2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
Theo Khoản 1 Điều 26 Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014, thời gian hưởng chế độ đau ốm trong trường hợp này không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Thời gian hưởng chế độ được tính từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 của năm dương lịch (tức là thời gian hưởng chế độ ốm đau được tính theo lịch dương), không phụ thuộc thời điểm bắt đầu tham gia bảo hiểm của người lao động. Tức là nếu người lao động được hưởng 40 ngày nghỉ nhưng một nửa (20 ngày) của năm trước và một nửa (20 ngày) của năm sau, thì 20 ngày đầu tính vào số ngày được hưởng chế độ của năm trước, và 02 ngày tính vào số ngày được hưởng chế độ của năm sau.
Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có đưa ra ví dụ minh họa như sau:
“Ví dụ 1: Ông D là công nhân may, chế độ làm việc theo ca; ông D được bố trí ngày nghỉ hàng tuần như sau: tuần từ ngày 04/01/2016 đến ngày 10/01/2016 vào ngày thứ Tư ngày 06/01/2016, tuần từ ngày 11/01/2016 đến ngày 17/01/2016 vào ngày thứ Sáu ngày 15/01/2016. Do bị ốm đau bệnh tật, ông D phải nghỉ việc điều trị bệnh từ ngày 07/01/2016 đến ngày 17/01/2016.
Thời gian hưởng chế độ ốm đau của ông D được tính từ ngày 07/01/2016 đến ngày 17/01/2016 là 10 ngày (trừ 01 ngày nghỉ hàng tuần là ngày thứ Sáu ngày 15/01/2016)”
Một ví dụ khác để dễ mô tả hơn:
Người lao động B hưởng chế độ đau ốm từ ngày 05/04/2021, trong đó ngày 11/04/2021, ngày 18/04/2021, ngày 25/04/2021, ngày 02/05/2021, ngày 09/05/2021 là các ngày nghỉ trong tuần, đồng thời ngày 30/04 và 01/05 là ngày nghỉ lễ. Đến hết ngày 11/06, người lao động được hưởng chế độ đau ốm tổng cộng 30 ngày, do trừ đi 07 ngày đã được liệt kê trên.
Số ngày người lao động được hưởng chế độ ốm đau phụ thuộc vào công việc mà người lao động thực hiện cũng như thời gian đóng bảo hiểm của người lao động.
a. Đối với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường
Theo Điểm a Khoản 1 Điều 26 Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014, người lao động trong trường hợp này được hưởng:
- 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm dưới 15 năm
- 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm
- 60 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội đủ từ 30 năm trở lên
Thời gian hưởng chế độ đau ốm chỉ được tính từ 01/01 đến ngày 31/12. Sang 01/01 năm sau thì tính vào thời gian hưởng chế độ ốm đau của năm sau.
b. Đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
Các nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được quy định trong danh sách các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được ban hành kèm Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Theo Điểm b Khoản 1 Điều 26 Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014, thời gian hưởng chế độ đau ốm cho nhóm đối tượng này được thực hiện như sau:
- Nếu người lao động làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm
- Nếu người lao động làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm
- Nếu người lao động làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên
Thời gian hưởng chế độ đau ốm chỉ được tính từ 01/01 đến ngày 31/12. Sang 01/01 năm sau thì tính vào thời gian hưởng chế độ ốm đau của năm sau.
c. Trường hợp chuyển từ công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sang công việc bình thường và ngược lại
Đây là trường hợp người lao động đã hưởng chế độ của nhóm này nhưng rồi chuyển công việc sang nhóm còn lại dẫn đến thay đổi về số ngày được hưởng chế độ ốm đau của người lao động:
- Trường hợp người lao động đang làm công việc bình thường, đã hưởng chế độ ốm đau, sau đó chuyển sang công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Số ngày được hưởng chế độ ốm đau trong năm của người lao động tăng lên. Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có đưa ra ví dụ cho trường hợp này như sau:
“Ví dụ 2: Bà A, có 13 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, làm việc trong điều kiện bình thường; từ tháng 01/2016 đến tháng 9/2016 bà A đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ 30 ngày. Tháng 10/2016, bà A chuyển sang làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Ngày 25/10/2016, bà A bị ốm đau phải nghỉ 07 ngày làm việc.
Tại thời điểm nghỉ việc (tháng 10/2016), bà A làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nên thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau tối đa trong năm của bà A là 40 ngày, tính đến thời điểm ngày 25/10/2016 bà A mới nghỉ hưởng chế độ ốm đau 30 ngày trong năm 2016, do đó thời gian nghỉ việc 07 ngày do bị ốm đau của bà A được giải quyết hưởng trợ cấp ốm đau.”
- Trường hợp người lao động đang làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đã hưởng chế độ ốm đau, sau đó chuyển sang công việc bình thường: Số ngày được hưởng chế độ ốm đau của người lao động trong năm giảm đi. Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có đưa ra ví dụ cho trường hợp này như sau:
“Ví dụ 3: Bà B có thời gian đóng bảo hiểm xã hội được 10 năm, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; từ tháng 01/2016 đến tháng 8/2016, đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau 37 ngày; từ tháng 9/2016 bà B chuyển sang làm công việc trong điều kiện bình thường. Ngày 26/9/2016, bà B bị ốm đau phải nghỉ 03 ngày làm việc.
Tại thời điểm nghỉ việc do ốm đau (tháng 9/2016), bà B làm việc trong điều kiện bình thường nên thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau tối đa trong năm của bà B là 30 ngày; tại thời điểm đó bà B đã hưởng chế độ ốm đau 37 ngày trong năm 2016, do đó bà B không được hưởng trợ cấp ốm đau đối với 03 ngày nghỉ việc từ ngày 26/9/2016.”
Xem thêm:
Thời gian hưởng chế độ ốm đau của người lao động như thế nào? (Phần 2)
Tổng hợp các bài viết về Luật bảo hiểm xã hội
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh