Giá và phương thức thanh toán trong hợp đồng mua bán tài sản?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:16 (GMT+7)

Giá, phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận hoặc do người thứ ba xác định theo yêu cầu của các bên.

1.Căn cứ pháp lý

Giá cả và phương thức thanh toán là nội dung bắt buộc khi xác lập hợp đồng mua bán hàng hóa. Điều 433 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về giá và phương thức thanh toán trong hợp đồng mua bán tài sản như sau:

Điều 433. Giá và phương thức thanh toán
1. Giá, phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận hoặc do người thứ ba xác định theo yêu cầu của các bên. Trường hợp pháp luật quy định giá, phương thức thanh toán phải theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thỏa thuận của các bên phải phù hợp với quy định đó.
2. Trường hợp không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về giá, phương thức thanh toán thì giá được xác định theo giá thị trường, phương thức thanh toán được xác định theo tập quán tại địa điểm và thời điểm giao kết hợp đồng”.

2.Nội dung

Giá cả là sự biểu hiện giá trị thực tế của vật, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như số lượng, chất lượng, tính năng, tác dụng của vật bán và mức cung cầu của thị trường đối với loại tài sản đó. Theo đó, khi các bên đã thống nhất về việc mua bán hàng hóa thì bên mua có nghĩa vụ phải thanh toán giá cả của hàng hóa đó, bên mua có thể thanh toán bằng tiền mặt, chuyển khoản,…đó gọi là phương thức thanh toán.
Căn cứ vào quy định trên, có thể thấy có hai cách xác định giá cả và phương thức thanh toán, cụ thể:
-Một là, dựa vào thỏa thuận của các bên. Để hướng đến đảm bảo mục đích của các bên trong hợp đồng mua bán, pháp luật quy định giá cả, phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận trực tiếp với nhau. Đây là cách xác định giá thông thường trong hợp đồng mua bán tài sản, bên bán và bên mua thỏa thuận về giá cả của tài sản dựa trên nhu cầu của họ. Sau khi thỏa thuận các bên đi đến một thống nhất chung biểu hiện bằng một số tiền nhất định. Những thỏa thuận của các bên có thể là đưa ra một mức giá cụ thể đối với tài sản mua bán, đưa ra phương pháp xác định giá hoặc áp dụng hệ số trượt giá khi có sự biến động về giá cả trên thị trường,...Việc áp dụng quy định này có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Bên cạnh đó, nó còn là điều kiện để các bên có thể thỏa thuận về những hợp đồng có liên quan đến đối tượng phải thực hiện trong thời gian dài. Đối với một số tài sản mang tính chất đặc thù cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có quy định về giá cả và phương thức thanh toán, thì các bên vẫn có quyền thỏa thuận nhưng phải đảm bảo phù hợp với quy định đó. Thông thường, pháp luật tôn trọng thỏa thuận tự do ý chí của các chủ thể, tuy nhiên, việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ấn định giá cả và phương thức thanh toán đã làm hạn chế quyền tự do của các bên. Nhưng việc quy định như vậy thường áp dụng đối với những mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của người dân, do đó, thông quan việc áp dụng giá cả phương thức thanh toán tài sản mua bán, Nhà nước đang bảo vệ lợi ích của các chủ thể. Ví dụ: UBND cấp có thẩm quyền bán đấu giá quyền sử dụng đất thì giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất không thể dưới khung giá do UBND cấp tỉnh quy định.
-Hai là, do người thứ ba xác định. Các bên có thể thỏa thuận về giá cả, phương thức thanh toán, nhưng đôi khi, thỏa thuận mang tính chất chủ quan, có thể một trong hai bên không hiểu rõ về gái cả tài sản sẽ rất dễ bị bên kia lừa đảo, ép giá nhằm trục lợi cho mình. Trong trường hợp này, để đảm bảo công bằng khách quan, các bên có thể thông qua người thứ ba để xác định giá cả của tài sản mua bán và phương thức thanh toán. Bên thứ ba định giá có thể là cơ quan thẩm định giá, xác định giá tài sản.
Trường hợp không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về giá thì giá được xác định theo giá thị trường của tài sản cùng loại tại thời điểm giao kết hợp đồng. Pháp luật cũng cho phép các bên được thỏa thuận về phương thức thanh toán là một lần hay nhiều lần, thanh toán tiền mặt hoặc hiện vật, nhưng nếu các bên không có thỏa thuận thì phương thức thanh toán được xác định theo tập quán tại địa điểm và thời điểm giao kết hợp đồng. Quy định này nhằm đảm bảo tính khách quan trong việc xác định giá, phương thức thanh toán, bảo vệ lợi ích của các bên. 

 Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hỏi đáp Luật Dân sự

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư