Tạm đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động đối với cơ sở trợ giúp xã hội trong trường hợp nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:08 (GMT+7)

Các trường hợp tạm đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động đối với cơ sở trợ giúp xã hội

Trường hợp tạm đình chỉ giấy phép hoạt động

Tạm đình chỉ hoạt động là việc tạm dừng hiệu lực của giấy phép hoạt động đối với các cơ sở trợ giúp xã hội, nói cách khác cơ sở trợ giúp xã hội không được hoạt động trong thời gian đình chỉ hoạt động, không được cung cấp dịch vụ, cũng không được tiếp nhận thêm các đối tượng chăm sóc.

Theo Khoản 1 Điều 32 Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/09/2017 của Chính phủ, trường hợp tạm đình chỉ hoạt động cơ sở trợ giúp xã hội là trường hợp không đảm bảo đủ một trong 03 điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động, bao gồm:

- Đã được thành lập, cấp Giấy chứng nhận thành lập hoặc đã được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động và quản lý hội hoặc doanh nghiệp

- Người đứng đầu cơ sở phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích

- Có nhân viên trực tiếp tư vấn, chăm sóc đối tượng

- Đối với các trường hợp cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng, ngoài các điều kiện trên thì còn phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực

Cụ thể: Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở trợ giúp xã hội như thế nào?

Cơ quan có thẩm quyền ban hành Giấy phép hoạt động là cơ quan có thẩm quyền tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở trợ giúp xã hội (một phần hoặc toàn bộ).

Trường hợp thu hồi Giấy phép hoạt động đối với cơ sở trợ giúp xã hội

Theo Khoản 2 Điều 32 Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/09/2017 của Chính phủ, có 05 trường hợp cơ sở trợ giúp xã hội bị thu hồi Giấy phép hoạt động, bao gồm:

a. Giấy phép hoạt động được cấp cho cơ sở không đúng thẩm quyền hoặc không đúng quy định của pháp luật

Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động thuộc về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, tức:

- Đối với các cơ sở thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan trung ương của tổ chức xã hội – nghề nghiệp có trụ sở của cơ sở đặt tại địa phương; cơ sở do cơ quan, tổ chức cấp tỉnh thành lập hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

- Đối với các cơ sở có trụ sở tại địa phương do các tổ chức, cá nhân thành lập: Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội

Nếu không được cấp phép đúng thẩm quyền như trên, Giấy phép bị thu hồi bởi chính các cơ quan được cấp theo đúng thẩm quyền.

b. Sau 12 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép hoạt động nhưng cơ sở không hoạt động

Sau 12 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép hoạt động nhưng cơ sở không hoạt động, tức là không có hoạt động thực tế: Tiếp nhận các đối tượng, cung cấp dịch vụ cho các đối tượng có nhu cầu. Trong trường hợp này, không có hoạt động dẫn đến không có người lao động, không có nhân viên trợ giúp xã hội. Vậy mục đích thành lập cơ sở trợ giúp xã hội cũng không thể thực hiện được, đồng thời cũng có thể dẫn đến các nghi hoặc về việc thành lập cơ sở trợ giúp xã hội có nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật không. Để tránh các nguy cơ tiềm ẩn khi cơ sở trợ giúp pháp luật không hoạt động trong thời gian dài sau khi thành lập và được cấp phép hoạt động, phải thu hồi Giấy phép hoạt động của cơ sở.

c. Cơ sở thay đổi mục đích hoạt động không theo quy định của pháp luật

Cơ sở thay đổi mục đích hoạt động thì phải thay đổi nội dung Giấy chứng nhận thành lập và Giấy phép hoạt động. Nếu không thực hiện đúng theo quy định về hoạt động thay đổi Giấy chứng nhận thành lập và Giấy phép hoạt động thì cơ sở trợ giúp xã hội bị thu hồi Giấy phép hoạt động.

d. Hết thời hạn tạm đình chỉ mà cơ sở vẫn không bảo đảm đủ điều kiện theo quy định

Khi cơ sở trợ giúp xã hội bị tạm đình chỉ hoạt động, cơ quan có thẩm quyền (chính là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động) ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động cơ sở, trong quyết định này nêu rõ thời hạn tạm đình chỉ, và yêu cầu cơ sở trợ giúp xã hội khắc phục để đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết. Sau thời hạn này, nếu cơ sở vẫn không đáp ứng được kịp thời thì bị thu hồi Giấy phép hoạt động.

e. Cơ sở vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép hoạt động

Phạm vi hoạt động, loại hình hoạt động, đối tượng cung cấp dịch vụ,… và các nội dung khác được nêu trong Giấy phép hoạt động. Nếu cơ sở trợ giúp xã hội có thay đổi các hoạt động thì phải thay đổi nội dung Giấy phép hoạt động. Trong trường hợp cơ sở trợ giúp xã hội tự ý thay đổi hoạt động, vi phạm nghiêm trọng (làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của các chủ thể khác) thì bị thu hồi Giấy phép hoạt động.

Xem thêm: Tổng hợp bài viết về Luật người cao tuổi

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư