2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng thể hiện vai trò to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam còn hạn chế mà một trong những nguyên nhân quan trọng là trình độ và năng lực công nghệ của hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay rất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh trong những năm tới. Để có thể tồn tại và phát triển, không có cách nào khác là doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình bằng cách đổi mới công nghệ.
Theo Khoản 15 Điều 2 Luật chuyển giao công nghệ số 07/2017/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2017 quy định khái niệm đổi mới công nghệ như sau:
“15. Đổi mới công nghệ là hoạt động thay thế một phần hoặc toàn bộ công nghệ đang sử dụng bằng một phần hoặc toàn bộ công nghệ khác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.”
Quan điểm chung đều nhấn mạnh yêu cầu đối với một doanh nghiệp được xem là đã đổi mới công nghệ là sản phẩm mới phải được đưa ra thị trường (đổi mới sản phẩm), hoặc một quy trình sản xuất mới được đưa vào ứng dụng trong sản xuất - kinh doanh (đổi mới quy trình). Như vậy, một sản phẩm mới không thương mại hoá được không coi là đổi mới sản phẩm, và những thay đổi về quy trình chưa được áp dụng trong sản xuất thì chưa được tính là đổi mới quy trình.
Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp nhỏ và vừa cho thấy, quan điểm “mới và được cải tiến đáng kể” cần được hiểu là so với chính doanh nghiệp đó, không nhất thiết phải là mới hoặc được cải tiến so với ngành, quốc gia hay thế giới.
Hoạt động đổi mới công nghệ bao gồm hai nội dung cơ bản sau:
Đổi mới sản phẩm: Là việc tạo ra một sản phẩm hoàn toàn mới, hoặc cải tiến các sản phẩm truyền thống của công ty mình. Việc tạo ra một sản phẩm mới rất khó khăn. Thường phải có nguồn chi phí lớn để tạo ra cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động này; có đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật có khả năng triển khai hoạt động…
- Sản phẩm mới về công nghệ là sản phẩm có công dụng, tính năng hoàn toàn mới so với các sản phẩm cùng chủng loại được doanh nghiệp sản xuất trước đó. Sản phẩm mới có thể được tạo ra nhờ ứng dụng các công nghệ hoàn toàn mới, hoặc bằng cách thay đổi cách thức tổ chức, tích hợp các công nghệ hiện có để tạo ra tính năng, công dụng mới của sản phẩm.
Ví dụ: Một doanh nghiệp sản xuất tai nghe nhạc có dây (headphones), nay đưa ra thị trường tai nghe không dây (Bluetooth headphones) thì loại tai nghe không dây này là một sản phẩm mới. Sản phẩm này dựa trên việc tích hợp các công nghệ sản xuất tai nghe trước đó với công nghệ Bluetooth.
- Sản phẩm được cải tiến về công nghệ được hiểu là một sản phẩm vẫn thuộc dòng sản phẩm trước đó, nhưng có tính năng, công dụng mới hơn nhờ có những cải tiến đáng kể về công nghệ. Những đổi mới này có thể được tạo ra nhờ việc sử dụng loại nguyên vật liệu thích hợp hơn (chi phí thấp hơn hoặc tiết kiệm năng lượng, bền hơn…), hoặc dựa trên việc đổi mới một số bộ phận/linh kiện của sản phẩm đó.
Ví dụ: Một doanh nghiệp sản xuất các loại giấy thơm nay đưa ra thị trường loại giấy thơm tiệt trùng (đã qua xử lý thanh trùng), kết hợp với những cải tiến về kỹ thuật sắp xếp và đóng hộp để thuận tiện cho người sử dụng thì loại sản phẩm mới này được xem là sản phẩm được cải tiến về công nghệ.
Đổi mới quy trình sản xuất: là việc một doanh nghiệp đưa vào ứng dụng quy trình công nghệ sản xuất mới hoặc được cải tiến đáng kể về công nghệ so với quy trình công nghệ sản xuất được doanh nghiệp ứng dụng trước đó.
- Quy trình mới: là cách thức mới để sản xuất ra sản phẩm và thường gắn với hệ thống máy móc - thiết bị mới, dựa trên các nguyên lý công nghệ mới, phương pháp tổ chức sản xuất mới.
Ví dụ: Một doanh nghiệp sản xuất các loại sản phẩm nhựa cao cấp áp dụng quy trình sản xuất khép kín tự động, từ khâu trộn/ phối liệu - tạo hạt nhựa – ép đùn hỗn hợp để sản xuất các loại cửa sổ, cửa ra vào, vách ngăn với độ bền cao, tránh trầy xước, mầu sắc đa dạng, chịu độ ẩm và nhiệt độ cao…
- Quy trình được cải tiến về công nghệ: là việc cải tiến cách thức sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nhưng thường vẫn dựa trên các nguyên lý công nghệ cũ và sản phẩm sản xuất ra vẫn là các sản phẩm truyền thống.
Ví dụ: Một doanh nghiệp chế biến hoa quả đưa vào sử dụng máy đục lõi dứa trong qui trình chế biến dứa khoanh hộp thay cho các hoạt động thủ công bằng tay trước đó có thể coi là một cải tiến quy trình.
Hầu hết DN Việt Nam hiện nay có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính còn hạn chế, cho nên hoạt động đổi mới công nghệ vẫn chưa thật sự diễn ra mạnh mẽ. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ nhằm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trong bối cảnh cạnh tranh và cuộc CMCN 4.0 đang tác động đến phương thức sản xuất của DN. Đây là yêu cầu sống còn của DN trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hiện nay.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về công nghệ và chuyển giao công nghệ
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh