Điều kiện và mức hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:15 (GMT+7)

Điều kiện và mức hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động

1. Điều kiện hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động

Theo Điều 24 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/07/2020 của Chính phủ, người lao động phải thỏa mãn đủ 03 điều kiện thì mới được hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng:

a. Được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định phục hồi chức năng lao động

Phục hồi chức năng là việc theo dõi và cải thiện tình trạng sức khỏe sau khi chữa bệnh. Không phải trường hợp người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng phải phục hồi chức năng vì phục hồi chức năng chỉ được áp dụng khi người lao động phục hồi chậm, không phục hồi chức năng cơ thể sau khi điều trị bệnh. Do đó, chỉ trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định phục hồi chức năng thì người lao động mới có căn cứ thực hiện hoạt động này, và làm cơ sở để hưởng hỗ trợ kinh phí phục hồi sức khỏe.

Để chứng minh cho điều kiện này, trong hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng của người lao động phải có bản dao có chứng thực giấy chuyển viện đến đơn vị phục hồi chức năng lao động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc bản sao có chứng thực bệnh án có nội dung chuyển bệnh nhân về khoa phục hồi chức năng.

b. Suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Như đã nêu trên, đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động càng thấp thì càng có khả năng phục hồi sau điều trị cao. Có thể nói, người suy giảm khả năng lao động ở mức độ thấp (dưới 31%) hầu như không cần phục hồi chức năng sau khi điều trị hoặc thời gian phục hồi chức năng ngắn, không đáng kể. Do vậy, điều kiện suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được thực hiện nhằm đảm bảo hỗ trợ đến đúng với đối tượng cần phải thực hiện phục hồi chức năng và cần được hỗ trợ do chi phí phục hồi chức năng cao.

c. Đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật tại thời điểm bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Do khoản tiền hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng của người lao động được trích ra từ nguồn thu của Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng năm nên người lao động muốn được hưởng khoản hỗ trợ này trước tiên phải tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời điểm bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (thời điểm xác định thời gian tính các mức hỗ trợ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp).

2. Mức hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động

2.1. Mức hỗ trợ

Theo Khoản 1 Điều 25 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/07/2020 của Chính phủ, mức hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động tối đa bằng 50% chi phí phục hồi chức năng lao động tính theo biểu giá phục hồi chức năng lao động tại thời điểm người lao động phục hồi chức năng lao động theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không vượt quá 3 triệu đồng/người/lượt.

Suy ra:

Chi phí phục hồi chức năng = Mức chi phí phục hồi chức năng (theo biểu giá khám bệnh) – chi phí mà bảo hiểm y tế đã chi trả

Trong đó:

- Biểu giá chữa bệnh nghề nghiệp hiện nay được quy định trong Thông tư số 39/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 05/07/2019 của Bộ Y tế.

- Chi phí mà bảo hiểm y tế chi trả được quy định theo Luật bảo hiểm y tế, Luật an toàn, vệ sinh lao động  và Thông tư số 39/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế; Thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 05/07/2019 của Bộ Y tế.

- Tổng chi phí phục hồi chức năng của người lao động (đã trừ chi phí mà bảo hiểm y tế chi trả) có thể cao hơn 6.000.000 Đồng (mức gấp đôi của 3.000.000 Đồng). Trong trường hợp này người lao động được hỗ trợ 3.000.000 Đồng. Ví dụ: Tổng chi phí phục hồi chức năng của người lao động (đã trừ chi phí mà bảo hiểm y tế chi trả) là 10.000.000 Đồng, suy ra 50% mức chi phí phục hồi chức năng là 5.000.000 Đồng. Trong trường hợp này người lao động đươc hỗ trợ 3.000.000 Đồng.

2.2. Số lần hỗ trợ

Theo Khoản 2 Điều 25 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/07/2020 của Chính phủ, số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần.

Ví dụ: Người lao động đi chữa bệnh nghề nghiệp vào tháng 05/2019, và thực hiện phục hồi chức năng vào tháng 06/2019, đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ phục hồi chức năng và được nhận tiền hỗ trợ

Tháng 11/2019 người lao động tiếp tục chữa bệnh nghề nghiệp, thực hiện phục hồi chức năng vào tháng 12/2019 và đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ phục hồi chức năng nhưng không được hưởng hỗ trợ do trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần.

Tháng 08/2020 người lao động tiếp tục chữa bệnh nghề nghiệp, thực hiện phục hồi chức năng vào tháng 10/2020, đủ điều kiện hưởng tiền hỗ trợ phục hồi chức năng và được nhận tiền hỗ trợ.

Tháng 07/2021 người lao động tiếp tục chữa bệnh nghề nghiệp, tháng 08/2021 người lao động được chuyển sang phục hồi chức năng, đủ điều kiện hưởng tiền hỗ trợ phục hồi chức năng nhưng không được hưởng do đã hưởng 02 lần (tối đa mỗi người lao động chỉ được hưởng tiền hỗ trợ phục hồi chức năng 02 lần).

Xem thêm: Tổng hợp bài viết về Luật bảo hiểm xã hội

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư