Đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt trong trường hợp nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:12 (GMT+7)

Việc chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng chỉ xảy ra trong những trường hợp nhất định được pháp luật quy định

Cũng như hợp đồng, một lời đề nghị giao kết hợp đồng không thể tồn tại mãi mãi. Nó cũng có thể chấm dứt trong những trường hợp nhất định. Việc chấm dứt đề nghị là một điều tất yếu để giải phóng bên đề nghị khỏi sự ràng buộc của đề nghị và trách nhiệm do không thực hiện đề nghị gây ra. Cũng như hầu hết các quan hệ dân sự khác, việc chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng chỉ xảy ra trong những trường hợp nhất định được pháp luật quy định. Điều 391 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về các trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng được chấm dứt như sau:

Điều 391. Chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng
Đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt trong trường hợp sau đây:
1. Bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng;
2. Bên được đề nghị trả lời không chấp nhận;
3. Hết thời hạn trả lời chấp nhận;
4. Khi thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có hiệu lực;
5. Khi thông báo về việc hủy bỏ đề nghị có hiệu lực;
6. Theo thỏa thuận của bên đề nghị và bên được đề nghị trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời”

1.Quy định chung

-Khoản 1 Điều 386 BLDS năm 2015 quy định: “Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng (sau đây gọi chung là bên được đề nghị)”. Để nghị giao kết hợp đồng là giai đoạn đầu tiên của trình tự giao kết hợp đồng. Khi một người muốn thiết lập một hợp đồng thì phải thể hiện ý chí đó ra bên ngoài bằng một hàng vi cụ thể, để bên kia nhận biết được. Do đó, có thể hiểu đơn giản đề nghị giao kết hợp đồng là sự thể hiện ý chí của một người trước một người khác về mong muốn thiết lập một hợp đồng dân sự với người đó.
-Chấm dứt là hậu quả pháp lý khi xảy ra các trường hợp, hoặc các điều kiện pháp luật quy định làm chấm dứt một quan hệ dân sự.Theo đó, chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng làm cho lời đề nghị đó không còn hiệu lực pháp luật, vô hiệu hóa trách nhiệm của các bên và sự ràng buộc của bên đề nghị với đề nghị của mình. 

2.Nội dung

Để tạo điều kiện cho bên đề nghị được giao kết hợp đồng với chủ thể khác mà vẫn bảo vệ được quyền lợi cho bên được đề nghị, Điều 391 BLDS năm 2015 đã quy định đề nghị giao kết hợp đồng được chấm dứt trong 06 trường hợp sau đây:
-Thứ nhất: Bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng. Khi gửi đề nghị tới một chủ thể khác, bên đề nghị thể hiện mong muốn được giao kết một hợp đồng với họ. Sau khi xem xét đề nghị, bên được đề nghị có thể đưa ra câu trả lời là có hoặc không. Trong trường hợp bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng, thì hợp đồng có thể được hình thành. Lúc này, giữa bên đề nghị và bên được đề nghị hình thành quan hệ mới và bị ràng buộc bởi nội dung hợp đồng được ký kết. Do đó, sự tồn tại của đề nghị không còn ý nghĩa nữa. 
-Thứ hai: Bên được đề nghị trả lời không chấp nhận. Hợp đồng được hình thành dựa trên thiện chí của các bên, nếu bên được đề nghị không mong muốn giao kết hợp đồng với bên đề nghị thì có thể trả lời từ chối. Đề nghị giao kết hợp đồng thể hiện mong muốn ký kết hợp đồng của bên đề nghị, nếu bên được đề nghị đã từ chối thì việc duy trì hiệu lực của đề nghị là không cần thiết. 
-Thứ ba: Hết thời hạn trả lời chấp nhận. Thông thường, bên đề nghị sẽ ấn định thời hạn trả lời chấp nhận, mà sau khi quãng thời gian đó kết thúc mà bên được đề nghị không trả lời thì được xem như là không chấp nhận giao kết và đề nghị chấm dứt hiệu lực. Khoản 2 Điều 393 BLDS năm 2015 quy định: “Sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên”. Do đó, khi không có thỏa thuận khác thì sự im lặng của bên được đề nghị khi thời hạn trả lời chấp nhận kết thúc được xem là căn cứ làm chấm dứt hiệu lực của đề nghị, mà không làm phát sinh hợp đồng. Tuy nhiên, trong trường hợp bên đề nghị không ấn định thời hạn trả lời thì thời hạn trả lời đề nghị được xác định là một quãng thời gian hợp lý. Việc xác định thời hạn trả lời chấp nhận có vai trò quan trọng. Nếu hết thời hạn trả lời chấp nhận mà bên được đề nghị mới chấp nhận giao kết hợp đồng, thì đó được coi là lời đề nghị mới, và việc có chấp nhận giao kết hay không lại phụ thuộc vào bên đưa ra lời đề nghị.
-Thứ tư: Khi thông báo về việc thay đổi, rút lại đề nghị có hiệu lực. Đối với việc thay đổi nội dung đề nghị, thì nội dung cũ của đề nghị đó chấm dứt hiệu lực, đồng thời làm phát sinh hiệu lực của nội dung mới được thay thế. Nội dung được thay đổi vẫn có hiệu lực cho đến khi thỏa mãn các điều kiện làm chấm dứt do pháp luật quy định. Nhưng đối với trường hợp rút lại đề nghị được coi là chấm dứt toàn bộ và bên đề nghị không còn bị ràng buộc bởi lời đề nghị đã đưa ra.
-Thứ năm: Khi thông báo về việc hủy bỏ đề nghị có hiệu lực. Cũng như việc rút lại đề nghị, khi việc hủy bỏ đề nghị có hiệu lực thì cũng là thời điểm đề nghị chấm dứt hiệu lực pháp luật. 
-Thứ sáu: Theo thỏa thuận của bên đề nghị và bên được đề nghị trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời. Theo quy định tại Điều 386 BLDS năm 2015 thì bên đề nghị không chỉ bị ràng buộc bởi lời đề nghị với bên được đề nghị, mà còn phát sinh thêm trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời. Theo đó, trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì bên đề nghị không được giao kết hợp đồng với bên khác. Vì vậy, nếu chờ đợi trong thời hạn dài mà kết quả bên được đề nghị lại không chấp nhận giao kết, thì sẽ ảnh hưởng đến việc giao kết hợp đồng của bên đề nghị và người thứ ba. Do đó, để tạo điều kiện chọn bên đề nghị được ký kết hợp đồng với chủ thể khác trong thời hạn trả lời đề nghị, pháp luật cho phép các bên có thể thỏa thuận chấm dứt đề nghị trước thời hạn. Bên cạnh đó xuất phát từ nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận, nên pháp luật tôn trọng ý chí tự do của các bên. 
Trên đây là quy định của pháp luật về các trường hợp làm chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng.

 Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hỏi đáp Luật Dân sự

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư