2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Bên vận chuyển là cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ vận chuyển tài sản, trong hợp đồng vận chuyển tài sản họ tham gia với tư cách là bên thực hiện công việc chuyên chở tài sản theo yêu cầu của bên thuê vận chuyển. Trong quá trình vận chuyển để bảo vệ lợi ích cho bên thuê vận chuyển và bên có quyền nhận tài sản, bên vận chuyển phải thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ của mình theo quy định chung của pháp luật. Cụ thể, Điều 534 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ của bên vận chuyển tài sản như sau:
“Điều 534. Nghĩa vụ của bên vận chuyển
1. Bảo đảm vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn đến địa điểm đã định, theo đúng thời hạn.
2. Giao tài sản cho người có quyền nhận.
3. Chịu chi phí liên quan đến việc chuyên chở tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.
5. Bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển trong trường hợp bên vận chuyển để mất, hư hỏng tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”
Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng vận chuyển tạo thành nội dung của hợp đồng. Theo đó, nghĩa vụ của bên vận chuyển phát sinh trên cơ sở hợp đồng đã ký kết. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp các bên có thể không có thỏa thuận hoặc sự thỏa thuận của các bên có thể có sự thiếu sót làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bên thuê vận chuyển. Hợp đồng vận chuyển tài sản là hợp đồng trong hệ thống hợp đồng thông dụng trong BLDS năm 2015, vì vậy, pháp luật đã ghi nhận quyền và nghĩa vụ tương xứng của các bên là định hướng cho thỏa thuận trong hợp đồng. Đồng thời là căn cứ để xem xét nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền hạn của các bên. Theo đó, pháp luật ghi nhận bên vận chuyển có nghĩa vụ như sau:
-Một là, bảo đảm vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn đến địa điểm đã định, theo đúng thời hạn. Đây đều là những nội dung cơ bản của hợp đồng vận chuyển tài sản. Lợi ích của bên thuê vận chuyển phát sinh trực tiếp từ việc thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ này của bên vận chuyển. Trong quá trình vận chuyển tài sản, bên vận chuyển phải đảm bảo các yếu tố cơ bản sau:
(1) Tài sản vận chuyển phải đầy đủ. Khi xác lập hợp đồng vận chuyển tài sản các bên có thỏa thuận về loại tài sản, khối lượng, số lượng tài sản và ghi nhận trong nội dung hợp đồng. Bởi các yếu tố này cũng quyết định đến cước phí vận chuyển, đồng thời ràng buộc trách nhiệm của bên vận chuyển. Bên vận chuyển có quyền kiểm tra lại tài sản trước khi vận chuyển, và phải đảm bảo rằng khi tài sản được chuyển giao đến cho người nhận phải đầy đủ về số lượng, khối lượng như đã nhận từ bên gửi tài sản.
(2) Tài sản vận chuyển phải đảm bảo an toàn. Đây là nghĩa vụ bảo quản tài sản của bên vận chuyển trong quá trình chuyên chở. Sự an toàn của tài sản được thể hiện ở chất lượng của tài sản có còn như ban đầu hay không, đồng thời đó cũng là nghĩa vụ chuyển giao đầy đủ tài sản. Tức phải áp dụng các biện pháp quản lý, bảo quản tài sản đảm bảo tài sản không bị mất mát, hư hỏng. Khi tài sản được giao cho bên vận chuyển sẽ làm phát sinh nghĩa vụ của họ trong việc bảo quản tài sản trong quá trình vận chuyển, bên vận chuyển không chỉ đơn thuần là thực hiện việc di dời tài sản. Vì vậy, nếu tài sản bị hư hỏng, mất mát trong quá trình chuyên chở thì bên vận chuyển phải chịu trách nhiệm.
(3) Chuyên chở tài sản đến đúng địa điểm. Địa điểm chuyên chở tài sản là nơi là các bên thỏa thuận, theo đó, bên vận chuyển phải chở hàng hóa từ địa điểm nhận tài sản đến nơi đó. Địa điểm chuyên chở hàng hóa là nội dung quan trọng, được các bên thỏa thuận từ trước. Việc chuyên chở hàng hóa đến địa điểm theo yêu cầu là lợi ích mà bên thuê dịch vụ hưởng tới, nó quyết định đến chi phí vận chuyển, đồng thời là căn cứ để xem xét bên vận chuyển đã hoàn thành nghĩa vụ hay chưa. Chỉ khi hàng hóa được giao đúng địa điểm mới có người tiếp nhận.
(4) Chuyên chở tài sản theo thời hạn thỏa thuận. Thời hạn chuyên chở hàng hóa được xác định là từ khi bên vận chuyển nhận tài sản từ bên thuê vận chuyển đến khi bên vận chuyển giao tài sản đó cho người có quyền nhận. Thời hạn này được các bên dự liệu và thỏa thuận từ trước, bên vận chuyển phải thực hiện vận tải hàng hóa theo đúng thời hạn đó, nếu quá thời hạn thì họ phải chịu trách nhiệm dân sự. Việc vận chuyển tài sản quá thời hạn không chỉ làm lãng phí thời gian, công sức của bên thuê và bên có quyền nhận tài sản trong việc chuẩn bị tiếp nhận tài sản mà còn có thể gây thiệt hại cho họ. Ví dụ: A thỏa thuận chuyên chở 1 tấn hải sản đông lạnh cho B, người có quyền nhận là C, thời hạn chuyển giao tài sản cho C theo thỏa thuận là ngày 13/09/2020. Tuy nhiên, A đã chuyển giao tài sản muộn một ngày khiến cho C không kịp giao hàng cho đối tác, đồng thời C còn mất chi phí cho việc thuê kho chứa tài sản trong một ngày đợi A. Vậy nên, A phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại vì hành vi có lỗi của mình.
-Hai là, giao tài sản cho người có quyền nhận. Thông thường, hợp đồng vận chuyển tài sản có hai bên tham gia là bên vận chuyển và bên thuê vận chuyển. Trong sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu chuyển giao tài sản cho khách hàng đã làm xuất hiện chủ thể thứ ba là bên nhận tài sản. Mặc dù không trực tiếp ký kết hợp đồng nhưng bên nhận tài sản có một số quyền và nghĩa vụ nhất định với bên vận chuyển. Người có quyền nhận là người có quyền nhận tài sản từ bên vận chuyển. Người có quyền nhận tài sản có thể được các bên thỏa thuận từ trước, theo đó, bên vận chuyển phải chuyển giao tài sản cho đúng người đó dựa trên thông tin mà bên gửi tài sản cung cấp. Trong một số trường hợp, người có quyền nhận tài sản không phải một chủ thể cố định, theo đó, ai nắm giữ chứng từ vận chuyển do bên vận chuyển ký phát thì người đó được nhận tài sản. Ví dụ: đối với vận đơn đường biển do thuyền trưởng ký phát cho bên gửi tài sản, khi tài sản được giao đến địa điểm theo thỏa thuận được ghi nhận trên vận đơn, chủ thể nào xuất trình vận đơn ra trước thì bên vận chuyển sẽ chuyển giao tài sản cho người đó. Trường hợp chứng từ vận chuyển có thể chuyển giao giữa các chủ thể, thường xảy ra trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế. Điểm chung của việc giao tài sản cho người có quyền nhận là phải giao đúng địa điểm và thời hạn như đã trình bày ở trên.
-Ba là, chịu chi phí liên quan đến việc chuyên chở tài sản. Các chi phí liên quan đến việc chuyên chở tài sản như: xăng dầu đi lại, phí đường bộ, phí bồi dưỡng sức khỏe cho người chuyên chở, khấu hao phương tiện, chi phí cho việc bảo quản tài sản,…Theo nguyên tắc chung, bên vận chuyển phải chịu những khoản chi phí này. Bởi, trong cước phí mà bên thuê vận chuyển phải thanh toán đã bao gồm cả các khoản chi phí này và lợi nhuận mà bên vận chuyển thu được. Nên về bản chất, các khoản chi phí này vẫn do bên thuê vận chuyển trả, trong một số trường hợp bên thuê vận chuyển và bên nhận tài sản thỏa thuận về việc bên nhận tài sản sẽ thanh toán cước phí thì các khoản chi phí trên do bên nhận tài sản trả. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
-Bốn là, mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo quy định pháp luật. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự là loại hình bảo hiểm cho trách nhiệm dân sự của bên vận chuyển với bên thuê vận chuyển khi xảy ra rủi ro trong quá trình chuyên chở tài sản. Việc mua bảo hiểm là nghĩa vụ bắt buộc đối với chủ các phương tiện cơ giới. Theo đó, bảo hiểm trách nhiệm dân sự là cơ sở để bảo vệ lợi ích của bên thuê vận chuyển khi xảy ra rủi ro trong quá trình vận chuyển khiến cho tài sản vận chuyển bị hư hỏng, mất mát. Khi xảy ra thiệt hại đối với tài sản trong quá trình vận tải, thông thường bên vận chuyển phải chịu trách nhiệm bồi thường, nhưng đối với trường hợp bên vận chuyển đã mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự thì doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường theo quy định. Bên vận chuyển chi phải bồi thường thêm vào phần còn thiếu mà số tiền bảo hiểm không đủ khắc phục thiệt hại xảy ra.
-Năm là, bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển trong trường hợp để tài sản bị mất mát, hư hỏng tài sản trong quá trình vận chuyển, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác. Như trong trường hợp bên vận chuyển đã mua bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả tiền bảo hiểm cho thiệt hại xảy ra với bên thuê vận chuyển.
Dựa trên cơ sở quy định chung của pháp luật các bên có thể thỏa thuận về việc bổ sung nghĩa vụ cho bên vận chuyển. Những quy định này là cơ sở để giải quyết tranh chấp giữa các bên.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hỏi đáp Luật Dân sự
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh