2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Hộ tịch là vấn đề pháp lý quen thuộc đối với mỗi cá nhân để chỉ những quyền lợi cơ bản cũng như các sự kiện hợp pháp của công dân.Vì vậy, pháp luật quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về hộ tịch, công chức làm công tác hộ tịch. Trong bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ trình bày về những việc công chức làm công tác hộ tịch không được làm theo quy định của pháp luật.
Hộ tịch là những sự kiện cơ bản xác định tình trạng nhân thân của một người từ khi sinh ra đến khi chết như họ, tên, cha, mẹ, sinh, tử, kết hôn, ly hôn, xác định thành phần dân tộc, quốc tịch….
Đăng ký hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch của cá nhân, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, thực hiện quản lý về dân cư.
Công chức làm công tác hộ tịch bao gồm công chức tư pháp - hộ tịch ở cấp xã; công chức làm công tác hộ tịch ở Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; viên chức ngoại giao, lãnh sự làm công tác hộ tịch tại Cơ quan đại diện.
Căn cứ theo Điều 74 Luật Hộ tịch 2014 quy định những việc công chức làm công tác hộ tịch không được làm bao gồm:
Thứ nhất: Cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, trì hoãn, gây khó khăn, phiền hà, nhận hối lộ khi đăng ký, quản lý hộ tịch.
Cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, trì hoãn, gây khó khăn, phiền hà là những thái độ tiêu cực, tự cho mình là người có nhiều quyền, không xem ai ra gì mà lên mặt, lấn lướt với người có yêu cầu đăng ký hộ tịch. Ngoài ra, công chức công tác hộ tịch không được nhận hối lộ khi đăng ký, quản lý hộ tịch dẫn đến sự bất bình đẳng, công bằng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích của các chủ thể liên quan.
Thứ hai: Thu lệ phí hộ tịch cao hơn mức quy định hoặc đặt ra các khoản thu khi đăng ký hộ tịch.
Lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước. Pháp luật quy định cụ thể lệ phí đối với từng sự kiện hộ tịch khi tiến hành đăng ký tại cơ quan đăng ký hộ tịch. Công chức làm công tác hộ tịch không được thu lệ phí cao hơn mức quy định nhằm mục đích trục lợi cho bản thân hay mục đích khác.
Thứ ba: Đặt ra thủ tục, giấy tờ, cố ý kéo dài thời hạn giải quyết đăng ký hộ tịch trái quy định.
Đây là hành vi vi phạm đến trình tự, thủ tục giải quyết đăng ký hộ tịch mà pháp luật quy định, làm trì trệ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các cá nhân.
Thứ tư: Tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung thông tin trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch.
Cơ sở dữ liệu hộ tịch là tập hợp thông tin hộ tịch của cá nhân đã đăng ký và lưu giữ trong Sổ hộ tịch và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
Thứ năm: Đăng ký, cấp giấy tờ về hộ tịch trái quy định.
Việc đăng ký, cấp giấy tờ về hộ tịch trái quy định làm lệch lạc về hệ thống thông tin, cơ sở thẩm quyền của cơ quan quản lý hộ tịch khác, vậy nên, đăng ký, cấp giấy tờ về hộ tịch phải được thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục pháp luật quy định.
Thứ sáu: Tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật cá nhân mà biết được qua đăng ký hộ tịch.
Bí mật cá nhân có thể hiểu là tổng thể các quan hệ quá khứ, các thông tin liên quan đến cá nhân mang tính chất chi phối các quan hệ cụ thể của cá nhân mà bị bộc lộ sẽ gây cho cá nhân những bất lợi hoặc dễ gây ra sự hiểu lầm ở các chủ thể khác. Vì vậy, Công chức làm công tác hộ tịch không được tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật cá nhân mà biết được qua đăng ký hộ tịch.
Theo khoản 7 Điều 74 Luật Hộ tịch 2014 quy định xử lý vi phạm của Công chức làm công tác hộ tịch như sau:
7. Công chức làm công tác hộ tịch vi phạm các quy định của Điều này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Việc xử lý kỷ luật nhằm mục đích chấn chỉnh lại thái độ, nhận thức của người vi phạm để họ có thể rút kinh nghiệm cho bản thân.
Truy cứu trách nhiệm hình sự là buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện, áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự qua các giai đoạn từ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đến điều tra, truy tố và xét xử để buộc người đã có hành vi nguy hiểm cho xã hội mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi ấy, tức là phải chịu hình phạt. Người có khả năng nhận thức được hành vi của mình, có khả năng điều khiển được hành vi đó là người có năng lực trách nhiệm hình sự và sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu người đó thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Hộ tịch
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh