Quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia? (Phần 2)

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:02 (GMT+7)

Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia? (Phần 2)

Quản lý nhà nước là hoạt động thực thi quyền lực nhà nước do các cơ quan nhà nước thực hiện nhằm xác lập một trật tự ổn định, phát triển xã hội theo những mục tiêu mà tầng lớp cầm quyền theo đuổi.

Cơ quan quản lý nước ta gồm: Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp từ cấp tỉnh đến cấp xã.

Quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia là hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp từ cấp tỉnh đến cấp xã thực thi quyền lực nhà nước thực hiện các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia được quy định tại Điều 29 và Điều 30 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia số 44/2019/QH14 ngày 14 tháng 06 năm 2019 gồm 02 nội dung: Nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia và Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Trong phần trước, Luật Hoàng Anh đã làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của Chính phủ; Bộ và Cơ quan ngang Bộ về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân các cấp cũng là cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác này.

Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia tại địa phương.

Trách nhiệm quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) có trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn quản lý như sau:

- Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn, biện pháp thi hành pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia;

- Xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí thực hiện công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia hằng năm;

- Tổ chức việc thực hiện biện pháp tăng cường quản lý đối với sản xuất rượu thủ công; rà soát, thống kê số lượng hộ gia đình, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công, sản lượng sản xuất rượu thủ công trong toàn tỉnh, gửi Bộ Công Thương tổng hợp và báo cáo Chính phủ hằng năm; vận động, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, hồ sơ để các hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công chưa có giấy phép làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép sản xuất rượu theo quy định hoặc đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) việc bán rượu cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại; hộ gia đình, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh tự kê khai gửi Ủy ban nhân cấp xã các thông tin về sản lượng sản xuất rượu, phạm vi sử dụng và cam kết không bán rượu ra thị trường theo mẫu quy định của Bộ trưởng Bộ Công Thương; hướng dẫn các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm; kiểm tra chất lượng rượu thủ công được sản xuất, lưu hành trên địa bàn; phòng, chống rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng và các hoạt động khác có liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia;

- Chỉ đạo, tổ chức việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia; hướng dẫn, tổ chức triển khai các chiến dịch truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia;

- Chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia;

- Báo cáo kết quả thực hiện phòng, chống tác hại của rượu, bia thuộc địa bàn quản lý hằng năm gửi Bộ Y tế tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Trách nhiệm quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương

Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi chung là cấp huyện) có trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn quản lý như sau:

- Chỉ đạo, tổ chức việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia; tổ chức triển khai các chiến dịch truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia;

- Tổ chức việc thực hiện biện pháp tăng cường quản lý và bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản xuất rượu thủ công trên địa bàn quản lý theo phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; hướng dẫn các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm; kiểm tra chất lượng rượu thủ công được sản xuất, lưu hành trên địa bàn;

- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia;

- Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kết quả thực hiện phòng, chống tác hại của rượu, bia hăng năm thuộc địa bàn quản lý.

Trách nhiệm quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp xã

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn quản lý như sau:

- Tổ chức việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia; tổ chức triển khai các chiến dịch truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia

- Tổ chức việc thực hiện biện pháp tăng cường quản lý và bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản xuất rượu thủ công trên địa bàn quản lý theo phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện; vận động, tổ chức cho hộ gia đình, tổ chức, cá nhân đăng ký việc bán rượu cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại; hộ gia đình, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh tự kê khai các thông tin về sản lượng sản xuất rượu, phạm vi sử dụng và cam kết không bán rượu ra thị trường theo mẫu quy định của Bộ trưởng Bộ Công Thương;

- Áp dụng biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp kịp thời đối với trẻ em có cha, mẹ nghiện rượu, bia theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình;

- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia;

- Tổ chức, vận động, hướng dẫn và phát huy vai trò của tổ dân phố, cụm dân cư, thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, tổ chức hội, đoàn thể tại địa phương, cộng đồng tham gia các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia;

- Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện kết quả thực hiện phòng, chống tác hại của rượu, bia hằng năm thuộc địa bàn quản lý.

Xem thêm: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư