Quy định về lấy và ghép mô hoặc một bộ phận của cơ thể con người?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:12 (GMT+7)

Quy định về lấy và ghép mô hoặc một bộ phận của cơ thể con người

Khái niệm

Lấy mô, bộ phận cơ thể người là việc tách mô, bộ phận từ cơ thể người hiến khi còn sống hoặc sau khi chết.

Ghép mô, bộ phận cơ thể người là việc cấy ghép mô, bộ phận tương ứng của cơ thể người hiến vào cơ thể của người được ghép.

Mô là tập hợp các tế bào cùng một loại hay nhiều loại khác nhau để thực hiện các chức năng nhất định của cơ thể người.

Bộ phận cơ thể người là một phần của cơ thể được hình thành từ nhiều loại mô khác nhau để thực hiện các chức năng sinh lý nhất định.

Bộ phận cơ thể không tái sinh là bộ phận sau khi lấy ra khỏi cơ thể người thì cơ thể không thể sản sinh hoặc phát triển thêm bộ phận khác thay thế bộ phận đã lấy.

Căn cứ pháp lý

Điều 30 Luật của Quốc hội số 21-LCT/HĐNN8 ngày 30/06/1989 về bảo vệ sức khỏe nhân dân (sau đây gọi tắt là Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989) quy định lấy và ghép mô hoặc một bộ phận của cơ thể con người:

"Điều 30. Lấy và ghép mô hoặc một bộ phận của cơ thể con người.

1- Thầy thuốc chỉ tiến hành lấy mô hoặc bộ phận của cơ thể người sống hay người chết dùng vào mục đích y tế sau khi đã được sự đồng ý của người cho, của thân nhân người chết hoặc người chết có di chúc để lại.

2- Việc ghép mô hoặc một bộ phận cho cơ thể người bệnh phải được sự đồng ý của người bệnh hoặc thân nhân hay người giám hộ của người bệnh chưa thành niên.

3- Bộ y tế quy định chế độ chăm sóc sức khoẻ người cho mô hoặc một bộ phận của cơ thể."

Các trường hợp được lấy và ghép mô hoặc một bộ phận của cơ thể con người

Thầy thuốc chỉ tiến hành lấy mô hoặc bộ phận của cơ thể người sống hay người chết dùng vào mục đích y tế sau khi đã được sự đồng ý của người cho, của thân nhân người chết hoặc người chết có di chúc để lại.

Điều kiện, thủ tục lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống

- Chỉ cơ sở y tế đảm bảo điều kiện quy định tại Điều 16 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác số 75/2006/QH 11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 mới được tiến hành lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống.

- Chỉ lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống đã đăng ký hiến. Trong trường hợp cấp cứu mà cần phải ghép mô hoặc cần ghép mô cho cha, mẹ, anh, chị, em ruột thì được phép lấy mô của người chưa đăng ký hiến nếu có sự đồng ý của người đó.

- Cơ sở y tế trước khi tiến hành lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống có trách nhiệm sau đây:

i) Tư vấn về sức khỏe, tâm lý xã hội cho người hiến;

ii) Kiểm tra các thông số sinh học của người hiến.

Điều kiện lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết

- Chỉ cơ sở y tế quy định tại Điều 16 của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác số 75/2006/QH 11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 mới được tiến hành lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết.

- Việc lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

i) Có thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết;

ii) Có thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết và đã được công bố là chết não do người đứng đầu của cơ sở y tế công bố kết luận chết não bằng văn bản;

iii) Trường hợp không có thẻ hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết thì việc lấy phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó hoặc vợ, chồng hoặc đại diện các con đã thành niên của người đó.

Điều kiện đối với cơ sở y tế lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người

Cơ sở y tế lấy, ghép bộ phận cơ thể người phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có đủ đội ngũ cán bộ y tế có năng lực, trình độ chuyên môn về lấy, ghép bộ phận cơ thể người, gây mê, hồi sức sau ghép được cơ sở y tế hoặc cơ sở đào tạo cấp giấy chứng nhận hoặc văn bằng chuyên khoa;

b) Có trưởng kíp ghép bộ phận cơ thể người là người đã trực tiếp thực hiện ca ghép trên người;

c) Có ít nhất ba phòng liên hoàn khép kín, bố trí một chiều, bảo đảm vô trùng, bao gồm phòng lấy, xử lý và bảo quản bộ phận cơ thể người, phòng ghép và phòng hồi sức sau ghép;

d) Có phòng kỹ thuật dành riêng cho việc theo dõi, chăm sóc liên tục người hiến hoặc người được ghép;

đ) Có đơn vị ghép thực nghiệm;

e) Có phòng xét nghiệm;

g) Có đơn vị lọc máu, chạy thận nhân tạo đối với trường hợp ghép thận;

h) Có đủ trang thiết bị, dụng cụ y tế về thăm dò chức năng, huyết học, hóa sinh, vi sinh, miễn dịch, giải phẫu bệnh, chẩn đoán hình ảnh, định lượng nồng độ thuốc chống thải ghép để bảo đảm việc chẩn đoán và theo dõi người hiến, người được ghép trước, trong và sau khi ghép;

i) Có đủ cơ số thuốc cần thiết đáp ứng yêu cầu thực hiện quá trình lấy, ghép và phục hồi sau khi ghép.

Xem thêm: Tổng hợp bài viết Luật của Quốc hội số 21-LCT/HĐNN8 ngày 30/06/1989 về bảo vệ sức khỏe nhân dân

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư