2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Hợp đồng hợp tác là một hợp đồng dân sự nên khi hợp đồng hợp tác chấm dứt cũng phải tuân thủ theo quy định chung về chấm dứt hợp đồng. Dựa trên những quy định chung cùng với đặc tính riêng của hợp đồng hợp tác mà pháp luật đã ghi nhận về việc chấm dứt hợp đồng hợp tác tại Điều 512 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể:
“Điều 512. Chấm dứt hợp đồng hợp tác
1. Hợp đồng hợp tác chấm dứt trong trường hợp sau đây:
a) Theo thỏa thuận của các thành viên hợp tác;
b) Hết thời hạn ghi trong hợp đồng hợp tác;
c) Mục đích hợp tác đã đạt được;
d) Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
đ) Trường hợp khác theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.
2. Khi chấm dứt hợp đồng hợp tác, các khoản nợ phát sinh từ hợp đồng phải được thanh toán; nếu tài sản chung không đủ để trả nợ thì phải lấy tài sản riêng của các thành viên hợp tác để thanh toán theo quy định tại Điều 509 của Bộ luật này.
Trường hợp các khoản nợ đã được thanh toán xong mà tài sản chung vẫn còn thì được chia cho các thành viên hợp tác theo tỷ lệ tương ứng với phần đóng góp của mỗi người, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”
Chấm dứt hợp đồng hợp tác là việc hiệu lực pháp luật của hợp đồng không còn, theo đó, làm chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các thành viên hợp tác. Căn cứ vào quy định chung về chấm dứt hợp đồng dân sự, và những đặc điểm, tính chất của hợp đồng hợp tác mà pháp luật ghi nhận các trường hợp làm chấm dứt hợp đồng như sau:
-Một là, theo thỏa thuận của các thành viên hợp tác. Hợp đồng hợp tác được xây dựng trên cơ sở các chủ thể cùng nhau thực hiện công việc nhất định nhằm thu lại lợi ích. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, các thành viên nhận thấy hợp đồng không đem lại lợi ích như mong muốn hoặc vì những lý do khác nhau mà các thành viên không còn muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng. Lúc này để bảo toàn tài sản chung, cũng như tránh việc xảy ra thiệt hại các thành viên có thể thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng hợp tác. Việc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng hợp tác phải có sự thống nhất của tất cả các thành viên. Pháp luật luôn đề cao việc thỏa thuận tự quyết định của chủ thể. Vì họ là người trực tiếp xác lập, thực hiện hợp đồng, có quyền và lợi ích liên quan đến hợp đồng đó. Vì vậy, họ biết làm thế nào để hạn chế thiệt hại và có lợi nhất cho mình. Quy định của pháp luật chỉ mang tính định hướng, hạn chế hành vi vi phạm gây thiệt hại cho chủ thể khác và xã hội, cộng đồng.
-Hai là, hết thời hạn ghi trong hợp đồng hợp tác. Thời hạn thực hiện hợp đồng là nội dung không thể thiếu khi xác lập, thực hiện hợp đồng. Mỗi hợp đồng được xác lập đề xác định thời hạn thực hiện cụ thể, theo đó, hợp đồng chỉ có hiệu lực pháp luật và ràng buộc quyền, nghĩa vụ các bên trong thời hạn đó. Sau khi thời hạn thực hiện hợp đồng kết thúc thì hợp đồng cũng chấm dứt hiệu lực. Các thành viên hợp tác thỏa thuận và ghi nhận thời hạn trong nội dung của hợp đồng. Hợp đồng hợp tác có hiệu lực theo thời hạn mà các bên đã thỏa thuận.
-Ba là, mục đích hợp tác đã đạt được. Mục đích là nguyên nhân dẫn đến việc giao kết hợp đồng. Khi xác lập hợp đồng, các bên đều hướng đến một mục đích nhất định. Nếu mục đích đã đạt được thì hợp đồng không còn cần thiết đối với các thành viên nữa. Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng lúc này không có ý nghĩa gì, thậm chí có thể gây thiệt hại cho các chủ thể. Vì vậy, khi đã đạt được mục đích thì hợp đồng hợp tác chấm dứt.
-Bốn là, theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Nguyên tắc chung khi các chủ thể tham gia vào các giao dịch dân sự là không được xâm phạm đến lợi ích của chủ thể khác, lợi ích của Nhà nước, xã hội. Nguyên tắc này được ghi nhận tại khoản 4 Điều 3 BLDS năm 2015, cụ thể: “Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Như vậy, nếu nhóm hợp tác thực hiện không đúng mục đích xác lập hợp đồng mà xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của cộng đồng thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ quyết định giải thể nhóm hợp tác đó. Khi nhóm hợp tác bị giải thể, các thành viên không thể tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình được nữa, tư cách thành viên hợp tác cũng chấm dứt.
-Năm là, trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Đây là một quy định mở, dự liệu các trường hợp khác làm chấm dứt hợp đồng hợp tác. Hợp đồng hợp tác được xác lập nhằm mục đích thực hiện một công việc hoặc thực hiện việc sản xuất, kinh doanh, cho nên hợp đồng hợp tác có thể chịu sự điều chỉnh của cả nhưng luật khác như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư,…do đó, hợp đồng có thể chấm dứt theo quy định của luật riêng nếu có.
Trong quá trình từ khi xác lập, thực hiện hợp đồng đến khi hợp đồng chấm dứt theo một trong các trường hợp trên, nhóm hợp tác có thể tham gia vào các giao dịch dân sự với các chủ thể khác. Theo đó, nếu làm phát sinh các khoản nợ từ hợp đồng thì nhóm hợp tác có trách nhiệm thanh toán toàn bộ các khoản nợ đó khi chấm dứt hợp đồng hợp tác. Việc chấm dứt hợp đồng không được làm ảnh hưởng đến lợi ích của chủ thể khác. Các khoản nợ được thanh toán bằng tài sản chung của các thành viên. Nếu tài sản chung không đủ thanh toán thì các thành viên phải lấy tài sản riêng của mình để thanh toán. Việc bù thêm tài sản riêng vào phần nợ còn thiếu của mỗi thành viên được xác định theo phần vốn góp của các thành viên. Tức tỷ lệ vốn góp của thành viên nào càng cao thì tỷ lệ tài sản riêng phải bù vào càng cao, ngược lại thành viên có tỷ lệ vốn góp ít hơn thì số lượng tài sản riêng phải bù vào cũng ít hơn.
Sau khi thanh toán đầy đủ các khoản nợ mà tài sản chung vẫn còn thì được chia đều cho các thành viên theo tỷ lệ tương ứng với phần đóng góp của mỗi người. Tài sản được chia từ tài sản chung tỷ lệ thuận với tỷ lệ phần đóng góp của thành viên. Điều này là hoàn toàn hợp lý, bởi trước đây phần đóng góp của họ nhiều hơn thì khi chia tài sản chung đương nhiên họ sẽ được phần hơn, so với thành viên có đóng góp ít. Bên cạnh đó, trong trường hợp trên, khi tài sản chung không đủ thanh toán các khoản nợ, thành viên có đóng góp nhiều cũng phải chịu nhiều rủi ro hơn.
Chấm dứt hợp đồng hợp tác là căn cứ chấm dứt hoạt động hợp tác giữa các thành viên hợp tác.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hỏi đáp Luật Dân sự
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh