Bên gửi tài sản có quyền gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:40 (GMT+7)

Yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào, nếu hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn, nhưng phải báo trước cho bên giữ một thời gian hợp lý...

1.Căn cứ pháp lý

Tương ứng với nghĩa vụ buộc phải thực hiện, bên gửi tài sản được ghi một số quyền năng để bảo vệ lợi ích của mình trong quan hệ gửi giữ tài sản với bên giữ. Cụ thể, Điều 556 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của bên gửi tài sản như sau:

Điều 556. Quyền của bên gửi tài sản
1. Yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào, nếu hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn, nhưng phải báo trước cho bên giữ một thời gian hợp lý.
2. Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng”

2.Nội dung

Bên gửi tài sản là cá nhân, tổ chức có tài sản thuộc sở hữu của mình hoặc của chủ thể khác, có nhu cầu được trông coi, bảo quản tài sản trong thời hạn nhất định. Hợp đồng gửi giữ tài sản hình thành trên cơ sở thỏa thuận của các bên về việc một bên nhận tài sản của bên kia và thực hiện việc trông coi, bảo quản tài sản đó trong một thời hạn nhất định. Theo đó, bên gửi tài sản là bên có quyền lợi liên quan trực tiếp đến quá trình thực hiện việc trông coi, bảo quản tài sản của bên giữ tài sản. Vì vậy, pháp luật đã ghi nhận và cho phép bên gửi tài sản được thực hiện một số quyền sau:
-Một là, quyền yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào. Lấy lại tài sản là quyền của bên gửi tài sản được lấy tài sản gửi giữ từ bên giữ tài sản, khi tài sản bị bên gửi lấy lại sẽ làm chấm dứt hợp đồng gửi giữ tài sản. Để tạo điều kiện linh hoạt cho các bên trong việc giao nhận lại tài sản pháp luật có quy định về việc bên gửi tài sản được lấy lại tài sản bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, khi thực hiện quyền này bên gửi phải đảm bảo các điều kiện sau:
(1) Được lấy lại tài sản bất cứ lúc nào nếu hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn. Quyền yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào phát sinh trong hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn. Thời hạn thực hiện hợp đồng là khoảng thời gian mà bên giữ tài sản phải thực hiện việc trông coi, bảo quản tài sản cho bên gửi. Hợp đồng được hình thành dựa trên sự thỏa thuận của các bên, do đó, họ có thể thỏa thuận về thời hạn gửi giữ hoặc không. Nếu hợp đồng xác định thời hạn gửi giữ cụ thể thì bên gửi chỉ được lấy lại tài sản khi kết thúc thời hạn gửi giữ. Khi hợp đồng không xác định thời hạn để tránh việc xảy ra tranh chấp về việc giao nhận lại tài sản, pháp luật đã quy định cho phép bên gửi lại tài sản được lấy lại tài sản bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, trên thực tế dù các bên đã thỏa thuận về thời hạn thực hiện hợp đồng, nhưng vì lý do nào đó mà bên gửi mong muốn lấy lại tài sản trước thời hạn thì vẫn có thể thỏa thuận với bên giữ về việc đó.
(2) Việc lấy lại tài sản phải thông báo trước cho bên giữ trong một khoảng thời gian hợp lý. Mặc dù lấy lại tài sản bất kỳ lúc nào là quyền của bên gửi, tuy nhiên điều kiện này là nghĩa vụ mà bên gửi phải thực hiện để bảo vệ lợi ích cho bên giữ. Bên giữ cần phải có thời gian kịp thời chuẩn bị để chuyển giao lại tài sản cho bên gửi. Việc thông báo trước một khoảng thời gian hợp lý là nguyên tắc chung trong giao dịch dân sự. Chủ thể sẽ thực hiện nghĩa vụ tốt hơn nếu ở tình thế chủ động. 
-Hai là, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Yêu cầu bồi thường thiệt hại là quyền của chủ thể khi chủ thể khác có hành vi vi phạm gây thiệt hại, ảnh hưởng đến lợi ích của họ. Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận của các bên, theo đó, bên giữ có nghĩa vụ trông coi, bảo quản, giữ gìn tài sản trong thời gian gửi giữ. Vậy nên, nếu tài sản bị mất mát, hư hỏng thì bên giữ phải chịu trách nhiệm. Do đó, làm phát sinh quyền của bên gửi trong việc yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu tài sản bị mất mát, hư hỏng. Tuy nhiên, theo nguyên tắc chung thì chủ thể chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự do hành vi có lỗi của mình. Tức, bên giữ có lỗi trong việc để tài sản bị mất hoặc hư hỏng, như: không trông coi tài sản cẩn thận làm tài sản bị mất; không trang bị dụng cụ phòng cháy, chữa cháy khiến cho tài sản bị thiệt hại,…Tuân thủ theo nguyên tắc đó, pháp luật đã loại trừ trách nhiệm của bên giữ tài sản khi thiệt hại xảy ra do trường hợp bất khả kháng. Sự kiện bất khả kháng có thể hiểu là một điều khoản phổ biến trong hợp đồng, nó giải phóng một hoặc các bên khỏi trách nhiệm dân sự khi xảy ra các sự kiện bất thường ngoài tầm kiểm soát của con người như: thiên tai, dịch bệnh,…Quy định này nhằm bảo vệ lợi ích của bên giữ tài sản, tránh việc phải chịu trách nhiệm với những thiệt hại xảy ra không do lỗi của mình. Quy định về yêu cầu bồi thường thiệt hại khi tài sản bị mất mát, hư hỏng thực chất là hậu quả của việc bên giữ không thực hiện tốt nghĩa vụ bảo quản, trông giữ tài sản, nhằm ràng buộc trách nhiệm của họ trong việc bảo quản tốt tài sản gửi giữ.

3.Vụ việc thực tế về quyền đòi lại tài sản gửi giữ của bên gửi tài sản

Bản án số 73/2021/DS-PT ngày 17/06/2021 về “V/v tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản”[1]

3.1.Nội dung vụ việc

Vào ngày 27/3/2020 ông Đ đi đồng và có gửi cho bà Nguyễn Thị (bà  Ba  S) số tiền 50.000.000 đồng, đến khoảng 10 giờ 20 phút cùng ngày ông Đ có nghe Công an huyện C bắt tụ điểm đá gà, chơi tài xỉu tại nhà bà X, khoảng 02 tiếng sau Công an huyện C ra về, ông Đ có lại hỏi bà X lấy lại số tiền 50.000.000 đồng thì bà X bảo là Công An huyện vào bắt sòng tài xỉu nhà bà nên bà không biết ai lấy. Đến ngày 12/4/2020 ông Đ có đơn tường trình gửi Công an xã L để tường trình về việc bà X giữ tiền mà không trả, sau đó Công an xã L có mời bà X làm việc, tại buổi làm việc bà X cũng thừa nhận có nhận giữ tiền của ông số tiền 50.000.000 đồng, nhưng khi Công an huyện C ập vào bắt sòng tài xỉu nhà bà, đến khi sự việc xong thì bà bảo không biết ai lấy nên bà không có tiền trả. Nay ông Đ yêu cầu bà X trả lại cho ông số tiền 50.000.000 đồng.
Tại Bản án sơ thẩm số 81/2020/DS-ST ngày 17/7/2020 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh An Giang tuyên xử:
-Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn Đ. Buộc bà Nguyễn Thị X có nghĩa vụ trả cho ông Nguyễn Văn Đ số tiền gửi giữ 50.000.000 đồng (năm mươi triệu đồng). 
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

3.2.Nhận định của Tòa án

Ngày 27/3/2020, ông Nguyễn Văn Đ có gửi cho bà Nguyễn Thị X giữ số tiền 50.000.000 đồng để đi ruộng. Đến khoảng 10 giờ 20 phút cùng ngày, Công an huyện C bắt quả tang điểm đá gà ăn thua bằng tiền tại khu vực đất của bà X. Sau khi Công an huyện C làm việc xong, ông Đ có gặp bà X để lấy lại số tiền đã gửi nhưng bà X nói đã bị mất. Nay, ông Đ yêu cầu bà X trả số tiền 50.000.000 đồng, không yêu cầu tính lãi thì bà X không đồng ý yêu cầu khởi kiện của ông Đ.
Bà X kháng cáo nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu của mình để Tòa án xem xét việc bà không đồng ý trả cho ông Đ 50.000.000 đồng là có căn cứ. Do đó, HĐXX phúc thẩm không có cơ sở để xem xét khác.

3.3.Tuyên xử

Căn cứ vào: 
-Khoản 1 Điều 308, khoản 1 Điều 148, Điều 313 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; 
-Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. 
Xử:
-Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Nguyễn Thị X. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 81/2020/DS-ST ngày 17/7/2020 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh An Giang.
-Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn Đ. Buộc bà Nguyễn Thị X có nghĩa vụ trả cho ông Nguyễn Văn Đ số tiền gửi giữ 50.000.000 đồng (năm mươi triệu đồng). Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015. 

 Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hỏi đáp Luật Dân sự

Luật Hoàng Anh

[1] https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta723271t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 18/09/2021.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư