Hộ gia đình, cá nhân chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng các chế độ gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:55 (GMT+7)

Bài viết trình bày về các chế độ hộ gia đình, cá nhân chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng

Trợ giúp xã hội được hiểu là sự giúp đỡ của Nhà nước, cộng đồng xã hội đối với những người có hoàn cảnh khó khăn mà bản thân họ không tự khắc phục được. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng là một trong các hình thức trợ giúp xã hội. Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 18, Nghị định 20/2021/NĐ-CP, 03 đối tượng thuộc diện được hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng tại cộng đồng bao gồm trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn cấp dưỡng, người cao tuổi và người khuyết tật. Vậy hộ gia đình, cá nhân chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng các chế độ gì? 

Xem thêm: Đối tượng nào được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng?

Điều 20, Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định về chế độ đối với hộ gia đình, cá nhân chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội như sau: 

Chế độ hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng 

Trường hợp 1

Hỗ trợ kinh phí chăm sóc đối với trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng, người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.

Trong trường hợp này, hỗ trợ kinh phí nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng thấp nhất cho mỗi đối tượng bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 20/2021/NĐ-CP (tức 360.000 đồng) nhân với hệ số tương ứng theo quy định sau đây:

- Hệ số 2,5 đối với trường hợp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 04 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng

- Hệ số 1,5 đối với trường hợp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em từ đủ 04 tuổi đến dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng, người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.

Xem thêm: Đối tượng được nhận trợ cấp xã hội là trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng được trình bày chi tiết trong bài viết Các đối tượng nào được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng? (P1)

Trường hợp 2

Hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng đối với người khuyết tật, người khuyết tật nặng

Khoản 1, Điều 2, Luật người khuyết tật năm 2010 quy định người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Trong đó, người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày; người khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;

Hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng thấp nhất cho mỗi đối tượng bao gồm người khuyết tật, người khuyết tật nặng bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội 360.000 đồng nhân với hệ số tương ứng theo quy định sau đây:

- Mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi được quy định như sau:

+ Hệ số 1,5 đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi một con dưới 36 tháng tuổi;

+ Hệ số 2,0 đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai và nuôi một con dưới 36 tháng tuổi hoặc nuôi hai con dưới 36 tháng tuổi trở lên;

Trường hợp người khuyết tật thuộc diện hưởng các hệ số khác nhau thì chỉ được hưởng một hệ số cao nhất;

Trường hợp cả vợ và chồng là người khuyết tật thuộc diện hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng thì chỉ được hưởng một suất hỗ trợ kinh phí chăm sóc.

- Trường hợp người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang hưởng trợ cấp xã hội nhưng mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì vẫn được hưởng kinh phí hỗ trợ chăm sóc như sau: 360.000 x hệ số 1,5

- Hộ gia đình đang trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng mỗi một người khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng kinh phí hỗ trợ chăm sóc hệ số một (1,0).

- Hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc với hệ số được quy định như sau:

+ Hệ số 1,5 đối với trường hợp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng mỗi một người khuyết tật đặc biệt nặng;

+ Hệ số 2,5 đối với trường hợp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng mỗi một trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng.

Chế độ hướng dẫn đào tạo, nghiệp vụ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng

Điều 4, Thông tư 02/2021/TT-BLĐTBXH quy định hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội được hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng như sau: chế độ dinh dưỡng phù hợp; sắp xếp nơi ở, trợ giúp sinh hoạt cá nhân; tư vấn, đánh giá tâm, sinh lý; chính sách, pháp luật liên quan; các nghiệp vụ liên quan khác.

Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tổ chức thực hiện việc hướng dẫn đào tạo, nghiệp vụ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng

Chế độ vay vốn, dạy nghề tạo việc làm

Hộ gia đình, cá nhân chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội được ưu tiên vay vốn, dạy nghề tạo việc làm, phát triển kinh tế hộ và chế độ ưu đãi khác. 

Luật Hoàng Anh 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư