinh thái và các chỉ số khoa học trong quản lý hoạt động thủy sản để bảo đảm phát triển bền vững.
Nguồn lợi thủy sản là tài nguyên sinh vật trong vùng nước tự nhiên có giá trị kinh tế, khoa học, du lịch, giải trí. Nguồn lợi thủy sản không phải là vô hạn. Vì vậy nguyên tắc này nhằm đảm bảo trữ lượng nguồn lợi thủy sản, bảo vệ sự đa dang sinh học.
Thứ ba: Thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ động phòng, chống thiên tai; bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động thủy sản; phòng, chống dịch bệnh thủy sản, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa và có sự phân hóa đa dạng.Thiên tai bão lũ thường xảy ra gây tổn thất nặng nề tới mọi ngành sản xuất, và thiệt hại về người và tài sản. Vì vậy, hoạt động thủy sản phải đảm bảo việc thích ứng biến đổi khí hậu để hoạt động nuôi trồng có hiệu quả, các vùng nuôi tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Bên cạnh đó, có các biện pháp phòng bệnh là chính thông qua các mô hình, phương thức nuôi phù hợp từng vùng, từng đối tượng, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Thứ tư: Bảo đảm chia sẻ lợi ích, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc hưởng lợi từ khai thác, sử dụng nguồn lợi thủy sản hoặc hoạt động trong ngành, nghề có ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lợi thủy sản.
Theo đó, nguồn lợi thủy sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tổ chức, cá nhân có quyền hưởng lợi từ khai thác, sử dụng nguồn lợi thủy sản hoặc hoạt động trong ngành, nghề có ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lợi thủy sản theo quy định của pháp luật. Nguyên tắc này nhằm đảm bảo quyền lợi, lợi ích của các chủ thể trong hoạt động thủy sản, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế đồng đều trong hoạt động thủy sản nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.
Thứ năm: Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Điều ước quốc tế là sự thỏa thuận giữa các chủ thể của luật quốc tế với nhau trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng nhằm thiết lập những quy tắc pháp lý bắt buộc gọi là những quy phạm luật quốc tế để ấn định, thay đổi hoặc hủy bỏ những quyền và nghĩa vụ đối với nhau.
Ngày nay, đứng trước sự phát triển của xã hội, thì hoạt động thủy sản đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên là cần thiết. Từ đó, có thể nâng cao hoạt động thủy sản từ nguồn nhân lực thủy sản, kỹ thuật ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy thương mại,.......
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh