Cơ cấu tổ chức, quản lý tổ chức bảo hiểm tương hỗ như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:59 (GMT+7)

Bài viết giải thích về cơ cấu tổ chức, quản lý tổ chức bảo hiểm tương hỗ

Tổ chức bảo hiểm tương hỗ

Theo Điều 70 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 09/12/2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010, năm 2019: Tổ chức bảo hiểm tương hỗ là tổ chức có tư cách pháp nhân được thành lập để kinh doanh bảo hiểm nhằm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên. Thành viên tổ chức bảo hiểm tương hỗ vừa là chủ sở hữu vừa là bên mua bảo hiểm.

Theo đó:

- Tổ chức bảo hiểm tương hỗ là tổ chức, được thành lập theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm: Tổ chức bảo hiểm tương hỗ được thành lập nếu được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động. Tuy nhiên, trước khi đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động, các thành viên sáng lập phải giao kết hợp đồng phục vụ cho việc thành lập tổ chức bảo hiểm tương hỗ.

- Tổ chức bảo hiểm tương hỗ có tư cách pháp nhân: Có tài khoản ngân hàng riêng (có tài sản độc lập), có trụ sở riêng, có khả năng chịu trách nhiệm dân sự, hình sự đối với hoạt động của chính tổ chức bảo hiểm tương hỗ.

- Mục đích thành lập tổ chức là nhằm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên: Khác với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, tổ chức bảo hiểm tương hỗ không được thành lập dựa trên mục đích thu lợi nhuận qua hoạt động kinh doanh bảo hiểm, mà được thành lập nhằm hỗ trợ các thành viên trong tổ chức. Ở đặc điểm này, tổ chức bảo hiểm tương hỗ giống với các tổ chức nghề nghiệp hơn so với các doanh nghiệp, chi nhánh nước ngoài.

Cơ cấu tổ chức, quản lý tổ chức bảo hiểm tương hỗ

Theo Điều 16 Nghị định số 18/2005/NĐ-CP ngày 24/02/2005 của Chính phủ, tổ chức bảo hiểm tương hỗ bao gồm:

- Đại hội thành viên

- Hội đồng quản trị

- Giám đốc (Tổng Giám đốc)

- Ban Kiểm soát

Trong đó:

Đại hội thành viên

Theo Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 18/2005/NĐ-CP ngày 24/02/2005 của Chính phủ:

Điều 17. Đại hội thành viên của tổ chức bảo hiểm tương hỗ

1. Đại hội thành viên là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của tổ chức bảo hiểm tương hỗ. Đại hội thành viên của tổ chức bảo hiểm tương hỗ bao gồm: đại hội thành lập, đại hội thường niên và đại hội bất thường.

Trong đó:

- Đại hội thành lập bao gồm các thành viên sáng lập của tổ chức bảo hiểm tương hỗ

- Đại hội thường niên và đại hội bất thường bao gồm tất cả các thành viên của tổ chức bảo hiểm tương hỗ (được tổ chức thường niên hoặc bất thường).

Đại hội thành viên có vai trò quan trọng trong việc quyết định xây dựng, sửa đổi, bổ sung điều lệ của tổ chức bảo hiểm tương hỗ cũng như các hoạt động chính và quan trọng nhất của tổ chức, cần phải có sự chấp thuận của các thành viên, như: Phương án hoạt động, kế hoạch kinh doanh và tài chính trong năm tiếp theo; huy động bổ sung vốn; bầu, bãi nhiệm thành viên của Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát; thù lao cho các thành viên Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát và các chức danh khác (nếu có) của tổ chức bảo hiểm tương hỗ.

Hội đồng quản trị

Theo Khoản 1 Điều 23 Nghị định số 18/2005/NĐ-CP ngày 24/02/2005 của Chính phủ:

Điều 23. Hội đồng quản trị của tổ chức bảo hiểm tương hỗ

1. Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý tổ chức bảo hiểm tương hỗ, có toàn quyền nhân danh tổ chức bảo hiểm tương hỗ để quyết định mọi vấn đề liên quan đến mục đích, quyền lợi của tổ chức bảo hiểm tương hỗ, trừ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội thành viên.

Trong đó:

- Chức năng của Hội đồng quản trị là quản lý tổ chức bảo hiểm tương hỗ, như quyết định chiến lược chiến lược phát triển của tổ chức bảo hiểm tương hỗ; kiến nghị Đại hội thành viên quyết định việc giảm phí bảo hiểm cho các thành viên trong năm tài chính tiếp, quyết định hoặc xử lý các khoản lỗ phát sinh trong quá trình kinh doanh; quyết định phương án đầu tư; quyết giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ, thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay;...

- Hội đồng quản trị không thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động thuộc thầm quyền của Đại hội thành viên, do Đại hội thành viên là cơ quan có quyền quyết định cao nhất đối với các vấn đề của tổ chức bảo hiểm tương hỗ.

- Hội đồng quản trị được bầu, bãi miễn các thành viên bởi Hội đồng thành viên

- Chủ tịch Hội đồng quản trị đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của tổ chức bảo hiểm tương hỗ do phải thỏa mãn các điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ thì tổ chức bảo hiểm tương hỗ mới được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động, đồng thời, khi thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị, cần phải có sự chấp thuận của Bộ Tài chính.

Giám đốc (Tổng Giám đốc)

Theo Khoản 1 Điều 27 Nghị định số 18/2005/NĐ-CP ngày 24/02/2005 của Chính phủ, Giám đốc (Tổng Giám đốc) là người điều hành hoạt động hằng ngày của tổ chức bảo hiểm tương hỗ và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao.

Theo đó, Giám đốc (Tổng Giám đốc) là bộ phận hoạt động quản lý, điều hành hoạt động của tổ chức bảo hiểm tương hỗ nhưng theo chỉ đạo của Hội đồng quản trị và không được quyết định các vấn đề quan trọng, vĩ mô của tổ chức bảo hiểm tương hỗ, đồng thời phải thực hiện các nhiệm vụ mà Hội đồng quản trị và Đại hội thành viên giao.

Giám đốc (Tổng Giám đốc) phải là cá nhân, thỏa mãn đầy đủ các điều kiện cần thiết để được trở thành Giám đốc (Tổng Giám đốc), được nêu rõ trong hồ sơ đề nghị thành lập tổ chức bảo hiểm tương hỗ. Việc bổ nhiệm, thay đổi Giám đốc (Tổng Giám đốc) thì cũng cần sự chấp thuận của Bộ Tài chính.

Ban Kiểm soát

Theo Điều 29 Nghị định số 18/2005/NĐ-CP ngày 24/02/2005 của Chính phủ, ban Kiểm soát là bộ phận bao gồm các thành viên được Đại hội thành viên bầu ra, trong đó ít nhất phải có một thành viên có chuyên môn kế toán. Một số hoạt động cơ bản của Ban Kiểm soát như: Kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh, trong ghi chép sổ kế toán và báo cáo tài chính; Thẩm định báo cáo tài chính hàng năm của tổ chức bảo hiểm tương hỗ; kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của tổ chức bảo hiểm tương hỗ khi xét thấy cần thiết hoặc theo quyết định của Đại hội thành viên; Thường xuyên thông báo với Hội đồng quản trị về kết quả hoạt động; tham khảo ý kiến của Hội đồng quản trị trước khi trình các báo cáo, kết luận và kiến nghị lên Đại hội thành viên;... Các hoạt động kiểm soát của Ban Kiểm soát chủ yếu liên quan đến vấn đề tài chính của tổ chức bảo hiểm tương hỗ, nhằm đảm bảo tổ chức bảo hiểm tương hỗ được hoạt động một cách hợp pháp, duy trì tình trạng tài chính lành mạnh và thực hiện đúng các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, các thành viên, khách hàng và các chủ thể liên quan.

Xem thêm: Tổng hợp bài viết về Luật kinh doanh bảo hiểm

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư