2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Trong hợp đồng vận chuyển tài sản, bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyên chở tài sản theo yêu cầu của bên thuê vận chuyển. Để thực hiện tốt nghĩa vụ đó, đồng thời bảo vệ lợi ích của mình pháp luật đã trao cho bên vận chuyển các quyền nhất định. Cụ thể, Điều 535 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của bên vận chuyển trong hợp đồng vận chuyển tài sản như sau:
“Điều 535. Quyền của bên vận chuyển
1. Kiểm tra sự xác thực của tài sản, của vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác.
2. Từ chối vận chuyển tài sản không đúng với loại tài sản đã thỏa thuận trong hợp đồng.
3. Yêu cầu bên thuê vận chuyển thanh toán đủ cước phí vận chuyển đúng thời hạn.
4. Từ chối vận chuyển tài sản cấm giao dịch, tài sản có tính chất nguy hiểm, độc hại, nếu bên vận chuyển biết hoặc phải biết”
Bên vận chuyển là cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ vận chuyển tài sản, trong hợp đồng vận chuyển tài sản họ tham gia với tư cách là bên thực hiện công việc chuyên chở tài sản theo yêu cầu của bên thuê vận chuyển. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng vận chuyển tạo thành nội dung của hợp đồng. Theo đó, quyền của bên vận chuyển phát sinh trên cơ sở hợp đồng đã ký kết. Bên vận chuyển tham gia giao kết hợp đồng cũng nhằm mục đích thu lợi nhuận, do đó, bên vận chuyển cần được bảo vệ lợi ích của mình. Đồng thời, quá trình chuyên chở hàng hóa không chỉ đơn giản là di dời hàng hóa từ địa điểm này đến địa điểm kia, mà nó là sự kết hợp của nhiều hoạt động khác nhau trong đó có cả hoạt động của bên thuê vận chuyển. Vì vậy, để đồng thời bảo vệ lợi ích của mình và có đầy đủ điều kiện để thực hiện tốt công việc vận tải, pháp luật đã ghi nhận các quyền cơ bản của bên vận chuyển. Cụ thể:
-Một là, quyền kiểm tra sự xác thực của tài sản, của vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác. Quyền này gắn với nghĩa vụ đảm bảo vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn của bên vận chuyển. Tức nó được ghi nhận dựa trên cơ sở công việc vận chuyển được bên vận chuyển thực hiện, nên cần làm rõ các vấn đề sau trước khi tiến hành chuyên chở tài sản: đối tượng vận chuyển là tài sản thuộc loại gì, số lượng, khối lượng, chất lượng, chủng loại,...Khi bên thuê vận chuyển giao tài sản thì cần kiểm tra rõ số hàng thực tế nhận được có trùng khớp với nội dung ghi nhận trên vận đơn, chứng từ vận chuyển hay không. Trong nhiều trường hợp, các bên có thỏa thuận về tài sản chuyển giao và nội dung được ghi nhận trong hợp đồng, trên vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển có liên quan, nhưng tài sản mà bên thuê vận chuyển giao trên thực tế lại không giống nhau. Trong trường hợp này nếu bên vận chuyển không kiểm tra lại thì sẽ phải chịu mọi rủi ro xảy ra, bởi bên có quyền nhận tài sản chỉ căn cứ nội dung trên vận đơn, chứng từ vận chuyển mà thôi. Đồng thời việc xác định rõ tài sản chuyển giao để chắc chắn tài sản chuyển giao không phải là tài sản cấm.
-Hai là, quyền từ chối vận chuyển đối với tài sản không đúng với loại tài sản thỏa thuận trong hợp đồng. Việc thực hiện quyền kiểm tra tính xác thực của tài sản là cơ sở để thực hiện quyền này. Trong trường hợp kiểm tra tính xác thực về loại tài sản không đúng với loại tài sản đã thỏa thuận trong hợp đồng, thì bên vận chuyển có quyền từ chối chuyên chở. Tại thời điểm thỏa thuận, xác lập hợp đồng các bên đã có sự thỏa thuận về loại tài sản và bên vận chuyển cũng đã thể hiện ý chí loại bỏ những rủi ro, trở ngại, khó khăn trong quá trình thực hiện nghĩa vụ của mình. Việc thay đổi tài sản là đối tượng của hoạt động chuyên chở đẩy bên vận chuyển rơi vào thế bị động. Điều này có thể gây thiệt hại cho bên thuê vận chuyển , tuy nhiên nó liên quan đến tính công khai, minh bạch khi tham gia vào các giao dịch dân sự. Trường hợp này bên thuê vận chuyển đã vi phạm nghĩa vụ nên dù có thể xảy ra thiệt hại, thì bên vận chuyển vẫn có quyền từ chối thực hiện hợp đồng.
-Ba là, quyền yêu cầu bên thuê vận chuyển thanh toán đầy đủ cước phí vận chuyển đúng thời hạn. Hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển. Như vậy, cước phí vận chuyển chính là khoản tiền mà bên thuê vận chuyển phải trả cho bên vận chuyển. Bên vận chuyển tài sản bản chất là nhà cung ứng dịch vụ nhằm mục đích kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận. Cước phí mà bên thuê vận chuyển phải trả không chỉ là chi phí mà bên vận chuyển phải bỏ ra mà còn là lợi nhuận thu được. Đó là mục đích tham gia giao kết hợp đồng của bên cung ứng dịch vụ vận chuyển. Các bên có thể thỏa thuận về thời điểm thanh toán cước phí vận chuyển, theo đó, khi đến thời hạn đó bên vận chuyển có quyền yêu cầu bên thuê vận chuyển thanh toán. Trường hợp các bên không có thỏa thuận, thì bên vận chuyển có quyền yêu cầu bên thuê vận chuyển thanh toán đầy đủ cước phí khi tài sản đã được đưa lên phương tiện vận chuyển.
-Bốn là, quyền từ chối vận chuyển tài sản cấm giao dịch, tài sản có tính chất nguy hiểm, độc hại. Nếu bên vận chuyển biết hoặc phải biết về việc tài sản chuyên chở là tài sản bị cấm giao dịch như thuốc phiện, thuốc nổ,… tài sản có tính chất nguy hiểm, độc hại thì có quyền từ chối chuyên chở. Việc từ chối là hoàn toàn phù hợp vì nếu thực hiện chuyên chở có thể vi phạm pháp luật hoặc làm ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội. Để loại bỏ trường hợp bên vận chuyển biết nhưng nhưng vẫn cố tính chở rồi chối bỏ trách nhiệm, pháp luật đã quy định trường hợp bên vận chuyển phải biết về việc tài sản chuyên chở là tài sản cấm giao dịch, hay có tính nguy hiểm. Quyền từ chối này phát sinh khi bên thuê vận chuyển giao tài sản không đúng với thỏa thuận, và sau khi thực hiện kiểm tra tính xác thực của tài sản thì bên vận chuyển phát hiện ra. Bởi nếu có thỏa thuận ngay từ đầu, thì bên vận chuyển phải trả lời ngay là không chuyên chở, như vậy sẽ không làm phát sinh hợp đồng vận chuyển.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hỏi đáp Luật Dân sự
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh