Trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ về thú y được quy định như thế nào? ( Phần 2)

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:49 (GMT+7)

Trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ về thú y

Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, thì các loại dịch bệnh nguy hiểm có thể lây lan giữa các quốc gia một cách nhanh chóng thông qua các con đường như buôn lậu động vật qua biên giới, qua người du lịch từ nước này sang nước khác. Biến đổi khí hậu hay những tác nhân gây ô nhiễm môi trường cũng là nguyên nhân khiến cho các loại bệnh có nguồn gốc từ động vật có khả năng lây sang người ngày càng tăng. Thú y có đối tượng phục vụ trực tiếp là động vật nhưng đối tượng được phục vụ gián tiếp đó chính là con người do chăm sóc thú y tốt cũng góp phần nâng cao sức khỏe và cải thiện đời sống xã hội. Đứng trước tình hình đó, pháp luật quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, các bộ nhằm nâng cao hoạt động trong lĩnh vực thú y. Bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ trình bày về trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ về thú y.

Quản lý nhà nước là gì?

Quản lí nhà nước là hoạt động thực thì quyển lực nhà nước do các cơ quan nhà nước thực hiện nhằm xác lập một trật tự ổn định và phát triển xã hội theo những mục tiêu mà tầng lớp cầm quyền theo đuổi.

Quản lí nhà nước được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm toàn bộ hoạt động của cả bộ máy nhà nước từ lập pháp, hành pháp đến tư pháp vận hành như một thực thể thống nhất. Theo nghĩa hẹp là hướng dẫn chấp pháp, điểu hành, quản lí hành chính do cơ quan hành pháp thực hiện bảo đảm bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước.

Trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ về thú y

Phần 1, chúng tôi đã trình bày trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong phần 2 này, chúng tôi sẽ trình bày trách nhiệm của các Bộ liên quan còn lại. Xem phần 1 tại:

Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế

Bộ trưởng Bộ Y tế là người đứng đầu Bộ Y tế. Đồng thời là thành viên của Chính phủ Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý ngành Y tế. Khoản 3 Điều 8 Luật Thú y 2015 quy định trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế về thú y như sau:

3. Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc phòng, chống các bệnh truyền lây giữa động vật và người.

Một số bệnh truyền lây giữa động vật và người như cúm gia cầm, bệnh dại động vật, giun xoắn, lao bò,....những bệnh này có khả năng lây truyền từ động vật sang người là rất cao. Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm trong công tác phòng, chống các bệnh truyền lây giữa động vật và người bảo đảm sức khỏe cho con người.

Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công Thương

Khoản 4 Điều 8 Luật Thú y 2015 quy định trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công Thương như sau:

4. Bộ trưởng Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc phòng, chống gian lận thương mại, hàng giả và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về buôn bán động vật, sản phẩm động vật, thuốc thú y lưu thông trên thị trường.

Gian lận thương mại là hành vi dối trá, mánh khóe, lừa lọc trong lĩnh vực thương mại thông qua hoạt động mua, bán, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ nhằm mục đích thu lợi bất chính. 

Vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật, có lỗi của chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lí xâm hại tới quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ.

Động vật bao gồm: Động vật trên cạn là các loài gia súc, gia cầm, động vật hoang dã, bò sát, ong, tằm và một số loài động vật khác sống trên cạn; và động vật thủy sản là các loài cá, giáp xác, động vật thân mềm, lưỡng cư, động vật có vú và một số loài động vật khác sống dưới nước.

Sản phẩm động vật là các loại sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, bao gồm: Sản phẩm động vật trên cạn là thịt, trứng, sữa, mật ong, sáp ong, sữa ong chúa, tinh dịch, phôi động vật, huyết, nội tạng, da, lông, xương, sừng, ngà, móng và các sản phẩm khác có nguồn gốc từ động vật trên cạn; và sản phẩm động vật thủy sản là động vật thủy sản đã qua sơ chế hoặc chế biến ở dạng nguyên con; phôi, trứng, tinh dịch và các sản phẩm khác có nguồn gốc từ động vật thủy sản.

Thuốc thú y là đơn chất hoặc hỗn hợp các chất bao gồm dược phẩm, vắc-xin, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất được phê duyệt dùng cho động vật nhằm phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều chỉnh, phục hồi chức năng sinh trưởng, sinh sản của động vật.

Quy định Bộ trưởng Bộ Công Thương có trách nhiệm trong việc phòng, chống gian lận thương mại, hàng giả và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về buôn bán động vật, sản phẩm động vật, thuốc thú y lưu thông trên thị trường này trước tiên nhằm đảm bảo quyền lợi, an toàn cho người tiêu dùng, đẩy mạnh thị trường thương mại và góp phần hỗ trợ quản lý nhà nước về thú y.

Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Khoản 5 Điều 8 Luật Thú y 2015 quy định trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ như sau:

5. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến lĩnh vực thú y.

Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thú y hiểu là những quy định về đặc tính, yêu cầu quản lý được dùng để phân loại và đánh giá nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đối với các hoạt động thú y. Khoa học và công nghệ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển trong lĩnh vực thú y, vậy nên trách nhiệm quản lý, phát triển khoa học, công nghệ cần được chú trọng và nâng cao.

Phần 3, chúng tôi sẽ trình bày trách nhiệm của các Bộ liên quan còn lại. Xem phần 3 tại: Trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ về thú y được quy định như thế nào? ( Phần 3)

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Thú y 2015

Luật Hoàng Anh

 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư