2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Đơn phương chấm dứt hợp đồng trong hợp đồng thuê khoán là hành vi của một trong hai bên. Việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dẫn đến những hậu quả pháp lý nhất định, do đó, khi thực hiện quyền này các chủ thể phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Điều 492 Bộ luật Dân sự quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê khoán tài sản như sau:
“Điều 492. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê khoán
1. Trường hợp một bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thì phải báo cho bên kia biết trước một thời gian hợp lý; nếu thuê khoán theo thời vụ hoặc theo chu kỳ khai thác thì thời hạn báo trước phải phù hợp với thời vụ hoặc chu kỳ khai thác.
2. Trường hợp bên thuê khoán vi phạm nghĩa vụ mà việc khai thác đối tượng thuê khoán là nguồn sống duy nhất của bên thuê khoán và việc tiếp tục thuê khoán không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của bên cho thuê khoán thì bên cho thuê khoán không được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng; bên thuê khoán phải cam kết với bên cho thuê khoán không được tiếp tục vi phạm hợp đồng”
Đơn phương chấm dứt thực hiện đồng thuê khoán là việc một bên không tiếp tục thực hiện hợp đồng, phần nội dung hợp đồng đã thực hiện vẫn có giá trị pháp lý đối với các bên. Quy định của pháp luật về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê khoán bao gồm các nội dung sau:
Căn cứ theo quy định trên thì mỗi bên trong hợp đồng thuê khoán đề có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nhưng phải thông báo cho bên kia biết một khoảng thời gian hợp lý. Tùy vào từng trường hợp nhất định, mà các bên xác định khoảng thời gian hợp lý là bao lâu, nhưng phải đảm bảo có đủ thời gian để bên còn lại sắp xếp và thực hiện các hợp đồng thay thế, giảm thiệt hại khi chấm dứt hợp đồng. Pháp luật quy định trường hợp thuê khoán theo thời vụ hoặc chu kỳ khai thác thì thời hạn báo trước phải phù hợp với thời vụ hoặc chu kỳ khai thác. Đặc biệt với bên thuê khoán, nếu hợp đồng bị đơn phương chấm dứt mà không được thông báo trước thì sẽ bị thiệt hại lớn, vì họ thuê tài sản không đơn giản chỉ là để sử dụng, mà còn đầu tư tiền, công nghệ để khai thác tài sản. Pháp luật cho phép các bên trong hợp đồng thuê khoán được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng vì, hợp đồng thuê khoán thường được thực hiện trong thời hạn dài, trong thời hạn đó có thể xảy ra các sự kiện, tình huống tác động đến việc thực hiện hợp đồng, có thể là bên thuê không đủ chi phí đầu tư, hay việc đầu tư bị thua lỗ,…. Do đó, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng như một biện pháp linh hoạt cho các bên ứng phó với tình hình thực tế.
Hợp đồng thuê khoán được xác lập, thực hiện nhằm mục đích phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nên việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đôi khi sẽ làm ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động này. Do đó, trong một số trường hợp mặc dù bên thuê vi phạm hợp đồng, nhưng pháp luật không cho phép bên cho thuê được đơn phương chấm dứt hợp đồng. Theo đó, khi bên thuê vi phạm hợp đồng nhưng bên cho thuê khoán không được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng khi có đầy đủ các điều kiện sau:
-Một là, khai thác tài sản thuê khoán là nguồn sống duy nhất cho bên thuê khoán. Nguồn sống duy nhất được hiểu là hoạt động khai thác tài sản thuê khoán là nguồn thu nhập duy nhất, để đảm bảo cho đời sống hàng ngày cho bên thuê khoán tài sản. Việc chấm dứt hợp đồng thuê khoán sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của bên thuê khoán, đẩy họ rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
-Hai là, việc tiếp tục thực hiện việc thuê khoán không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của bên cho thuê khoán. Pháp luật cho phép bên cho thuê khoán được đơn phương chấm dứt hợp đồng nhằm bảo vệ lợi ích của họ trong trường hợp, việc cho thuê khoán ảnh hưởng đến lợi ích của họ. Lợi ích của bên cho thuê khoán được hiểu là những lợi ích trong đời sống, sự ổn định của bên cho thuê khoán. Nếu, tài sản thuê khoán là nguồn sống duy nhất của bên thuê, đồng thời việc tiếp tục thuê không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của bên cho thuê thì đơn phương chấm dứt hợp đồng không phát sinh hiệu lực. Tuy nhiên, để bảo vệ lợi ích của bên cho thuê, bên thuê khoán có nghĩa vụ phải chấm dứt ngay hành vi vi phạm của mình và khôi phục lại tài sản bị hư hỏng. Đồng thời bên thuê cũng phải cam kết không được tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hợp đồng, làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của bên cho thuê. Về nguyên tắc, nếu hành vi vi phạm gây thiệt hại cho bên thuê khoán thì chủ thể này có quyền yêu cầu bên thuê khoán phải bồi thường thiệt hại cho mình.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hỏi đáp Luật Dân sự
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh