2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Bên cạnh các nghĩa vụ, thì pháp luật cũng ghi nhận các quyền của bên vận chuyển trong hợp đồng vận chuyển hành khách. Là chủ thể cung cấp dịch vụ và hưởng lợi ích từ việc thực hiện công việc ấy, nên bên vận chuyển có quyền đối với hành khách để đảm bảo công việc vận chuyển được diễn ra thuận lợi. Điều 525 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của bên vận chuyển như sau:
“Điều 525. Quyền của bên vận chuyển
1. Yêu cầu hành khách trả đủ cước phí vận chuyển hành khách, cước phí vận chuyển hành lý mang theo người vượt quá mức quy định.
2. Từ chối chuyên chở hành khách trong trường hợp sau đây:
a) Hành khách không chấp hành quy định của bên vận chuyển hoặc có hành vi làm mất trật tự công cộng, cản trở công việc của bên vận chuyển, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác hoặc có hành vi khác không bảo đảm an toàn trong hành trình; trong trường hợp này, hành khách không được trả lại cước phí vận chuyển và phải chịu phạt vi phạm, nếu điều lệ vận chuyển có quy định;
b) Do tình trạng sức khỏe của hành khách mà bên vận chuyển thấy rõ rằng việc vận chuyển sẽ gây nguy hiểm cho chính hành khách đó hoặc người khác trong hành trình;
c) Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan”
Bên vận chuyển là bên cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách nhằm phục vụ cho nhu cầu đi lại của nhân dân. Bên vận chuyển có thể là chủ phương tiện hoặc cơ quan trực tiếp quản lý phương tiện vận tải. Chủ thể kinh doanh dịch vụ vận chuyển hành khách được phép thực hiện dịch vụ vận chuyển trên cơ sở nội dung đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, bởi hoạt động vận chuyển hành khách không chỉ liên quan đến vấn đề an toàn, trật tự giao thông mà còn liên quan đến tính mạng của các hành khách trên xe. Để đảm bảo an toàn cho hành khách trong quá trình vận chuyển đồng thời thu được lợi ích từ hợp đồng, pháp luật đã trao cho bên vận chuyển những quyền sau:
Cước phí mà hành khách phải trả bao gồm cả cước phí vận chuyển hành khách và cước phí vận chuyển hành lý mang theo nếu vượt quá mức theo quy định. Bên vận chuyển bản chất là nhà cung ứng dịch vụ tham gia vào công việc kinh doanh dịch vụ vận chuyển nhằm thu lợi nhuận, mà lợi nhuận phát sinh từ chính cước phí thu được từ khách hàng sử dụng dịch vụ. Do đó, pháp luật ghi nhận quyền yêu cầu hành khách phải thanh toán cước phí vận chuyển. Thông thường, cước phí được tính dựa trên chi phí vận chuyển của hành khách, còn việc vận chuyển hành lý thuộc nghĩa vụ bắt buộc của bên vận chuyển. Khi cung cấp dịch vụ vận chuyển, bên vận chuyển phải đảm bảo vận chuyển và bảo quản của hành lý của hành khách. Tuy nhiên, tùy vào từng phương tiện vận chuyển mà pháp luật quy định cụ thể khối lượng hành lý tối đa mà khách hàng được mang theo, trên cơ sở đó mà mỗi nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển quy định cụ thể trong lượng hành lý mà khách hàng được mang theo. Do đó, khi vượt quá trọng lượng theo quy định thì khách hàng phải thanh toán thêm chi phí cho phần vượt quá đó. Thực chất quy định này nhằm hạn chế việc hành khách mang theo quá nhiều hành lý khi di chuyển khiến cho phương tiện vận chuyển vượt quá trọng tải. Mỗi phương tiện cụ thể đều có trọng lượng vận tải riêng, nếu vượt quá trọng lượng đó sẽ khiến cho việc di chuyển không an toàn, dễ gặp rủi ro gây thiệt hại về người và tài sản. Chính vì vậy, pháp luật quy định cho phép bên vận chuyển được thu phí vận chuyển hành lý vượt quá khối lượng quy định nhằm thực tiễn hóa quy định về trọng lượng tối đa của hàng lý mang theo.
Bên vận chuyển có quyền từ chối chuyên chở khách hàng trong các trường hợp sau:
-Trường hợp 1: Quyền từ chối chuyên chở khách hàng trong các trường hợp cụ thể, mà không phải trả lại cước phí vận chuyển và có quyền phạt vi phạm trong trường hợp điều lệ vận chuyển có quy định. Tức, trong trường hợp này, bên vận chuyển mặc dù không chuyên chở hành khách như thỏa thuận nhưng vẫn có quyền giữ lại tiền cước mà khách hàng đã thanh toán trước đó. Bởi các hành vi của khách hàng dẫn đến việc bên vận chuyển không cung cấp dịch vụ vận chuyển hoàn toàn do lỗi của họ, khoản tiền cước không được trả lại xem như là trách nhiệm của họ với hành vi vi phạm của mình. Cụ thể, các hành vi mà pháp luật quy định như sau;
(1) Hành khách không chấp hành quy định của bên vận chuyển. Nhằm cung cấp dịch vụ vận chuyển tốt cho khách hàng, bên vận chuyển đã đề ra các quy định riêng đảm bảo cho sự an toàn và môi trường văn minh, lịch sự. Các quy định đó không chỉ làm nên thương hiệu của bên cung cấp dịch vụ mà còn đảm bảo cho lợi ích của khách hàng. Pháp luật ghi nhận việc các hãng cung cấp dịch vụ vận chuyển áp dụng các quy định riêng nhằm bảo đảm an toàn cho khách hàng. Vì vậy, nếu hành khách không tuân thủ quy định thì bên vận chuyển có quyền từ chối thực hiện công việc vận chuyển. Việc từ chối được pháp luật công nhận vì nó có thể gây thiệt hại cho các hành khách khác.
(2) Hành khách có hành vi làm mất trật tự công cộng. Trật tự công cộng là trật tự chung của phương tiện vận chuyển, có ảnh hưởng đến các hành khách khác. Các hoạt động vận chuyển của các hãng vận chuyển đều có sự tham gia của nhiều người như: xe buýt, xe khách, tàu hỏa, máy bay,…nên nghĩa vụ tuân thủ quy định đảm bảo trật tự an toàn công cộng là một trong những nghĩa vụ rất quan trọng đối với mỗi hành khách. Cho nên, trong trường hợp hành khách có hành vi làm mất trật tự chung bên vận chuyển có thể từ chối thực hiện công việc vận chuyển với chủ thể này.
(3) Hành khách có hành vi cản trở công việc của bên vận chuyển. Hành vi cản trở công việc được hiểu là hành vi làm cho bên vận chuyển khó khăn hoặc không thể thực hiện công việc của mình. Cũng như hai trường hợp trên, để tránh ảnh hưởng đến việc vận chuyển của cả bên cung cấp dịch và của cả những khách hàng khác, bên vận chuyển có quyền không chuyên chở đối với hành khách này.
(4) Hành khách có hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Khi tham gia vào quá trình vận chuyển, nếu hành khách có hành vi gây nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của những người khác như những hành khách cùng tham gia vận chuyển, các nhân viên, tài xế của hãng vận chuyển, thì bên vận chuyển có quyền từ chối cung cấp dịch vụ vận chuyển với họ.
(5) Hành khách có hành vi không đảm bảo an toàn trong hành trình. Bên cạnh các hành vi cụ thể trên, nếu hành khách có những hành vi khác mà có thể cho là không đảm bảo an toán trong hành trình thì bên vận chuyển cũng có quyền từ chối vận chuyển. Tuy nhiên, vì quy định này không xác định hành vi cụ thể, đây có thể là một quy định mở rộng trong trường hợp chủ thể phát sinh các hành động gây nguy hiểm trong chuyến đi mà pháp luật không thể lường trước được. Vì vậy, để thực hiện quyền này, bên vận chuyển sẽ phải phát sinh trách nhiệm chứng minh hành vi đó của khách hàng là gây mất an toàn cho chính mình hoặc cho những chủ thể khác.
-Trường hợp 2: Quyền từ chối chuyên chở khách hành do tình trạng sức khỏe của hành khách. Sức khỏe của hành khách là một trong những yếu tố chi phối sự an toàn của chính bản thân hành khách đó trong quá trình di chuyển. Tùy vào tình trạng sức khỏe của hành khách có bị ảnh hưởng bởi phương tiện di chuyển hay không, mà bên cung cấp dịch vụ có quyền từ chối vận chuyển nhằm đảm bảo an toàn cho họ. Ví dụ: một số hãng hàng không từ chối vận chuyển đối với người bị mắc bệnh về tim mạch, phụ nữ có thai gần đến ngày sinh nở,…quyền từ chối của bên vận chuyển trong trường hợp này là hoàn toàn hợp pháp.
-Trường hợp 3: Quyền từ chối chuyên chở hành khách nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Mặt tích cực của dịch vụ vận chuyển hành khách là cùng lúc có thể chuyên chở nhiều người đến địa điểm theo nhu cầu, tuy nhiên, chính điều đó cũng là nguy cơ làm lây lan dịch bệnh. Trong môi trường của phương tiện di chuyển, khoảng cách an toàn của các hành khách chỉ mang tính chất tương đối, nếu một trong số những hành khách đó mắc bệnh hoàn toàn không tránh được khả năng có thể lây lan cho các hành khách khác. Như vậy, có thể hiểu dịch bệnh mà bên vận chuyển có quyền từ chối vận chuyển khách hàng phải là những bệnh có tính chất lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp, tiếp xúc. Đương nhiên đối với một bệnh nhân ung thư, bên vận chuyển không thể từ chối vận chuyển với lý do làm lây lan dịch bệnh được. Các dịch bệnh dễ lây lan như cúm H5N1, bệnh tay chân miệng,…mà trong tình hình hiện tại dịch bệnh covid-19 chính là dịch bệnh với tốc độ lây nhiễm chóng mặt, mà các hãng vận chuyển cần hết sức đề phòng.
Từ các quy định trên, có thể dễ dàng nhận thấy quyền của bên vận chuyển chủ yếu hướng tới mục tiêu bảo vệ an toàn, lợi ích cho hành khách, đảm bảo môi trường chung trong quá trình di chuyển. Trong quá trình vận chuyển đòi hỏi bên vận chuyển phải đánh giá chính xác tình hình để áp dụng cho phù hợp và hiệu quả.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hỏi đáp Luật Dân sự
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh