Mức lương hưu hằng tháng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như thế nào? (Phần 2)

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:18 (GMT+7)

Mức lương hưu hằng tháng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (Phần 2)

Mức lương hưu hằng tháng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như thế nào? (Phần 1) đã giới thiệu về mức lương hưu hằng tháng của người lao động tham gia bảo hiểm tự nguyện và hưởng lương lưu từ 01/01/2016 đến trước ngày 01/01/2018. Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về mức lương hưu hằng tháng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hưởng lương hưu từ ngày 01/01/2018 trở đi và trường hợp lẻ tháng khi tính bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.

2. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hưởng lương hưu từ ngày 01/01/2018 trở đi

Theo Khoản 2 Điều 74 Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014, mức lương hưu hằng tháng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đủ điều kiện hưởng lương hưu từ ngày 01/01/2018 trở đi bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm như sau:

a. Lao động nam

- Nghỉ hưu vào năm 2018 thì năm tương ứng với 45% là 16 năm

- Nghỉ hưu vào năm 2019 thì năm tương ứng với 45% là 17 năm

- Nghỉ hưu vào năm 2020 thì năm tương ứng với 45% là 18 năm

- Nghỉ hưu vào năm 2021 thì năm tương ứng với 45% là 19 năm

- Nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi thì năm tương ứng với 45% là 20 năm

Sau đó, cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%

Theo đó, ta có công thức mức lương hưu người lao động nam được hưởng hằng tháng như sau:

Mức lương hưu người lao động nam được hưởng hằng tháng = Mức lương hưu hằng tháng đối với người lao động nam = (45% x Bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm) + [(Số năm người lao động đóng bảo hiểm xã hội – Số năm tương ứng với 45%) x (2% x Bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm)]

Trong đó:

- Bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội là bình quân thu nhập của toàn bộ tháng mà người lao động đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

- Mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội được điều chỉnh trên chỉ số giá tiêu dùng qua từng thời kỳ, và bằng thu nhập hằng tháng đóng bảo hiểm xã hội của từng năm nhân với mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng. Tức là mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội để xác định bình quân thu nhập tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội luôn có sự thay đổi theo sự điều chỉnh của từng năm.

- Số năm người lao động đóng bảo hiểm là số năm từ khi người lao động tham gia bảo hiểm xã hội đến khi người lao động dừng đóng bảo hiểm xã hội, không bao gồm thời gian bảo lưu đóng bảo hiểm xã hội.

Ví dụ: Người lao động nam C bắt đầu hưởng lương hưu từ tháng 10/2020 và đã đóng bảo hiểm xã hội được 20 năm. Mức thu nhập hằng tháng đóng bảo hiểm xã hội được xác định là 20.000.000 Đồng trong 10 năm đầu và 25.000.000 Đồng trong 10 năm sau. Suy ra:

Bình quân thu nhập đóng bảo hiểm xã hội của người lao động C

= (20.000.000 x 10 + 25.000.000 x 10) / 20

= 22.500.000 (Đồng)

Mức hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động C

= (45% x 22.500.000) + (20 - 18) x (2% x 22.500.000) = 11.025.000 (Đồng)

b. Lao động nữ

Nghỉ hưu vào năm 2018 thì năm tương ứng với 45% là 15 năm

Sau đó, cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%

Theo đó, ta có công thức tính mức lương hưu người lao động nữ được hưởng hằng tháng như sau:

Mức lương hưu hằng tháng đối với người lao động nữ = (45% x Bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm) + [(Số năm người lao động đóng bảo hiểm xã hội – 15) x (2% x Bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm)]

Trong đó:

- Bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội là bình quân thu nhập của toàn bộ tháng mà người lao động đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

- Mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội được điều chỉnh trên chỉ số giá tiêu dùng qua từng thời kỳ, và bằng thu nhập hằng tháng đóng bảo hiểm xã hội của từng năm nhân với mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng. Tức là mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội để xác định bình quân thu nhập tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội luôn có sự thay đổi theo sự điều chỉnh của từng năm.

- Số năm người lao động đóng bảo hiểm là số năm từ khi người lao động tham gia bảo hiểm xã hội đến khi người lao động dừng đóng bảo hiểm xã hội, không bao gồm thời gian bảo lưu đóng bảo hiểm xã hội.

Ví dụ: Người lao động nữ D bắt đầu hưởng lương hưu từ tháng 10/2020 và đã đóng bảo hiểm xã hội được 20 năm. Mức thu nhập hằng tháng đóng bảo hiểm xã hội được xác định là 20.000.000 Đồng trong 10 năm đầu và 25.000.000 Đồng trong 10 năm sau. Suy ra:

Bình quân thu nhập đóng bảo hiểm xã hội của người lao động D

= (20.000.000 x 10 + 25.000.000 x 10) / 20

= 22.500.000 (Đồng)

Mức hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động D

= (45% x 22.500.000) + (20 - 15) x (2% x 22.500.000) = 12.375.000 (Đồng)

3. Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ

Theo Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/02/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, khi tính tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì xác định như sau:

- Từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm (0,5 năm)

- Từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là 01 năm

Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/02/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng có nêu ra một số ví dụ minh họa cho các trường hợp này:

Ví dụ 1: Ông A hưởng lương hưu từ tháng 10/2016, thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 28 năm 3 tháng, mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội là 5.000.000 đồng/tháng. Mức lương hưu hằng tháng của ông A được tính như sau:

- Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông A:

+ Thời gian đóng bảo hiểm xã hội của ông A là 28 năm 3 tháng, số tháng lẻ 3 tháng được tính là nửa năm, nên số năm đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng lương hưu của ông A là 28,5 năm.

+ 15 năm đầu tính bằng 45%;

+ Từ năm thứ 16 đến năm thứ 28,5 là 13,5 năm, tính thêm: 13,5 x 2% = 27%;

Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông A là: 45% + 27% = 72%.

- Mức lương hưu hằng tháng của ông A là:

72% x 5.000.000 đồng/tháng = 3.600.000 đồng/tháng.

Xem thêm:

Tổng hợp bài viết về Luật bảo hiểm xã hội

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư