Phục hồi chức năng là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:12 (GMT+7)

Phục hồi chức năng

Khái niệm

Phục hồi chức năng là quá trình trợ giúp cho người bệnh và người khuyết tật bằng phương pháp y học, kỹ thuật phục hồi chức năng, biện pháp giáo dục và xã hội làm giảm tối đa ảnh hưởng của khuyết tật, giúp người bệnh có cơ hội bình đẳng tham gia các hoạt động xã hội và hòa nhập cộng đồng.

Mục đích của phục hồi chức năng: giúp cho người tàn tật khả năng tự chăm sóc, giao tiếp, vận động, có nghề nghiệp và thu nhập; phục hồi tối đa giảm khả năng thể chất, tâm lý, nghề nghiệp, xã hội; ngăn ngừa các thương tật thứ cấp; tăng cường các khả năng còn lại để hạn chế hậu quả tàn tật; thay đổi thái độ, hành vi ứng xử của xã hội, chấp nhận người tàn tật là thành viên bình đẳng của xã hội; cải thiện môi trường, rào cản để người tàn tật hội nhập xã hội như đường đi, công sở, nhà ở, nơi sinh hoạt văn hóa, du lịch, thể thao; tạo điều kiện thuận lợi để người tàn tật được hội nhập, tái hội nhập xã hội để họ có chất lượng cuộc sống tốt hơn như tự chăm sóc, tạo việc làm, vui chơi, giải trí.

Quy định của pháp luật về phục hồi chức năng

Điều 21 Luật của Quốc hội số 21-LCT/HĐNN8 ngày 30/06/1989 về bảo vệ sức khỏe nhân dân (sau đây gọi tắt là Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989) quy định về phục hồi chức năng như sau:

"Điều 21. Phục hồi chức năng.

1- Bộ y tế, Bộ lao động - thương binh và xã hội phải xây dựng và bảo đảm điều kiện cần thiết cho các cơ sở phục hồi chức năng hoạt động.

2- Ngành y tế, ngành lao động - thương binh và xã hội phối hợp với các ngành liên quan, các tổ chức xã hội mở rộng hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng để phòng ngừa và hạn chế hậu quả tàn tật; áp dụng kỹ thuật thích hợp để đưa người tàn tật có khả năng trở lại cuộc sống bình thường."

Cơ sở phục hồi chức năng hoạt động

Theo đó, Bộ y tế, Bộ lao động - thương binh và xã hội có trách nhiệm xây dựng và bảo đảm điều kiện cần thiết cho các cơ sở phục hồi chức năng hoạt động.

Nghị định số 46/2013/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Y tế quy định các hình thức tổ chức của cơ sở phục hồi chức năng bao gồm:

a) Khoa Phục hồi chức năng, Trung tâm Phục hồi chức năng thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

- Khoa phục hồi chức năng là đơn vị lâm sàng thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, có chức năng khám bệnh, chữa bệnh và Phục hồi chức năng cho người bệnh.

Khoa phục hồi chức năng có nhiệm vụ:

+) Khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng tại khoa phục hồi chức năng và các khoa khác trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo các hình thức nội trú, ngoại trú và Phục hồi chức năng ban ngày;

+) Cung cấp và hướng dẫn sử dụng dụng cụ trợ giúp cho người bệnh;

+) Tư vấn cho người bệnh và gia đình người bệnh về Phục hồi chức năng, tâm lý, giáo dục, hướng nghiệp.

- Trung tâm phục hồi chức năng là đơn vị lâm sàng thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, có chức năng khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng cho người bệnh. Trung tâm phục hồi chức năng có thể có con dấu riêng, tài khoản riêng.

Nhiệm vụ của trung tâm Phục hồi chức năng:

+) Khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng tại trung tâm và tại các khoa khác trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo các hình thức nội trú, ngoại trú và phục hồi chức năng ban ngày.

+) Tổ chức sản xuất, cung cấp và hướng dẫn sử dụng dụng cụ trợ giúp cho người bệnh.

+) Tư vấn cho người bệnh và gia đình người bệnh về phục hồi chức năng, tâm lý, giáo dục, hướng nghiệp.

+) Thực hiện việc tuyên truyền phòng ngừa khuyết tật, bệnh tật.

+) Làm đầu mối của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện công tác chỉ đạo tuyến về phục hồi chức năng và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

+) Thực hiện nhiệm vụ khác liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh khi có đủ điều kiện và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Phòng khám Phục hồi chức năng:

Phòng khám phục hồi chức năng có chức năng khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa phục hồi chức năng cho người bệnh và người dân có nhu cầu.

Phòng khám phục hồi chức năng là phòng khám chuyên khoa độc lập, có con dấu riêng và tài khoản riêng.

Nhiệm vụ của phòng khám Phục hồi chức năng

+) Khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa phục hồi chức năng theo các hình thức nội trú, ngoại trú và phục hồi chức năng ban ngày.

+) Tư vấn cho người bệnh và gia đình người bệnh về phục hồi chức năng, tâm lý, giáo dục, hướng nghiệp.

+) Thực hiện việc tuyên truyền phòng ngừa khuyết tật, bệnh tật.

+) Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo chuyên môn theo quy định nhiệm vụ khác liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh khi có đủ điều kiện và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

c) Bệnh viện Phục hồi chức năng:

Bệnh viện phục hồi chức năng là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chức năng khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và tổ chức an dưỡng cho người bệnh và đối tượng khác có nhu cầu.

Bệnh viện phục hồi chức năng là bệnh viện chuyên khoa, có con dấu riêng và tài khoản riêng.

Nhiệm vụ của bệnh viện Phục hồi chức năng

+) Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng theo các hình thức nội trú, ngoại trú, phục hồi chức năng ban ngày và tổ chức an dưỡng:

+) Đào tạo nhân lực: Là cơ sở đào tạo thực hành cho các cơ sở đào tạo chuyên ngành y và các cơ sở giáo dục đào tạo hợp pháp khác; Thực hiện việc đào tạo liên tục, bồi dưỡng kiến thức về chuyên ngành phục hồi chức năng và cấp giấy chứng nhận theo đúng chương trình đào tạo.

+) Nghiên cứu khoa học: Thực hiện nghiên cứu khoa học và ứng dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới về khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng; Tham mưu cho cơ quan quản lý cấp trên về công tác nghiên cứu khoa học trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng.

+) Chỉ đạo tuyến về phục hồi chức năng và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng:

+) Phòng bệnh: Thực hiện việc tuyên truyền phòng ngừa khuyết tật, bệnh tật; Tham gia công tác phòng chống dịch bệnh theo quy định.

+) Truyền thông giáo dục sức khỏe:

+) Tư vấn cho người bệnh và gia đình người bệnh về phục hồi chức năng, tâm lý, giáo dục, hướng nghiệp, tạo cơ hội cho người bệnh tự lập trong cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

+) Thực hiện quy chế dược bệnh viện theo quy định hiện hành.

+) Quản lý kinh tế: Quản lý, sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác; Thực hiện xã hội hóa trong hoạt động của bệnh viện theo quy định của pháp luật; Tiếp nhận và sử dụng các nguồn viện trợ.

+) Hợp tác quốc tế: Thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế về phục hồi chức năng và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; Tham mưu cho cơ quan quản lý cấp trên về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phục hồi chức năng và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

+) Thủ tục sản xuất, cung cấp và hướng dẫn sử dụng hiệu quả dụng cụ trợ giúp cho người bệnh. Hướng dẫn người dân sản xuất và sử dụng dụng cụ trợ giúp đơn giản cho người bệnh tại cộng đồng.

+) Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo chuyên môn theo quy định và nhiệm vụ khác liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh khi có đủ điều kiện và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng

Ngành y tế, ngành lao động - thương binh và xã hội phối hợp với các ngành liên quan, các tổ chức xã hội mở rộng hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng để phòng ngừa và hạn chế hậu quả tàn tật; áp dụng kỹ thuật thích hợp để đưa người tàn tật có khả năng trở lại cuộc sống bình thường.

Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng là quá trình phục hồi chức năng được thực hiện tại cộng đồng với sự tham gia, phối hợp chung của người khuyết tật, gia đình người khuyết tật, chính quyền địa phương, y tế cơ sở và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Xem thêm: Tổng hợp bài viết Luật của Quốc hội số 21-LCT/HĐNN8 ngày 30/06/1989 về bảo vệ sức khỏe nhân dân

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư