Bồi thường thiệt hại trong thời hạn bảo hành trong hợp đồng mua bán tài sản?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:17 (GMT+7)

Ngoài việc yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo hành, bên mua có quyền yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại do khuyết tật về kỹ thuật của vật gây ra

1.Căn cứ pháp lý

Bồi thường thiệt hại là trách nhiệm tồn tại song song với nghĩa vụ bảo hành của bên bán, khi tài sản bán ra có khuyết tật, hư hỏng gây thiệt hại cho bên mua. Điều 449 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại trong thời hạn bảo hành như sau:

Điều 449. Bồi thường thiệt hại trong thời hạn bảo hành
1. Ngoài việc yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo hành, bên mua có quyền yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại do khuyết tật về kỹ thuật của vật gây ra trong thời hạn bảo hành.
2. Bên bán không phải bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được thiệt hại xảy ra do lỗi của bên mua. Bên bán được giảm mức bồi thường thiệt hại nếu bên mua không áp dụng các biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép nhằm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại”

2.Nội dung

Bảo hành sản phẩm là cam kết của nhà sản xuất hoặc bên bán về việc sửa chữa hoặc thay thế miễn phí trong trường hợp sản phẩm đã mua bị hư hỏng, khuyết tật theo quy định cụ thể về điều kiện bảo hành và được thực hiện trong một quãng thời gian xác định. Bảo hành là nghĩa vụ của bên bán mà pháp luật quy định để bảo vệ lợi ích cho bên mua khi mua phải hàng hóa kém chất lượng, tuy nhiên, chính sách bảo hành phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của bên bán. Thông thường, bên bán đưa ra phương án bảo hành cụ thể, bên mua chỉ có thể chấp nhận hoặc chấp nhận mà không có quyền thỏa thuận sửa đổi nội dung. 
Bồi thường thiệt hại là một loại trách nhiệm dân sự buộc bên có hành vi vi phạm phải bồi thường cho bên bị vi phạm một khoản tiền nhất định nhằm khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra. Trong hợp đồng mua bán tài sản, các bên có thể thỏa thuận về việc bên bán sẽ bảo hành sản phẩm cho bên mua trong một thời hạn nhất định, nhằm khắc phục những khuyết tật của tài sản. Bảo hành phát sinh sau khi bên bán đã chuyển giao tài sản và quyền sở hữu tài sản cho bên mua. Sau khi đã mua tài sản và sử dụng bên mua mới phát hiện ra khuyết tật của tài sản thì phải yêu cầu bên bán bảo hành. Trong khi sử dụng tài sản, do khuyết tật của tài sản mà bên mua bị thiệt hại thì ngoài việc yêu cầu bên bán bảo hành tài sản bên mua còn có thể yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại cho mình. 

2.1.Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại

Nếu do khuyết tật về kỹ thuật của vật mua bán gây thiệt hại thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán phải bồi thường. Thiệt hại đó có thể xảy ra với bên mua hoặc với một chủ thể khác, nhưng nguyên nhân phải xuất phát từ khuyết tật của tài sản và khuyết tật đó phải phát sinh do lỗi kỹ thuật của tài sản chứ không phải sự tác động của bên mua. Ví dụ: A mua xe oto tại cửa hàng B. Sau khi hoàn tất thủ tục chuyển giao tài sản, A lái xe từ cửa hàng về nhà, trên đường đi A phát hiện phanh chân xe có vấn đề, khi phanh xe bị chệch hướng khiến cho A bị tai nạn, đồng thời đầu xe bị hư hỏng. Như vậy, thiệt hại này được xác định alf lỗi khuyết tật của tài sản khiến cho bên mua bị ảnh hưởng, do đó, bên bán có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng với thiệt hại xảy ra trên thực tế. Thiệt hại xảy ra có thể là tổn thất, mất mát về tài sản hoặc về sức khỏe thậm chí tính mạng của bên bị thiệt hại.

2.2.Trường hợp bên bán không phải bổi thường thiệt hại

Bên bán không phải bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được thiệt hại xảy ra do lỗi của bên mua. Đây cũng chính là nguyên tắc quan trọng trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại bên nào có lỗi thì phải chịu trách nhiệm với thiệt hại xảy ra. Thiệt hại xảy ra, không phải do lỗi khuyết tật của tài sản mà hoàn toàn do lỗi của bên mua. Như ở ví dụ trên, việc A bị tai nạn không phải do phanh xe có vấn đề mà do A chạy xe quá tốc độ, nên không kịp phanh xe gây tai nạn, thì thiệt hại xảy ra lúc này được xác định là do lỗi của A. Quy định này nhằm bảo vệ lợi ích của bên bán, tránh trường hợp bên bán phải chịu trách nhiệm mặc dù không có lỗi. 
Đồng thời, bên mua có trách nhiệm phải áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại xả ra. Nếu bên mua có khả năng áp dụng các biện pháp cần thiết, nhưng lại không làm gì để mặc cho hậu quả xảy ra, thì cũng được xác định là lỗi. Do đó, bên bán sẽ được giảm mức bồi thường thiệt hại. Áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại là trách nhiệm của mỗi chủ thể trong mọi tình huống. Quy định này nhằm bảo vệ lợi ích của bên bán, trong trường hợp bên mua cố tình để thiệt hại xảy ra gây bất lợi cho bên bán. 

 Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hỏi đáp Luật Dân sự

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư