Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm con người là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:51 (GMT+7)

Bài viết giải thích về đối tượng của hợp đồng bảo hiểm con người

Hợp đồng bảo hiểm con người

Theo Khoản 1 Điều 12 Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 09/12/2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010, 2019:

Điều 12. Hợp đồng bảo hiểm

1. Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Theo đó, hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa hai chủ thể trao đổi quyền và nghĩa vụ tương ứng, một bên (bên mua bảo hiểm) trả phí bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, bên còn lại (doanh nghiệp bảo hiểm) có trách nhiệm bảo hiểm, thanh toán tiền bảo hiểm hoặc bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm (sự kiện bảo hiểm là sự kiện pháp lý mà khi xảy ra, doanh nghiệp bảo hiểm phải tiến hành thanh toán cho bên được bảo hiểm một khoản tiền bảo hiểm hoặc khoản bồi thường nhất định theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm). Hợp đồng bảo hiểm con người là một trong các loại hợp đồng bảo hiểm.

Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 09/12/2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010, 2019 không có quy định về khái niệm hợp đồng bảo hiểm con người, tuy nhiên, có thể hiểu rằng hợp đồng bảo hiểm là loại hợp đồng gắn liền với yếu tố con người, tức tính mạng, sức khỏe, giá trị vật chất gắn liền với thân thể con người. Theo đó, các đối tượng của hợp đồng bảo hiểm con người phải là các đối tượng gắn liền với thân thể của một cá nhân (không phải tổ chức) và không thể thay thế bởi một đối tượng khác, cũng khó có khả năng khắc phục nếu rủi ro gây nên hậu quả đối với các đối tượng này.

Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm con người

Theo Khoản 1 Điều 31 Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 09/12/2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010, 2019, các đối tượng của hợp đồng bảo hiểm con người là:

- Tuổi thọ: Là thời gian sinh tồn, sống sót của một người kể từ khi sinh ra đến khi chết (chết tự nhiên hoặc bị Tòa án tuyên bố chết).

- Tính mạng: Là sự sống của con người bao gồm thời gian tuổi thọ, khi một cá nhân chết thì tính mạng cũng kết thúc.

- Sức khỏe: Là trạng thái thể chất, tinh thần của con người, bao gồm tình trạng thương tật, bệnh tật cũng như tình trạng ổn định của thể chất, tinh thần con người.

- Tai nạn con người: Tai nạn con người là sự kiện bất ngờ xảy ra có tác động đến sức khỏe, tính mạng, tuổi thọ của con người.

Các chủ thể được mua bảo hiểm con người

Theo Khoản 2 Điều 31 Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 09/12/2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010, 2019, bên mua bảo hiểm chỉ có thể mua bảo hiểm cho những người sau:

Bản thân bên mua bảo hiểm

Bên mua bảo hiểm là cá nhân giao kết bảo hiểm con người để bảo hiểm cho chính tính mạng, sức khỏe, tuổi thọ và vấn đề tai nạn con người của chính mình. Theo đó, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm thì người thụ hưởng là chính bên mua bảo hiểm.

Vợ, chồng, con, cha, mẹ của bên mua bảo hiểm

Vợ, chồng, con, cha, mẹ của bên mua bảo hiểm ở đây là:

- Vợ và chồng có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình

- Con bao gồm con đẻ và con nuôi hợp pháp theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi

- Cha, mẹ bao gồm cha, mẹ ruột và cha, mẹ nuôi hợp pháp theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi

Như vậy, đối với trường hợp này, người thụ hưởng là cá nhân không phải bên mua bảo hiểm, nhưng có quan hệ mật thiết nhất đối với người mua bảo hiểm.

Anh, chị, em ruột; người có quan hệ nuôi dưỡng và cấp dưỡng

- Anh, chị, em ruột là các cá nhân cùng cha đẻ và cùng mẹ đẻ với người mua bảo hiểm

- Người có quan hệ nuôi dưỡng và cấp dưỡng là người không thuộc các trường hợp trên nhưng thực hiện trách nhiệm nuôi dưỡng, cấp dưỡng cho người mua bảo hiểm (như ông bà, chú dì nuôi dưỡng, cấp dưỡng cho cháu).

Người khác, nếu bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm

Người thụ hưởng trong trường hợp này có thể là người không có quan hệ huyết thống, thân thiết, nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với người mua bảo hiểm nhưng có các lợi ích, quyền lợi gắn liền với bên mua bảo hiểm dẫn đến bên mua bảo hiểm phải mua bảo hiểm cho người này. Nếu một người không có quan hệ quyền lợi với bên mua bảo hiểm thì người mua bảo hiểm không thể mua bảo hiểm cho người đó thụ hưởng.

Xem thêm: Tổng hợp bài viết về Luật kinh doanh bảo hiểm

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư