2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Quyền và nghĩa vụ là nội dung gắn liền với chủ thể khi tham gia vào bất kỳ hợp đồng dân sự nào. Hợp đồng gia công là một loại hợp đồng dân sự, các chủ thể trong hợp đồng bên cạnh việc phải thực hiện nghĩa vụ để đáp ứng lợi ích cho bên kia, thì cũng được pháp luật trao cho các quyền nhất định nhằm tự bảo vệ lợi ích của mình. Trong đó, Điều 545 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của bên đặt gia công như sau:
“Điều 545. Quyền của bên đặt gia công
1. Nhận sản phẩm gia công theo đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận.
2. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bên nhận gia công vi phạm nghiêm trọng hợp đồng.
3. Trường hợp sản phẩm không bảo đảm chất lượng mà bên đặt gia công đồng ý nhận sản phẩm và yêu cầu sửa chữa nhưng bên nhận gia công không thể sửa chữa được trong thời hạn thỏa thuận thì bên đặt gia công có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại”
Bên đặt gia công là cá nhân, tổ chức có nhu cầu được sản xuất, chế tạo ra sản phẩm, hàng hóa phục vụ cho lợi ích của mình. Hợp đồng gia công xuất phát từ nhu cầu muốn có được sản phẩm như mong muốn của bên đặt gia công. Do đó, từ khi bắt đầu thực hiện công việc gia công đến khi bên gia tạo ra sản phẩm, thì bên đặt gia công được phép thực hiện một số quyền nhất định nhằm đảm bảo chắc chắn sản phẩm gia công được tạo ra đúng với mong muốn của mình. Theo đó, bên đặt gia công có các quyền sau đây:
-Một là, quyền nhận sản phẩm gia công theo đúng những gì đã thỏa thuận. Sản phẩm gia công là lợi ích cơ bản mà bên đặt gia công hướng đến khi tham gia giao kết hợp đồng. Sản phẩm được tạo ra có thể để tiêu dùng hoặc kinh doanh. Tùy vào mục đích và nhu cầu mà bên đặt gia công có những yêu cầu khác nhau đối với sản phẩm được tạo ra. Những yêu cầu đó được các bên thỏa thuận từ khi xác lập hợp đồng, và bên gia công có nghĩa vụ làm theo đúng những thỏa thuận đó. Khi đến hạn nhận sản phẩm gia công, bên đặt gia công chỉ nhận tài sản khi bên gia công đảm bảo các yếu tố đã được xác lập từ ban đầu như:
(1) Sản phẩm gia công theo đúng số lượng. Số lượng sản phẩm gia công được xác định ngay từ khi xác lập hợp đồng. Căn cứ vào số lượng sản phẩm mà bên đặt gia công mong muốn, thì họ phải chuyển giao cho bên gia công đầy đủ nguyên vật liệu. Trường hợp bên đặt gia công đã chuyển giao nguyên vật liệu đủ để sản xuất ra số lượng tài sản mong muốn, thì khi nhận lại tài sản họ có quyền nhận lại đúng số lượng tài sản phù hợp. Việc nhận sản phẩm gia công không đúng số lượng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của bên đặt gia công.
(2) Sản phẩm gia công theo đúng chất lượng. Cũng như số lượng, chất lượng của sản phẩm gia công cũng được các bên thỏa thuận từ trước và phụ thuộc vào chất lượng của nguyên vật liệu mà bên đặt gia công đã cung cấp. Chất lượng của sản phẩm gia công được xác định dựa trên nhiều yếu tố như: màu sắc, độ bền,….Bên đặt gia công có thể không nhận tài sản gia công nếu chất lượng không đảm bảo theo thỏa thuận ban đầu. Chất lượng của sản phẩm có vai trò quan trọng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nó ảnh hưởng đến danh tiếng, hoạt động kinh doanh của công ty.
(3) Chuyển giao tài sản đúng phương thức. Khi xác lập hợp đồng các bên có thể thỏa thuận về phương thức chuyển giao sản phẩm gia công. Các bên có thể lựa chọn các phương thức chuyển giao như: bên gia công thuê vận chuyển chuyên chở sản phẩm cho bên đặt gia công hoặc bên đặt gia công tự đến lấy,…Trên thực tế, các bên có thể thỏa thuận về phương thức chuyển giao tài sản khi bên gia công đã hoàn thành công việc. Nhưng dù trong trường hợp có thỏa thuận trước hay sau thì bên gia công cũng cần phải chắc chắn phương thức chuyển giao phù hợp với thỏa thuận. Bởi tài sản lúc này đang do bên gia công chiếm giữ nên họ là người có nghĩa vụ trong việc đảm bảo phương thức chuyển giao tài sản.
(4) Chuyển giao tài sản đúng thời hạn. Thời hạn chuyển giao sản phẩm là khoảng thời gian theo thỏa thuận của các bên mà bên gia công có nghĩa vụ phải hoàn thành và chuyển giao sản phẩm đó cho bên đặt gia công. Thời gian chuyển giao tài sản là nội dung không thể thiếu trong nội dung hợp đồng. Thời điểm mà bên đặt gia công nhận được tài sản ảnh hưởng đến công việc, đời sống, hoạt động kinh doanh, lưu thông hàng hóa. Thậm chí việc chuyển giao tài sản sớm hơn thời hạn thỏa thuận cũng có thể ảnh hưởng đến lợi ích của bên đặt gia công. Ví dụ như trong trường hợp gia công sản phẩm với số lượng lớn, mà bên gia công chuyển giao tài sản sớm hơn thời hạn thỏa thuận làm bên đặt gia công không kịp chuẩn nhà kho để chứa hàng, nhân công để tiến hành vận chuyển, kiểm tra hàng hóa.
(5) Chuyển giao tài sản đúng địa điểm. Địa điểm chuyển giao sản phẩm là nơi theo thỏa thuận của các bên mà bên đặt gia công tiến hành nhận sản phẩm gia công từ bên gia công. Địa điểm chuyển giao tài sản có thể là tại chính xưởng gia công của bên gia công, hoặc nhà kho của bên đặt gia công, hoặc bến cảng,….Các bên tùy ý lựa chọn địa điểm chuyển giao tài sản phù hợp với nhu cầu, lợi ích của mình. Theo đó, bên đặt gia công có quyền nhận tài sản tại địa điểm đã thỏa thuận. Việc bên gia công chuyển giao tài sản sai địa điểm thì phải tự chịu trách nhiệm.
-Hai là, quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng. Cũng như những hợp đồng dân sự khác, chủ thể có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bên kia có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng. Có thể hiểu, vi phạm nghiêm trọng là hành vi vi phạm của một bên khiến cho bên kia không thể đạt được lợi ích khi tham gia hợp đồng. Như vậy, để bảo vệ lợi ích của mình tránh việc xảy ra thiệt hại lớn hơn thì bên đặt gia công có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Mức bồi thường thiệt hại được xác định theo thỏa thuận của các bên dựa trên cơ sở thiệt hại xảy ra trên thực tế.
-Ba là, quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Căn cứ theo quy định về các trường hợp một bên được hủy bỏ hợp đồng tại khoản 1 Điều 423 BLDS năm 2015, thì bên đặt gia công được hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp sản phẩm gia công không đảm bảo chất lượng mà bên đặt gia công đồng ý nhận sản phẩm và yêu cầu sửa chữa, nhưng bên nhận gia công không thể sửa chữa được trong thời hạn thỏa thuận. Có thể nói đây là hậu quả của của việc bên gia công thực hiện không đúng nghĩa vụ đảm bảo chất lượng của sản phẩm gia công. Cụ thể, khi sản phẩm gia công không đảm bảo chất lượng nhưng bên đặt gia công vẫn đồng ý nhận và yêu cầu bên gia công sửa lại trong thời hạn nhất định. Tuy nhiên, bên gia công không thể sửa lại trong thời hạn đó thì bên đặt gia công được hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. khi hợp đồng bị hủy bỏ tức hợp đồng bị xem là không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, căn cứ theo quy định tại Điều 427 BLDS năm 2015 về hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng thì các bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận. Theo đó, bên gia công có nghĩa vụ trả lại cho bên đặt gia công nguyên vật liệu đã cung cấp, đồng thời phải bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà đáng lẽ bên đặt gia công đã nhận được khi giao kết hợp đồng.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hỏi đáp Luật Dân sự
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh