Bên nhận tài sản có quyền gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:38 (GMT+7)

Bên nhận tài sản có quyền phát sinh trực tiếp từ việc tiếp nhận tài sản từ bên vận chuyển.

1.Căn cứ pháp lý

Bên nhận tài sản có quyền phát sinh trực tiếp từ việc tiếp nhận tài sản từ bên vận chuyển. Để bên nhận tài sản chủ động trong việc bảo vệ lợi ích của mình, pháp luật đã ghi nhận các quyền của họ trong quan hệ tiếp nhận chuyển giao tài sản với bên vận chuyển. Điều 540 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của bên nhận tài sản như sau:

Điều 540. Quyền của bên nhận tài sản
1. Kiểm tra số lượng, chất lượng tài sản được vận chuyển đến.
2. Nhận tài sản được vận chuyển đến.
3. Yêu cầu bên vận chuyển thanh toán chi phí hợp lý phát sinh do phải chờ nhận tài sản nếu bên vận chuyển chậm giao.
4. Yêu cầu bên vận chuyển bồi thường thiệt hại do tài sản bị mất, hư hỏng”

2.Nội dung

Với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, hoạt động vận chuyển tài sản ngày càng phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng trong đời sống. Quy trình vận chuyển tài sản diễn ra từ khi bên thuê vận chuyển và bên vận chuyển thỏa thuận, thống nhất xác lập hợp đồng vận chuyển tài sản. Công việc của bên vận chuyển bắt đầu từ khi nhận tài sản vận chuyển từ bên thuê vận chuyển, và kết thúc khi chuyển giao tài sản đó cho bên nhận tài sản. Trong đó, bên nhận tài sản là bên có quyền nhận tài sản chuyển giao từ bên vận chuyển. Chủ thể có quyền nhận tài sản có thể chính là bên thuê vận chuyển hoặc bên thứ ba được bên thuê vận chuyển chỉ định. Quyền nhận tài sản của bên nhận tài sản gắn liền với quá trình nhận chuyển giao tài sản từ bên vận chuyển. Có thể nói, quyền của bên nhận tài sản là căn cứ để xem xét nghĩa vụ của bên vận chuyển có được hoàn thành hay không, đồng thời là cơ sở pháp lý để họ tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Cụ thể, khi nhận được tài sản từ bên vận chuyển, pháp luật đã trao cho bên nhận tài sản những quyền sau:
-Một là, quyền kiểm tra số lượng, chất lượng tài sản được vận chuyển đến. Kết quả của việc kiểm tra số lượng, chất lượng tài sản được vận chuyển đến là căn cứ để xác định tài sản có bị hư hỏng, mất mát hay không. Quyền này của bên nhận tài sản gắn liền với nghĩa vụ đảm bảo vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn của bên vận chuyển theo quy định tại khoản 1 Điều 534 BLDS năm 2015. Khi bên vận chuyển giao tài sản thì cần kiểm tra rõ số hàng thực tế nhận được có trùng khớp với nội dung ghi nhận trên vận đơn, chứng từ vận chuyển hay thỏa thuận ban đầu không. Trong quá trình vận chuyển dưới sự tác động của nhiều yếu tố, bên vận chuyển có thể cố ý hoặc vô ý khiến cho tài sản bị mất mát, hư hỏng, giảm sút giá trị. Việc kiểm tra lại tài sản là cơ sở pháp lý để xem xét trách nhiệm của bên vận chuyển tài sản.
-Hai là, quyền nhận tài sản được vận chuyển đến. Bên nhận tài sản có đủ điều kiện theo quy định pháp luật được quyền nhận tài sản từ bên vận chuyển. Đặc biệt trong trường hợp bên nhận tài sản không đồng thời là bên thuê tài sản, thì trước khi thực hiện quyền nhận tài sản phải thực hiện nghĩa vụ chứng minh mình là chủ thể có quyền nhận tài sản. Bên nhận tài sản nếu xuất trình được vận đơn, chứng từ vận chuyển, hoặc là người có thông tin, địa chỉ phù hợp với thông tin mà bên thuê vận chuyển cung cấp thì có quyền đương nhiên được nhận chuyển giao tài sản. Đây là quyền cơ bản của bên nhận tài sản. 
-Ba là, quyền yêu cầu bên vận chuyển thanh toán chi phí hợp lý phát sinh do phải chở nhận tài sản nếu bên vận chuyển chậm giao. Như vậy, trong trường hợp này bên nhận tài sản được thực hiện quyền khi bên vận chuyển vi phạm nghĩa vụ trong việc giao tài sản đúng thời hạn thỏa thuận. Trái lại với trường hợp bên nhận tài sản chậm tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ, trường hợp này lỗi thuộc về bên có nghĩa vụ là bên vận chuyển. Các khoản chi phí phát sinh do phải chờ nhận tài sản khi bên vận chuyển chậm giao như: chi phí đi lại, chi phí thuê nhà kho, nhân công, máy móc, phương tiện chở hàng,…
-Bốn là, quyền yêu cầu bên vận chuyển bồi thường thiệt hại do tài sản bị mất, hư hỏng. Quy định này thực chất là hệ quả của quá trình kiểm tra số lượng, chất lượng tài sản được vận chuyển đến. Sau khi thực hiện công việc kiểm tra tài sản được vận chuyển đến, nếu phát hiện tài sản có hư hỏng, mất mát thì bên nhận tài sản có quyền yêu cầu bên vận chuyển phải bồi thường thiệt hại. Những thiệt hại về tài sản thuộc trách nhiệm của bên vận chuyển, bởi trước khi nhận chuyển hàng bên vận chuyển có quyền kiểm tra sự xác thực của tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 535 BLDS năm 2015. Pháp luật cho phép bên vận chuyển được từ chối chuyên chở đối với tài sản không giống với loại tài sản đã thỏa thuận. Chính vì vậy, có thể khẳng định tài sản do bên vận chuyển chuyên chở hoàn toàn đảm bảo đúng chủng loại, số lượng, chất lượng đã thỏa thuận. Khi tài sản được chuyển giao cho bên nhận tài sản nếu có hư hỏng xảy ra thì chỉ có thể là lỗi trong quá trình vận chuyển mà thôi. Do đó, bên vận chuyển phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra với tài sản cho bên nhận tài sản. 

 Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hỏi đáp Luật Dân sự

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư