2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Hộ tịch là vấn đề pháp lý quen thuộc đối với mỗi cá nhân để chỉ những quyền lợi cơ bản cũng như các sự kiện hợp pháp của công dân.Vì vậy, pháp luật quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về hộ tịch, công chức làm công tác hộ tịch. Trong bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ trình bày về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với việc quản lý nhà nước về hộ tịch theo quy định của pháp luật.
Hộ tịch là những sự kiện cơ bản xác định tình trạng nhân thân của một người từ khi sinh ra đến khi chết như họ, tên, cha, mẹ, sinh, tử, kết hôn, ly hôn, xác định thành phần dân tộc, quốc tịch….
Đăng ký hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch của cá nhân, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, thực hiện quản lý về dân cư.
Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, là cơ quan hành chính nhà nước thuộc nhánh quyền lực hành pháp tại địa phương, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 70 Luật Hộ tịch 2014 quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện như sau:
Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước về hộ tịch tại địa phương và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
+ Thực hiện đăng ký hộ tịch theo quy định của Luật này;
+ Chỉ đạo, kiểm tra việc đăng ký và quản lý hộ tịch tại Ủy ban nhân dân cấp xã;
+ Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về hộ tịch;
+ Quản lý, sử dụng Sổ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch theo quy định;
+ Căn cứ quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, bố trí công chức làm công tác hộ tịch;
+ Quản lý, cập nhật, khai thác Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và cấp bản sao trích lục hộ tịch theo quy định;
+ Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về hộ tịch theo thẩm quyền;
+ Thu hồi, hủy bỏ giấy tờ hộ tịch do Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trái quy định, trừ trường hợp kết hôn trái pháp luật;
+ Tổng hợp tình hình và thống kê hộ tịch báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của Chính phủ;
+ Lưu trữ Sổ hộ tịch, hồ sơ đăng ký hộ tịch.
Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của Uỷ ban nhân dân cấp huyện được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 23 Nghị định 87/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; đăng ký hộ tịch trực tuyến.
Khoản 2 Điều 70 Luật Hộ tịch 2014 quy định như sau:
2. Phòng Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm a, b, c, d, e, g, i và k khoản 1 Điều này.
Phòng tư pháp là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện, chịu sự quản lí toàn diện, trực tiếp của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Tư pháp, có chức năng: tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp thực hiện chức năng quản lí nhà nước về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, chứng thực, hộ tịch, trợ giúp pháp lí, hoà giải ở cơ sở và công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực công tác tư pháp theo sự uỷ quyền của Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
Theo đó, Phòng Tư pháp có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định ngoại trừ quyết định việc bố trí công chức làm công tác hộ tịch và thu hồi, hủy bỏ giấy tờ hộ tịch do Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trái quy định.
Khoản 3 Điều 70 Luật Hộ tịch 2014 quy định như sau:
3. Đối với đơn vị hành chính cấp huyện không có đơn vị hành chính cấp xã thì ngoài việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về đăng ký và quản lý hộ tịch của Ủy ban nhân dân cấp huyện, còn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đăng ký và quản lý hộ tịch của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại Điều 71 của Luật này.
Như vậy, đơn vị hành chính cấp huyện sẽ chịu trách nhiệm thực hiện cả nhiệm vụ, quyền hạn đăng ký và quản lý hộ tịch của cả hai cấp huyện và xã trong trường hợp không có đơn vị hành chính cấp xã.
Khoản 4 Điều 70 Luật Hộ tịch 2014 quy định như sau:
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm về công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và những vi phạm trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch do buông lỏng quản lý.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện là người đứng đầu Uỷ ban nhân dân cấp huyện. Theo đó, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện là người chịu trách nhiệm về công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và những vi phạm trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch do buông lỏng quản lý. Buông lỏng quản lý là việc tổ chức, cá nhân có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý nhưng không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, không chấp hành quy định của cấp trên; không ban hành các quyết định, quy chế, quy định, quy trình; không có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoặc đôn đốc, kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Hộ tịch
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh