Đăng ký chuyển giao công nghệ như nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:10 (GMT+7)

Bài viết trình bày về các trường hợp phải đăng ký và hồ sơ, trình tự thủ tục đăng ký chuyển giao công nghệ

1. Các trường hợp phải đăng ký chuyển giao công nghệ

Theo Khoản 1 Điều 31 Luật chuyển giao công nghệ số 07/2017/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2017 quy định các hợp đồng phải đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước về Khoa học và Công nghệ như sau:

“1. Hợp đồng chuyển giao công nghệ và phần chuyển giao công nghệ quy định tại khoản 2 Điều 5 của Luật này thuộc một trong những trường hợp sau đây phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, trừ công nghệ hạn chế chuyển giao đã được cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ:

a) Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam;

b) Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài;

c) Chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước, trừ trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.”

Hợp đồng chuyển giao công nghệ và phần chuyển giao công nghệ thuộc dự án đầu tư, góp vốn bằng công nghệ, nhượng quyền thương mại, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ; mua, bán máy móc, thiết bị đi kèm bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ, phương án quy trình công nghệ giải pháp thông số bản vẽ sơ đồ kỹ thuật, công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu hay giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về khoa học công nghệ khi:

+ Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam;

+ Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài;

+ Chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước, trừ trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ không thuộc trường hợp phải đăng ký quy định trên.

2. Trình tự, thủ tục đăng ký chuyển giao công nghệ

a. Hồ sơ đăng ký chuyển giao công nghệ

Theo Khoản 3 Điều 31 Luật chuyển giao công nghệ số 07/2017/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2017 quy định hồ sơ đăng ký chuyển giao công nghệ bao gồm:

“3. Hồ sơ đăng ký chuyển giao công nghệ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị đăng ký chuyển giao công nghệ, trong đó ghi rõ cam kết trách nhiệm của các bên bảo đảm nội dung hợp đồng tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan;

b) Bản gốc hoặc bản sao có chứng thực văn bản giao kết chuyển giao công nghệ thể hiện nội dung theo quy định tại Điều 23 của Luật này; trường hợp không có văn bản giao kết bằng tiếng Việt thì phải có bản dịch sang tiếng Việt và được công chứng hoặc chứng thực.”

b. Trình tự, thủ tục đăng ký chuyển giao công nghệ

Thẩm quyền giải quyết:

- Bộ Khoa học và Công nghệ

+Chuyển giao công nghệ thông qua thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan trung ương.

+ Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam

+ Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài.

- Sở Khoa học và Công nghệ:

+ Chuyển giao công nghệ của dự án đầu tư trên địa bàn quản lý thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban nhân dân các cấp, Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh;

+ Chuyển giao công nghệ thuộc dự án thuộc diện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không thuộc trường hợp phải có quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

+ Tự nguyện đăng ký chuyển giao công nghệ thông qua thực hiện dự án đầu tư.

+ Chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước

+ Tự nguyện đăng ký chuyển giao công nghệ trong nước

- Bộ Quốc phòng:

+ Chuyển giao công nghệ thuộc trường hợp bí mật nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng.

+ Chuyển giao công nghệ thuộc trường hợp mua sắm tài sản từ nguồn ngân sách đặc biệt cho quốc phòng.

Thời hạn giải quyết:

Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ký văn bản giao kết chuyển giao công nghệ, bên có nghĩa vụ thực hiện việc đăng ký chuyển giao công nghệ gửi 01 bộ hồ sơ đến cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ có thẩm quyền xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền có văn bản đề nghị bên đăng ký chuyển giao công nghệ bổ sung;

+ Trường hợp hồ sơ có nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền có văn bản đề nghị bên đăng ký chuyển giao công nghệ sửa đổi, bổ sung;

+ Trường hợp từ chối, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ trong trường hợp sau đây:

+ Hợp đồng chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao;

+ Hợp đồng không có đối tượng công nghệ, nội dung chuyển giao công nghệ;

+ Nội dung hợp đồng trái với quy định của Luật chuyển giao công nghệ.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về công nghệ và chuyển giao công nghệ.

Luật Hoàng Anh

 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư