Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:54 (GMT+7)

Bài viết giải thích về giới hạn trách nhiệm bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự

Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự

Theo Khoản 1 Điều 12 Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 09/12/2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010, 2019, hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa hai chủ thể trao đổi quyền và nghĩa vụ tương ứng, một bên (bên mua bảo hiểm) trả phí bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, bên còn lại (doanh nghiệp bảo hiểm) có trách nhiệm bảo hiểm, thanh toán tiền bảo hiểm hoặc bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm (sự kiện bảo hiểm là sự kiện pháp lý mà khi xảy ra, doanh nghiệp bảo hiểm phải tiến hành thanh toán cho bên được bảo hiểm một khoản tiền bảo hiểm hoặc khoản bồi thường nhất định theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm).

Có ba loại hợp đồng bảo hiểm, là:

- Hợp đồng bảo hiểm con người

- Hợp đồng bảo hiểm tài sản

- Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự

Trong đó, hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự là hợp đồng có đối tượng bảo hiểm là trách nhiệm dân sự. Theo đó, khi người được bảo hiểm có các hành vi vi phạm hợp đồng hoặc các hành vi làm phát sinh trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng thì doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện bảo hiểm cho các trách nhiệm dân sự phát sinh đó. Điều này dẫn đến hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự luôn có sự tồn tại của người thứ ba dù không trực tiếp tham gia vào việc giao kết hợp đồng bảo hiểm. Đồng thời, sự khác biệt của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự so với hai loại hợp đồng còn lại dẫn đến trách nhiệm và giới hạn trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong loại hợp đồng này có những điểm cần được lưu ý.

Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm

Thành phần tiền bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm

Theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 55 Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 09/12/2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010, năm 2019, tiền bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm:

a. Tiền bồi thường theo số tiền bảo hiểm

Chủ thể nhận tiền bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm là người được bảo hiểm. Người được bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho người thứ ba bị thiệt hại. Số tiền bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm có thể không tương đương với số tiền bồi thường mà người được bảo hiểm phải trả cho người thứ ba bị thiệt hại.

Trong phạm vi số tiền bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm những khoản tiền mà theo quy định của pháp luật người được bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho người thứ ba. Có thể nói, trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm đối với người được bảo hiểm ở đây phụ thuộc vào trách nhiệm của người được bảo hiểm đối với người thứ ba bị thiệt hại, nhưng chỉ trong phạm vi số tiền bảo hiểm (tức số tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm).

b. Các khoản chi phí khác liên quan đến giải quyết tranh chấp

Ngoài khoản chi trả chính ra, doanh nghiệp bảo hiểm còn phải trả cho người được bảo hiểm:

- Các chi phí liên quan đến việc giải quyết tranh chấp về trách nhiệm đối với người thứ ba: Chi phí hòa giải, chi phí giải quyết trong quá trình tố tụng,…

- Lãi phải trả cho người thứ ba do người được bảo hiểm chậm trả tiền bồi thường theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm: Lãi chậm trả tiền bồi thường theo thời hạn mà các bên đã thỏa thuận bằng văn bản hoặc theo quyết định của Tòa án

Như vậy, ngoài tiền bồi thường theo trách nhiệm dân sự, doanh nghiệp bảo hiểm còn phải chi trả các khoản tiền khác liên quan đến giải quyết trách nhiệm dân sự này của người được bảo hiểm.

Số tiền bồi thường tối đa

Theo Khoản 3 Điều 55 Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 09/12/2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010, năm 2019, tổng số tiền bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm (đã bao gồm tất cả thành phần) không vượt quá số tiền bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Theo đó, số tiền bồi thường tối đa là số tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm.

Trách nhiệm bảo lãnh, ký quỹ của doanh nghiệp bảo hiểm

Theo Khoản 4 Điều 55 Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 09/12/2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010, năm 2019, trong trường hợp người được bảo hiểm phải đóng tiền bảo lãnh hoặc ký quỹ để bảo đảm có tài sản không bị lưu giữ hoặc để tránh việc khởi kiện tại tòa án thì theo yêu cầu của người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện việc bảo lãnh hoặc ký quỹ trong phạm vi số tiền bảo hiểm.

Như vậy, nếu bên được bảo hiểm đã thực hiện đóng tiền bảo lãnh hoặc ký quỹ cho tài sản để thực hiện trách nhiệm dân sự của mình thì doanh nghiệp bảo hiểm cũng phải thực hiện bảo lãnh, ký quỹ, nhưng chỉ trong trường hợp bên được bảo hiểm có yêu cầu.

Xem thêm: Tổng hợp bài viết về Luật kinh doanh bảo hiểm

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư