Đặt cọc là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:05 (GMT+7)

Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền, kim khí quý, đá quý, vật có giá trị trong một thời hạn để bảo đảm giao kết, thực hiện hợp đồng.

Trước khi giao kết hợp đồng, các bên đã thỏa thuận, đàm phán về nội dung cơ bản của hợp đồng để chuẩn bị cho việc giao kết. Tuy nhiên, vì nguyên nhân chủ quan, hoặc khách quan mà một bên không thực hiện giao kết hợp đồng như đã thỏa thuận. Hoặc một bên vì lý do nào đó mà vi phạm nghĩa vụ gây thiệt hại cho bên kia. Do đó, biện pháp bảo đảm “đặt cọc” ra đời, với mục đích đảm bảo cho việc giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về đặt cọc như sau:

Điều 328. Đặt cọc
1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

1.Khái niệm

Từ xa xưa, tùy vào giá trị của từng giao dịch dân sự mà các chủ thể đặt trước một khoản tiền để làm tin với nhau. Dần dần, với sự phát triển của xã hội và giao lưu dân sự, đã làm cho biện pháp này không chỉ dừng lại ở việc đặt tiền. Người ta, đã dùng các loại tài sản khác có giá trị để đảm bảo thực hiện hợp đồng. Căn cứ vào quy định trên, có thể thấy tài sản đặt cọc khá đa dạng và phong phú, cụ thể: tiền, kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác. Như vậy, đặt cọc là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, một bên giao cho bên kia một tài sản trong một thời hạn nhất định nhằm xác nhận các bên đã thống nhất sẽ giao kết một hợp đồng hoặc đã giao kết một hợp đồng và buộc các bên phải thực hiện đúng nội dung đã cam kết[1]. Ví dụ: A thỏa thuận thuê nhà của B bắt đầu từ tháng tới. Để chắc chắn rằng A sẽ thuê nhà của B, A phải đặt cọc trước cho B nửa tháng tiền nhà.
Trong quan hệ đặt cọc, tùy theo thỏa thuận mà bên này hoặc bên kia là người đặt cọc. Bên đặt cọc là bên  dùng tiền, hoặc vật có giá trị giao cho bên kia giữ để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện đúng hợp đồng. Ngược lại, bên nhận tiền hoặc tài sản là bên nhận đặt cọc. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà mục đích của việc đặt cọc là để đảm bảo giao kết hợp đồng hay đảm bảo thực hiện hợp đồng, hoặc có thể là cả hai lý do trên.

2.Nội dung

Khi các bên xác lập quan hệ đặt cọc, thì sẽ xảy ra 04 trường hợp: bên đặt cọc thực hiện đúng mục đích đặt cọc, hoặc bên đặt cọc không thực hiện mục đích đặt cọc đã thỏa thuận, và bên nhận đặt cọc từ chối thực hiện, giao kết hợp đồng. Mỗi trường hợp dẫn đến những hệ quả khác nhau, cụ thể:
-Một là, bên đặt cọc đã thực hiện đúng mục đích đặt cọc. Bên đặt cọc đã giao kết hợp đồng hoặc đã thực hiện đúng hợp đồng. Lúc này, biện pháp đặt đọc xem như đã hoàn thành, và bên nhận đặt cọc có nghĩa vụ trả lại tài sản đặt cọc cho bên đặt cọc. Nếu trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm mà bên đặt cọc là bên có nghĩa vụ trả tiền, thì tài sản đặt cọc không cần trả lại mà được coi như khoản tiền thanh toán trước. Như ví dụ ở trên, vì A là bên có nghĩa vụ trả tiền thuê nhà hàng tháng cho B, nên số tiền mà A đã đặt cọc sẽ được trừ vào tiền thuê nhà. 
-Hai là, bên đặt cọc từ chối thực hiện mục đích đặt cọc. Đặt cọc là để đảm bảo cho việc giao kết, thực hiện hợp đồng, vì vậy nếu bên đặt cọc lại từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc. 
-Ba là, bên nhận đặt cọc từ chối thực hiện việc giao kết, thực hiện hợp đồng. Bên nhận đặt cọc có thể vì lý do nào đó mà từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng, thì phải trả lại tài sản đặt cọc cho bên đặt cọc và một khoản tiền tương đương với giá trị tài sản đặt cọc (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác).
Như vậy, xử lý tài sản đặt cọc chỉ áp dụng nếu có một trong hai bên không thực hiện các điều khoản đã cam kết hoặc không thực hiện hợp đồng. Tức là, nếu có một bên thực hiện không đúng hoặc không thực hiện đầy đủ hợp đồng thì tài sản đặt cọc không đương nhiên thuộc về bên bị vi phạm. Tài sản đó có thể được dùng để thanh toán nghĩa vụ còn lại do thực hiện không đúng, không đầy đủ hợp đồng và còn phụ thuộc vào sự thỏa thuận khác của các bên.

 Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hỏi đáp Luật Dân sự

Luật Hoàng Anh

[1]Đại học luật Hà Nội,(2017), “Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam tập II”,Nxb.Công an nhân dân

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư