2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Trong hợp đồng dịch vụ, bên cung ứng dịch vụ là bên có nghĩa vụ thực hiện công việc phục vụ cho lợi ích của bên sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, để đảm bảo cho quá trình thực hiện công việc được diễn ra ổn định, thuận lợi và bên cung ứng có thể nhận được đền bù sau khi hoàn thành công việc, pháp luật đã trao cho họ những quyền lợi nhất định. Cụ thể, Điều 518 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của bên cung ứng dịch vụ như sau:
“Điều 518. Quyền của bên cung ứng dịch vụ
1. Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện để thực hiện công việc.
2. Được thay đổi điều kiện dịch vụ vì lợi ích của bên sử dụng dịch vụ mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của bên sử dụng dịch vụ, nếu việc chờ ý kiến sẽ gây thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nhưng phải báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ.
3. Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ trả tiền dịch vụ”
Bên cung ứng dịch vụ là cá nhân, tổ chức dùng công sức của mình để hoàn thành, thực hiện một công việc do bên sử dụng dịch vụ thể hiện. Hợp đồng dịch vụ là hợp đồng song vụ, tức các bên đề có quyền và nghĩa vụ tương ứng với nhau. Bên cung ứng dịch vụ ngoài việc có nghĩa vụ thực hiện công việc theo thỏa thuận với bên sử dụng, còn có quyền cơ bản được pháp luật quy định, cụ thể:
Đối với một số công việc nhất định, để có thể thực hiện và hoàn thành cần có thông tin, tài liệu và phương tiện thực hiện. Theo đó, bên cung ứng có quyền yêu cầu bên sử dụng dịch vụ cung cấp các tài liệu, thông tin, phương tiện liên quan trực tiếp đến việc thực hiện công việc. Thông tin, tài liệu có thể hiểu là tổng hợp các nguồn dữ liệu chứa đựng dưới nhiều dạng khác nhau như lời nói, văn bản, dữ liệu điện tử,…Trên cơ sở thông tin, dữ liệu bên sử dụng dịch vụ cung cấp, mà bên cung ứng dịch vụ xem xét và đưa ra phương pháp thực hiện công việc cũng như kết quả dự kiến.
Tùy thuộc vào từng hợp đồng cụ thể và nhu cầu thực hiện công việc mà yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, phương tiện thực hiện công việc có thể là đương nhiên hoặc chỉ được thực hiện khi có thỏa thuận. Bên cung ứng được quyền yêu cầu bên sử dụng cung cấp thông tin bắt buộc nếu những thông tin này quyết định trực tiếp đến việc thực hiện công việc như phạm vi, phương án thực hiện, kết quả dự kiến,…Ngược lại, nếu đó là những thông tin không liên quan trực tiếp đến công việc mà chỉ mang tính chất hỗ trợ cho quá trình thực hiện nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ được tiến hành dễ dàng hơn thì các bên có thể thỏa thuận về việc cung cấp thông tin hoặc không.
Phạm vi thông tin, tài sản, phương tiện thực hiện công việc mà cung ứng yêu cầu bên sử dụng cung cấp phải phù hợp với tính chất dịch vụ, mục đích của hợp đồng. Bên cung ứng dịch vụ có quyền yêu cầu bên sử dụng cung cấp toàn bộ thông tin đã thỏa thuận hoặc toàn bộ thông tin liên quan trực tiếp đến khả năng thực hiện công việc, mà khi không có những thông tin đó công việc thực hiện sẽ khó khăn hơn hoặc không đạt được kết quả. Thông tin, tài liệu, phương tiện mà bên sử dụng cung cấp không chỉ giúp bên cung ứng dịch vụ khai thác tối đa thông tin để thực hiện công việc thuận lợi và đưa ra phương án thực hiện chính xác, mà còn đem lại kết quả tốt và nhanh cho bên sử dụng.
Bên cung ứng được quyền thay đổi điều kiện dịch vụ vì lợi ích của bên sử dụng dịch vụ mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của bên sử dụng dịch vụ. Điều kiện thực hiện dịch vụ có thể hiểu là tổng hợp các điều kiện để thực hiện công việc và điều kiện thực. Theo đó, quyền thay đổi điều kiện mà không cần chờ sự đồng ý của bên sử dụng dịch vụ khi đáp ứng các điều kiện sau:
-Một là, thay đổi điều kiện dịch vụ là yêu cầu bắt buộc để có thể thực hiện hoặc tiếp tục thực hiện dịch vụ. Thực hiện dịch vụ cần một quá trình thực hiện theo trình tự nhất định. Trong thời hạn thực hiện có thể có sự tác động bởi nhiều yếu tố bên ngoài làm ảnh hưởng đến việc thực hiện và khả năng hoàn thành công việc. Trong trường hợp này, nếu không có sự thay đổi thì sẽ không thể tiếp tục thực hiện công việc hoặc thực hiện nhưng không đem lại kết quả mong muốn. Do đó, bên cung ứng dịch vụ bằng năng lực, kỹ năng chuyên môn của mình phải phân tích, đánh giá và đưa ra sự điều chỉnh cho phù hợp.
-Hai là, việc chờ ý kiến của bên sử dụng dịch vụ có thể dẫn đến thiệt hại cho chính họ. Thông thường, khi thay đổi điều kiện thực hiện công việc khác với thỏa thuận ban đầu phải có sự đồng ý của bên sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, sự việc xảy ra có thể nói là trong tình trạng khẩn cấp khiến cho việc đợi ý kiến từ bên sử dụng dịch vụ sẽ gây nên thiệt hại nặng nề cho chính họ. Thiệt hại có thể những thiệt hại mang tính vật chất hoặc tinh thần của bên sử dụng dịch vụ, khi công việc không thể thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả nếu không thay đổi điều kiện thực hiện công việc. Tùy vào tính chất của từng loại công việc, mục đích thực hiện công việc khác nhau nên thiệt hại cũng khác nhau.
-Ba là, bên cung ứng phải thông báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ biết về việc thay đổi điều kiện thực hiện công việc. Pháp luật chỉ quy định bên cung ứng không cần thiết phải đợi ý kiến từ bên sử dụng dịch vụ, tức phải thông báo cho họ biết sau đó mới có thể thay đổi điều kiện dịch vụ của mình. Hình thức thông báo được bên cung ứng tùy ý lựa chọn sao cho phù hợp với điều kiện của cả hai bên, nhưng phải đảm bảo tính chất nhanh, gọn, kịp thời. Bởi hợp đồng là sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của các bên, nội dung hợp đồng đại diện cho ý chí của tất cả các bên tham gia. Chính vì vậy, bên sử dụng dịch vụ có quyền được biết sớm nhất những thay đổi trong nội dung hợp đồng đã thỏa thuận. Trong nhiều trường hợp họ chấp nhận rủi ro không muốn thay đổi điều kiện thực hiện dịch vụ, thì việc thông báo ngay có thể tránh việc thay đổi điều kiện không cần thiết.
Hợp đồng dịch vụ là hợp đồng có đền bù, tính chất đền bù của hợp đồng được thể hiện ở việc sau khi bên cung ứng hoàn thành công việc cho bên sử dụng, thì có quyền yêu cầu bên sử dụng thanh toán cho mình chi phí hưởng dịch vụ. Trên thực tế, thời điểm trả tiền có thể là trước hoặc sau khi hoàn thành công việc tùy vào thỏa thuận của các bên. Theo đó, khi đến thời hạn trả tiền dịch vụ thì bên cung ứng có quyền yêu cầu bên sử dụng dịch vụ thanh toán cho mình số tiền như đã thỏa thuận. Đây là lợi ích mà bên cung ứng dịch vụ hướng đến khi tham gia hợp đồng, do đó, ngoài quyền lợi liên quan đến việc thực hiện công việc theo thỏa thuận thì quyền yêu cầu thanh toán tiền chính là quyền cơ bản mà để bên cung ứng tự bảo vệ lợi ích của mình.
Quy định về quyền của bên cung ứng dịch vụ có hai mục đích, một là bảo vệ quyền lợi cơ bản của họ khi tham gia giao kết hợp đồng, hai là tạo điều kiện thuận lợi cho họ hoàn thành công việc theo yêu cầu.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hỏi đáp Luật Dân sự
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh