Các trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội có lẻ tháng, nghỉ hưu sớm có tháng lẻ thì tính tỷ lệ hưởng lương hưu như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:16 (GMT+7)

Các trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội có lẻ tháng, nghỉ hưu sớm có tháng lẻ thì tính tỷ lệ hưởng lương hưu

1. Xác định thời gian đóng bảo hiểm có tháng lẻ và tỷ lệ hưởng lương hưu

1.1. Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội lẻ tháng

Theo Khoản 2 Điều 17 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, khi tính tỷ lệ hưởng lương hưu trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì:

- Từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm

- Từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là 01 năm

Chỉ xác định thời gian đóng bảo hiểm lẻ tháng trong trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn mức tối thiểu tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 45%. Tức là với tỷ lệ hưởng lương hưu tăng so với 45% thì tùy đối tượng (người lao động nam hay nữ), thời điểm nghỉ hưu (năm nào) mà tỷ lệ hưởng lương hưu tăng 2% hoặc 3% (0,5 x 2% hoặc 0,5 x 3%).

1.2. Trường hợp nghỉ hưu sớm lẻ tháng

Theo Khoản 15 Điều 1 Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH ngày 07/07/2021 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sửa đổi Khoản 1 Điều 17 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội:

- Thời gian lẻ dưới 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu

- Thời gian kẻ từ 06 tháng đến 11 tháng thì giảm 1% tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu

Ngược lại với trường hợp trên, việc xác định tháng nghỉ hưu lẻ tháng nhằm xác định số tỷ lệ hưởng lương hưu bị giảm so với tổng số tỷ lệ hưởng lương hưu mà người lao động nhận được (bao gồm cả tỷ lệ hưởng lương hưu đã tăng sau khi xác định thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn mức tối thiểu).

2. Một số trường hợp cụ thể

2.1. Trường hợp suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Theo Điều 5 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2019 của Chính phủ, nhóm người lao động này được nghỉ sớm hơn tối đa 05 năm so với tuổi nghỉ hưu chung cho người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, không bị suy giảm khả năng lao động.

Giả sử người lao động nam A phải đóng bảo hiểm xã hội 20 năm, nhưng trên thực tế đã đóng bảo hiểm xã hội 25 năm 06 tháng. Người lao động nghỉ hưu vào năm 2028 ở tuổi 60 dù thời điểm nghỉ hưu chung cho nhóm người lao động nam năm 2028 là 62 tuổi do suy giảm khả năng lao động 61%. Vì người lao động có mức suy giảm khả năng lao động là 61% nên thời gian nghỉ hưởng chế độ của người lao động là 05 năm trước so với tuổi nghỉ hưu chung cho người lao động (tức không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu của người lao động do mốc tuổi được xác định từ 05 năm trước tuổi nghỉ hưu chung) thì:

- Tỷ lệ hưởng lương hưu cho 20 năm đầu: 45%

- Tỷ lệ hưởng lương hưu cho 5 năm 06 tháng: 6 x 2% = 12%

Suy ra, tỷ lệ hưởng lương hưu của người lao động A là: 45% + 12% = 57%

2.2. Trường hợp người lao động vừa được tăng tỷ lệ hưởng lương hưu do đóng bảo hiểm xã hội quá thời gian tối thiểu, vừa bị giảm tỷ lệ hưởng lương hưu do nghỉ hưu sớm so với quy định

Trong trường hợp này tính mức tăng tỷ lệ hưởng lương hưu do đóng bảo hiểm xã hội, sau đó tính mức giảm tỷ lệ hưởng lương do nghỉ hưu sớm.

Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH ngày 07/07/2021 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sửa đổi Khoản 1 Điều 17 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có đưa ra 02 ví dụ cụ thể cho trường hợp này.

Ví dụ 25: Bà K làm việc trong điều kiện lao động bình thường bị suy giảm khả năng lao động 61%, nghỉ việc hưởng lương hưu tháng 4/2021 khi đủ 50 tuổi 5 tháng, có 28 năm đóng bảo hiểm xã hội, tỷ lệ hưởng lương hưu được tính như sau:

- 15 năm đầu được tính bằng 45%;

- Từ năm thứ 16 đến năm thứ 28 là 13 năm, tính thêm: 13 x 2% = 26%;

- Tổng 2 tỷ lệ trên là: 45% + 26% = 71%;

- Tại thời điểm nghỉ hưu bà K 50 tuổi 5 tháng (thời gian nghỉ hưu trước tuổi 55 tuổi 4 tháng là 4 năm 11 tháng) nên tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi là 9% (4 x 2%+ 1% = 9%);

Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của bà K sẽ là 71% - 9% = 62%.

Ví dụ 26: Ông Q sinh ngày 14/01/1967, nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 01/11/2021 với thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 34 năm, trong đó có 15 năm làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; bị suy giảm khả năng lao động 61%. Tỷ lệ hưởng lương hưu của ông Q được tính như sau:

- 19 năm đầu được tính bằng 45%;

- Từ năm thứ 20 đến năm thứ 34 là 15 năm, tính thêm: 15 x 2% = 30%;

- Tổng 2 tỷ lệ trên là: 45% + 30% = 75%;

- Tại thời điểm nghỉ hưu, ông Q 54 tuổi 9 tháng 17 ngày, thời gian nghỉ hưu trước tuổi (55 tuổi 3 tháng) là dưới 6 tháng nên không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu;

Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông Q là 75%.

Xem thêm: Tổng hợp bài viết về Luật bảo hiểm xã hội

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư