Bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:44 (GMT+7)

Cá nhân, pháp nhân xâm phạm đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại. Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.

1.Căn cứ pháp lý

Mồ mả là nơi chôn cất thi thể của người đã chết. Bảo vệ mồ mả không chỉ là phong tục, tập quán, tín ngưỡng đã hình thành từ lâu đời của nhân dân ta, mà còn là nội dung được pháp luật ghi nhận và bảo hộ. Vậy nên, khi một chủ thể có hành vi xâm phạm đến mồ mả của người đã chết thì phải chịu trách nhiệm pháp luật. Điều 607 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả gây ra như sau:

Điều 607. Bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả
1. Cá nhân, pháp nhân xâm phạm đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại.
2. Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.
3. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp mồ mả của người khác bị xâm phạm phải bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích theo thứ tự hàng thừa kế của người chết; nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi mồ mả bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”

2.Nội dung

Mồ mả là nơi chôn cất, mai táng thi thể của người đã chết. Có thể thấy mồ mả gắn liền với quyền nhân thân vĩnh viễn của người chết, không thể thay đổi, di chuyển, mà những người thân thiết trong gia đình, dòng họ có quyền và nghĩa vụ liên quan đến mồ mả của người đã chết. Pháp luật quy định không ai có quyền xâm phạm đến mồ mả của người chết, nếu chủ thể nào vi phạm thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cũng như quy định về bồi thường do vi xâm phạm thi thể, việc bồi thường do xâm phạm mồ mả là quy định đặc biệt so với những quy định về các trường hợp bồi thường thiệt hại khác, bởi đối tượng bị thiệt hại không phải là người sống mà là người đã chết, cụ thể đó là quyền nhân thân của người chết gắn liền với mồ mả. Căn cứ vào quy định trên, quy định về bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả bao gồm các nội dung sau:
-Một là, chủ thể phải bồi thường thiệt hại. Theo quy định trên, chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại là cá nhân, pháp nhân có hành vi xâm phạm mồ mả của người khác. Chủ thể được xác định là xâm phạm mồ mả khi có các hành vi như sau: đào, phá mồ mả; chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ; xâm phạm đến thi thể, hài cốt đã chôn cất…Cá nhân, pháp nhân đáp ứng các điều kiện về năng lực chịu trách nhiệm dân sự, khi có hành vi xâm phạm đến mồ mả của người chết thì phải chịu trách nhiệm bồi thường về hành vi đó. Riêng đối với pháp nhân, việc xâm phạm thi thể được thực hiện thông qua hành vi của con người, mà người đó thực hiện nhiệm vụ dưới sự chỉ đạo của pháp nhân, phục vụ cho lợi ích của pháp nhân đó. 
-Hai là, xác định thiệt hại. Thiệt hại do xâm phạm mồ mả được xác định theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, xác định mức thiệt hại và mức bồi thường mà chủ thể vi phạm phải bồi thường. Cụ thể, thiệt hại do xâm phạm mồ mả bao gồm:
(1) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại. Các khoản chi phí này bao gồm những chi phí thực tế mà gia đình người bị thiệt hại đã bỏ ra để khắc phục, hạn chế thiệt hại như các chi phí cho việc tìm kiếm thi thể, hài cốt, đồ vật đã bị chiếm đoạt; chi phí mua nguyên vật liệu xây dựng, sửa sang lại mồ mả; …Đây là những thiệt hại về tài sản, có thể xác định cụ thể. Dân tộc ta là một một dân tộc đa tín ngưỡng, phong tục, tập quán. Mỗi địa phương có thể có những cách thức xây dựng mồ mả riêng hay phương thức an táng, cất giữ hài cốt khác nhau, vì vậy chi phí cũng khác nhau. Cho nên, việc xác định thiệt hại cũng phải dựa trên tập quán của từng nơi.
(2) Ngoài thiệt hại về vật chất, khi chủ thể có hành vi xâm phạm mồ mả còn gây ra thiệt hại về tinh thần cho người thân thiết của người bị hại. Nhân dân ta rất coi trọng việc việc bảo vệ mồ mả của người đã chết, nó không chỉ thể hiện tình yêu thương, sự tôn trọng với người đã khuất mà còn liên quan đến yếu tố tâm linh. Việc mồ mả bị xâm phạm không chỉ làm cho những người thân thích với người đã chết đau lòng, mà còn gây hoang mang, lo sợ, tổn hại nặng nề đến tinh thần. Vì vậy, chủ thể vi phạm còn phải chịu trách nhiệm bồi thường một khoản tiền nhằm bù đắp thiệt hại về tinh thần của những người thân thiết với người bị thiệt hại. Theo đó, người được hưởng bồi thường là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: cha mẹ, con cái, vợ chồng của người đã chết. Trong trường hợp không có những người này, thì người được hưởng khoản tiền tốn thất tinh thần là người trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại. Thiệt hại về tinh thần mang tính trừu tượng, vậy nên rất khó để xác định mức tổn thất về tinh thần. Vì vậy, để xác định mức thiệt hại về tinh thần và mức bồi thường tương ứng pháp luật quy định các bên có thể tự thỏa thuận. Nếu các bên không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi thi thể bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. 

 Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hỏi đáp Luật Dân sự

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư