Hợp đồng bảo hiểm trùng là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:52 (GMT+7)

Bài viết giải thích về khái niệm và trách nhiệm liên quan đến bảo hiểm trùng

Hợp đồng bảo hiểm tài sản

Theo Khoản 1 Điều 12 Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 09/12/2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010, 2019, hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa hai chủ thể trao đổi quyền và nghĩa vụ tương ứng, một bên (bên mua bảo hiểm) trả phí bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, bên còn lại (doanh nghiệp bảo hiểm) có trách nhiệm bảo hiểm, thanh toán tiền bảo hiểm hoặc bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm (sự kiện bảo hiểm là sự kiện pháp lý mà khi xảy ra, doanh nghiệp bảo hiểm phải tiến hành thanh toán cho bên được bảo hiểm một khoản tiền bảo hiểm hoặc khoản bồi thường nhất định theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm).

Có ba loại hợp đồng bảo hiểm, là:

- Hợp đồng bảo hiểm con người

- Hợp đồng bảo hiểm tài sản

- Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự

Trong đó, hợp đồng bảo hiểm tài sản là hợp đồng bảo hiểm có đối tượng bảo hiểm là tài sản (bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản, trong đó có cả động sản, bất động sản hiện có và hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, trên thực tế, bảo hiểm cho tài sản hình thành trong tương lai mang rủi ro lớn cho bên nhận bảo hiểm (doanh nghiệp bảo hiểm) nên thông thường các hợp đồng bảo hiểm tài sản chỉ có đối tượng là tài sản hiện có), đồng thời, sự kiện bảo hiểm xảy ra phải làm hao tổn, thiệt hại, gây mất giá trị đột ngột và ở mức độ nhất định cho tài sản được bảo hiểm.

Hợp đồng bảo hiểm trùng

Khái niệm hợp đồng bảo hiểm trùng

Hợp đồng bảo hiểm trùng là một trong các loại hợp đồng bảo hiểm tài sản.

Theo Khoản 1 Điều 44 Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 09/12/2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010, 2019:

Điều 44. Hợp đồng bảo hiểm trùng

1. Hợp đồng bảo hiểm trùng là trường hợp bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm với hai doanh nghiệp bảo hiểm trở lên để bảo hiểm cho cùng một đối tượng, với cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm.

Như vậy, đây là trường hợp:

- Chỉ có một bên mua bảo hiểm và nhiều doanh nghiệp bảo hiểm (từ hai doanh nghiệp bảo hiểm trở lên) giao kết hợp đồng bảo hiểm

- Các doanh nghiệp bảo hiểm này cùng giao kết hợp đồng để bảo hiểm cho một đối tượng bảo hiểm duy nhất (là tài sản)

- Các điều kiện (điều kiện để doanh nghiệp thực hiện bảo hiểm cho đối tượng) và sự kiện bảo hiểm (sự kiện pháp lý mà khi xảy ra, doanh nghiệp bảo hiểm phải tiến hành thanh toán cho bên được bảo hiểm một khoản tiền bảo hiểm hoặc khoản bồi thường nhất định theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm) đối với đối tượng này được bên mua bảo hiểm và các doanh nghiệp thỏa thuận

- Các doanh nghiệp phải biết về các hợp đồng bảo hiểm trùng với doanh nghiệp khác, để đảm bảo quyền lợi cũng như trách nhiệm bảo hiểm cho đối tượng bảo hiểm của doanh nghiệp đối với bên mua bảo hiểm.

- Các doanh nghiệp có sự chia sẻ trách nhiệm khi thực hiện bồi thường bảo hiểm.

Chia sẻ trách nhiệm khi thực hiện bồi thường bảo hiểm

Theo Khoản 2 Điều 44 Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 09/12/2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010, 2019, trong trường hợp các bên giao kết hợp đồng bảo hiểm trùng thì khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thỏa thuân trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua đã giao kết. Theo đó:

- Số tiền bảo hiểm (số tiền mà bên mua bảo hiểm yêu cầu bảo hiểm cho tài sản) mà bên mua bảo hiểm thỏa thuận với các doanh nghiệp không phải số tiền mà bên mua bảo hiểm sẽ được bồi thường khi sự kiện bảo hiểm xảy ra.

- Tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thỏa thuận trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua đã giao kết được xác định dựa trên số lượng doanh nghiệp bảo hiểm tham gia bảo hiểm cho đối tượng và số tiền bảo hiểm đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Các doanh nghiệp tự thỏa thuận về tỷ lệ này, do đó cần phải biết về hợp đồng bảo hiểm trùng với nhau thì mới có thể chia sẻ trách nhiệm bảo hiểm.

- Tổng số tiền bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của tài sản. Tức tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm cộng lại cho một đối tượng bảo hiểm chỉ được tối đa bằng giá trị thiệt hại thực tế của tài sản (mức tối đa được xác định cho số tiền bảo hiểm).

Xem thêm: Tổng hợp bài viết về Luật kinh doanh bảo hiểm

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư