Quyền của thành viên tổ chức bảo hiểm tương hỗ như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:59 (GMT+7)

Bài viết giải thích về quyền của thành viên tổ chức bảo hiểm tương hỗ

Thành viên tổ chức bảo hiểm tương hỗ

Theo Điều 70 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 09/12/2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010, năm 2019: Tổ chức bảo hiểm tương hỗ là tổ chức có tư cách pháp nhân được thành lập để kinh doanh bảo hiểm nhằm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên. Thành viên tổ chức bảo hiểm tương hỗ vừa là chủ sở hữu vừa là bên mua bảo hiểm.

Thành viên của tổ chức bảo hiểm tương hỗ bao gồm: Thành viên sáng lập và thành viên khác. Trong đó, các thành viên có thể là cá nhân hoặc là tổ chức, hoạt động trên cùng một lĩnh vực, ngành nghề, trên cùng một địa bàn (do tổ chức bảo hiểm tương hỗ chỉ hoạt động trên một địa bàn nhất định).

+ Thành viên sáng lập: Cá nhân hoặc tổ chức thực hiện cam kết mua bảo hiểm ngay sau khi tổ chức bảo hiểm tương trợ được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động

+ Các thành viên khác: Cá nhân hoặc tổ chức thực hiện cam kết mua bảo hiểm trong quá trình hoạt động của tổ chức bảo hiểm tương trợ (trừ trường hợp của thành viên sáng lập)

Để trở thành thành viên sáng lập của tổ chức bảo hiểm tương hỗ, cá nhân và tổ chức phải thỏa mãn các điều kiện khác nhau. Tuy nhiên, thành viên sáng lập không được hưởng bất kỳ ưu đãi nào so với các thành viên khác của tổ chức tương hỗ, trừ trường hợp Điều lệ của tổ chức bảo hiểm tương hỗ có quy định khác. Vì vậy, các thành viên sáng lập và thành viên khác đều có các quyền và nghĩa vụ giống nhau khi là thành viên của tổ chức bảo hiểm tương hỗ.

Quyền của thành viên tổ chức bảo hiểm tương hỗ

Theo Điều 8 Nghị định số 18/2005/NĐ-CP ngày 24/02/2005 của Chính phủ, có 04 quyền của thành viên tổ chức bảo hiểm tương hỗ, bao gồm:

Được hưởng các quyền lợi theo hợp đồng bảo hiểm mà thành viên đó đã giao kết với tổ chức bảo hiểm tương hỗ

Thành viên tổ chức bảo hiểm tương hỗ vừa là chủ sở hữu vừa là bên mua bảo hiểm. Khi trở thành thành viên của tổ chức bảo hiểm tương hỗ thì thành viên tổ chức bảo hiểm tương hỗ phải cam kết mua bảo hiểm bằng văn bản. Cam kết này có giá trị như văn bản chấp thuận hợp đồng bảo hiểm, trong đó có nêu rõ nội dung trách nhiệm và quyền của mỗi bên. Trong đó, các nội dung quyền cơ bản của bên mua bảo hiểm bao gồm:

- Yêu cầu tổ chức bảo hiểm tương hỗ giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm, cấp giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm

- Đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp bên nhận bảo hiểm cung cấp thông tin sai sự thật để giao kết hợp đồng bảo hiểm, có sự thay đổi về phí bảo hiểm mà khiến cho bên mua bảo hiểm bị ảnh hưởng về quyền lợi nhưng bên nhận bảo hiểm không thay đổi phần trách nhiệm để đảm bảo quyền của bên mua bảo hiểm

- Được trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng (mức tiền bảo hiểm dựa trên mức phí đóng và được nêu rõ trong hợp đồng bảo hiểm)

- Chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm

- Một số quyền khác được ghi nhận trong hợp đồng bảo hiểm

Ở đây, trên thực tế các quyền của bên mua bảo hiểm được quy định rõ trong Điều lệ của tổ chức bảo hiểm tương hỗ, văn bản cam kết mua bảo hiểm thể hiện bên mua bảo hiểm (thành viên) chấp thuận mức phí bảo hiểm (dựa trên mức phí phải đóng cho tổ chức bảo hiểm tương hỗ) và các nội dung quyền khác.

Được hưởng kết quả hoạt động kinh doanh của tổ chức bảo hiểm tương hỗ theo quy định tại Điều lệ của tổ chức bảo hiểm tương hỗ

Tổ chức bảo hiểm tương hỗ thực hiện kinh doanh bảo hiểm, dựa trên số “vốn” ban đầu là phí thành viên đóng vào Quỹ của tổ chức bảo hiểm tương hỗ. Mà thành viên của tổ chức bảo hiểm tương hỗ phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của tổ chức trong phạm vi tài sản của tổ chức, nên đương nhiên khi có kết quả hoạt động kinh doanh (doanh thu, lợi nhuận) thì theo quy định tại Điều lệ của tổ chức bảo hiểm tương hỗ (và cam kết mua bảo hiểm của thành viên) thì thành viên được hưởng kết quả này (với tư cách chủ sở hữu của tổ chức bảo hiểm tương hỗ).

Tham dự hoặc uỷ quyền cho người khác tham dự Đại hội thành viên của tổ chức bảo hiểm tương hỗ; ứng cử, bầu cử vào bộ máy quản lý và các chức danh được bầu khác của tổ chức bảo hiểm tương hỗ theo Điều lệ của tổ chức bảo hiểm tương hỗ

Do là chủ sở hữu của tổ chức bảo hiểm tương hỗ, thành viên của tổ chức phải tham dự Đại hội thành viên của tổ chức, đồng thời cũng có quyền tham gia vào hoạt động tổ chức, quản lý tổ chức bảo hiểm tương hỗ:

- Ứng cử bản thân vào chức danh, thực hiện công việc quản lý trong bộ máy quản lý của tổ chức

- Bầu cử các cá nhân, tổ chức khác vào chức danh, thực hiện công việc quản lý trong bộ máy quản lý của tổ chức

Các hoạt động này được thực hiện theo Điều lệ của tổ chức bảo hiểm tương hỗ.

Các quyền khác theo quy định của pháp luật

Các quyền khác phụ thuộc vào tư cách chủ thể của thành viên tổ chức bảo hiểm tương hỗ trong các quan hệ pháp luật khác nhau, ví dụ, nếu thành viên này nắm giữ chức danh, công việc quản lý thì phát sinh ra quan hệ giữa chủ thể quản lý và người lao động hoặc các thành viên khác trong tổ chức bảo hiểm tương hỗ,...

Xem thêm: Tổng hợp bài viết về Luật kinh doanh bảo hiểm

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư