Chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:51 (GMT+7)

Bài viết giải thích về các trường hợp chấm dứt hợp đồng

Theo Điều 23 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 09/12/2000, có 04 nhóm trường hợp hợp đồng bảo hiểm chấm dứt, bao gồm:

Bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi được bảo hiểm

Trường hợp bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi có thể được bảo hiểm là đối tượng bảo hiểm vẫn tồn tại ở thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, nhưng trong thời gian thực hiện hợp đồng đồng, đối tượng bảo hiểm không còn cần được bảo hiểm hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm, có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính bảo hiểm (như phạm vi bảo hiểm, trách nhiệm bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm,…), dẫn đến giảm các rủi ro được bảo hiểm, đến mức không còn rủi ro, thì đối tượng của hợp đồng bảo hiểm không còn cần bảo hiểm nữa, quyền lợi có thể được bảo hiểm cũng không tồn tại. Dẫn đến các bên không còn cần phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ để bảo hiểm cho đối tượng bảo hiểm nữa nên có thể thỏa thuận chấm dứt hợp đồng bảo hiểm.

Trường hợp này khác với trường hợp bên mua bảo hiểm không có quyền lợi được bảo hiểm, vì nếu bên mua bảo hiểm không có quyền lợi bảo hiểm ngay từ đầu thì hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu (thay vì đơn giản là chấm dứt hợp đồng).

Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác

Đây là trường hợp bên được bảo hiểm không hoặc không thực hiện đúng nghĩa vụ cơ bản của mình là đóng phí bảo hiểm. Phí bảo hiểm là phí mà người, tổ chức tham gia bảo hiểm phải trả cho doanh nghiệp bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm nhận trách nhiệm trên phần rủi ro được bảo hiểm.

Trong trường hợp bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận thì doanh nghiệp bảo hiểm không có nghĩa vụ phải tiếp tục thực hiện hợp đồng bảo hiểm (nếu tiếp tục thực hiện thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của doanh nghiệp bảo hiểm) dẫn đến chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, nếu bên mua bảo hiểm có thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm về việc đóng chậm, gia hạn để đóng đủ, đóng dồn các tháng, thay đổi mức đóng phí bảo hiểm (do giảm các rủi ro được bảo hiểm),… thì không chấm dứt hợp đồng bảo hiểm.

Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm trong thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm

Đây là trường hợp bên mua bảo hiểm có thể đóng chậm, đóng không đủ mức đóng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm nhưng có thỏa thuận về việc gia hạn đóng đủ mức phí bảo hiểm (theo nội dung tại hợp đồng bảo hiểm). Trong trường hợp này, dù có thỏa thuận nhưng đến cuối cùng bên mua bảo hiểm cũng không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, nên doanh nghiệp bảo hiểm có quyền chấm dứt hợp đồng bảo hiểm.

Các trường hợp chấm dứt hợp đồng khác theo Bộ luật Dân sự

Ngoài 03 trường hợp trên, còn có thể chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp khác theo quy định của Bộ luật Dân sự (cụ thể là Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015):

- Hợp đồng đã được hoàn thành (tức các bên đã hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ và được hưởng các quyền lợi tương ứng trong thời hạn đã được thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm)

- Hợp đồng chấm dứt theo thỏa thuận của các bên (các bên tự thỏa thuận chấm dứt hợp đồng)

- Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện

- Hợp đồng chấm dứt do thay đổi hoàn cảnh thực hiện hợp đồng (sự thay đổi do yếu tố khách quan, các bên không thể lường trước được và nếu sửa đổi bổ sung hợp đồng dựa trên sự thay đổi hoàn cảnh thì các bên có thể bị thiệt hại, dẫn đến phải chấm dứt hợp đồng)

- Các trường hợp khác do pháp luật quy định

Xem thêm: Tổng hợp bài viết về Luật kinh doanh bảo hiểm

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư