Hành khách có quyền gì trong hợp đồng vận chuyển?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:23 (GMT+7)

Hành khách là chủ thể có nhu cầu di chuyển và tham giao vào hợp đồng vận chuyển hành khách do bên vận chuyển cung cấp

1.Căn cứ pháp lý

Hành khách là chủ thể có nhu cầu di chuyển và tham giao vào hợp đồng vận chuyển hành khách do bên vận chuyển cung cấp. Lợi ích của hành khách xuất phát trực tiếp từ quá trình chuyên chở do bên vận chuyển tiến hành, do đó, họ được pháp luật trao cho những quyền hợp pháp để bảo vệ lợi ích của mình. Điều 527 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của hành khách như sau:

Điều 527. Quyền của hành khách
1. Yêu cầu được chuyên chở đúng bằng phương tiện vận chuyển và giá trị theo cước phí vận chuyển với lộ trình đã thỏa thuận.
2. Được miễn cước phí vận chuyển đối với hành lý ký gửi và hành lý xách tay trong hạn mức theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Yêu cầu thanh toán chi phí phát sinh hoặc bồi thường thiệt hại, nếu bên vận chuyển có lỗi trong việc không chuyên chở đúng thời hạn, địa điểm đã thỏa thuận.
4. Nhận lại toàn bộ hoặc một phần cước phí vận chuyển trong trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 525 của Bộ luật này và trường hợp khác do pháp luật quy định hoặc theo thỏa thuận.
5. Nhận hành lý tại địa điểm đã thỏa thuận theo đúng thời gian, lộ trình.
6. Yêu cầu tạm dừng hành trình trong thời hạn và theo thủ tục do pháp luật quy định”

2.Nội dung

Sự phát triển của nền kinh tế thị đã làm cho nhu cầu giao lưu, đi lại của người dân tăng lên. Phạm vi di chuyển không chỉ bó hẹp trong nước mà còn mở rộng ra nước ngoài. Để đáp ứng nhu cầu đó các tổ chức, cá nhân đã thành lập và phát triển kinh doanh dịch vụ vận chuyển hành khách trong và ngoài nước. Sự phát triển đó đã đặt ra vấn đề phải quản lý chặt chẽ, nâng cao hơn nữa lợi ích của các hành khách tham gia vận chuyển. Các hãng cung cấp phương tiện vận chuyển đã dựa trên cơ sở quy định chung của pháp luật để đưa ra nhiều ưu sách, quyền lợi cho hành khách khi lựa chọn dịch vụ của mình nhằm nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường. Theo đó, quyền lợi cơ bản của hành khách theo quy định của pháp luật bao  gồm:
-Một là, quyền yêu cầu được chuyên chở đúng phương tiện vận chuyển và giá trị theo phí vận chuyển với lộ trình thỏa thuận. Phương tiện vận chuyển, cước phí vận chuyển, lộ trình là những nội dung mà các bên đã có thỏa thuận khi xác lập hợp đồng vận chuyển hành khách. Theo đó, bên vận chuyển phải thực hiện đúng nghĩa vụ đã thỏa thuận. 
(1) Chuyên chở đúng phương tiện. Phương tiện là vật mà bên vận chuyển cung cấp dùng để chuyên chở hành khách. Phương tiện vận chuyển rất đa dạng, có thể là xe máy, oto, máy bay, tàu biển, tàu hỏa,…Phương tiện vận chuyển ảnh hưởng đến vận tốc di chuyển, tuyến đường di chuyển, giá tiền,…Do đó, khi các bên đã có thỏa thuận về phương tiện vận chuyển thì bên vận chuyển phải cung ứng đúng phương tiện đó.
(2) Giá trị cước phí được các bên thỏa thuận từ trước hoặc do bên vận chuyển ấn định và khách hàng có thể đồng ý với mức giá đó hoặc không. Giá trị của cước phí vận chuyển phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: lộ trình dài hay ngắn, phương tiện vận chuyển là gì, trang thiết bị của phương tiện vận chuyển đó,….Trong cùng một điểm xuất phát và điểm đến, cước phí vận chuyển bằng xe máy sẽ rẻ hơn so với oto, hoặc cũng cùng một đoạn đường, cùng di chuyển bằng máy bay nhưng cước phí của máy bay hãng có uy tín, chất lượng cao sẽ đắt hơn. Chính vì vậy mà giá của cước phí di chuyển phải phù hợp với phương tiện vận chuyển và phải đúng như thỏa thuận ban đầu.
(3) Chuyên chở đúng lộ trình. Lộ trình vận chuyển là quãng đường đường vận chuyển được vận chuyển tính từ địa điểm xuất phát đến địa điểm kết thúc công việc vận chuyển. Lộ trình vận chuyển có thể cho bên vận chuyển ấn định và hành khách có thể chấp nhận hoặc không, hoặc ngược lại. Thông thường, đối với các phương tiện vận chuyển như máy bay, tàu hỏa,…thì lộ trình do bên vận chuyển ấn định và phải phù hợp với quy định của pháp luật. Lộ trình do bên vận chuyển ấn định được công bố công khai để mọi khách hàng đều có thể biết và lựa chọn lộ trình phù hợp với nhu cầu của mình. Trong trường này, hành khách có sự lựa chọn nên có thể hiểu đó chính là sự thống nhất ý chí của các bên trong việc thỏa thuận lộ trình di chuyển, vì vậy, hành khách có quyền yêu cầu bên vận chuyển di chuyển theo đúng lộ trình đã thông báo. Còn các phương tiện như oto, xe máy,…thì ngược lại lộ trình vận chuyển do hành khách yêu cầu, trường hợp này bên vận chuyển chỉ cần di chuyển theo đúng yêu cầu của khách hàng. 
-Hai là, quyền được miễn phí cước đối với hành lý ký gửi và hành lý xách tay theo hạn mức đã thỏa thuận hoặc pháp luật quy định. Khách hàng tham gia quá trình vận chuyển có thể kèm theo hành lý đặc biệt trong quá trình di chuyển đường dài. Tùy vào phương tiện vận chuyển mà pháp luật quy định hoặc bên vận chuyển ấn định khối lượng hành lý tối đa mà hành khách được đem theo. Theo đó, hành khách có quyền được miễn cước phí đối với hành lý đem theo nhưng chỉ trong hạn mức theo thỏa thuận hoặc pháp luật quy định. Còn lại nếu hành lý đem theo vượt quá hạn mức đó thì chủ thể buộc phải trả cước phí đối với phần vượt quá. Quyền này tương ứng với nghĩa vụ vận chuyển, trả lại hành lý cho hành khách của bên vận chuyển quy định tại khoản 4 Điều 524 BLDS năm 2015 , và quyền thu cước phí vận chuyển hành lý vượt quá mức quy định của bên vận chuyển quy định tại khoản 1 Điều 525 BLDS năm 2015. Thực chất quy định này nhằm hạn chế việc hành khách mang theo quá nhiều hành lý khi di chuyển khiến cho phương tiện vận chuyển vượt quá trọng tải. Mỗi phương tiện cụ thể đều có trọng lượng vận tải riêng, nếu vượt quá trọng lượng đó sẽ khiến cho việc di chuyển không an toàn, dễ gặp rủi ro gây thiệt hại về người và tài sản.
-Ba là, quyền yêu cầu thanh toán chi phí phát sinh hoặc bồi thường thiệt hại, nếu bên vận chuyển có lỗi trong việc chuyên chở không đúng thời hạn, địa điểm đã thỏa thuận. Việc bên vận chuyển thực hiện công việc vận chuyển sai thời gian, địa điểm đã thỏa thuận được xem hành vi vi phạm nghĩa vụ, do đó họ phải chịu trách nhiệm dân sự về hành vi vi phạm của mình. Theo đó, trách nhiệm của bên vận chuyển là phải bồi thường thiệt hại hoặc chi phí phát sinh cho hành khách. 
-Bốn là, quyền nhận lại một phần hoặc toàn bộ cước phí vận chuyển trong trường hợp bên vận chuyển từ chối chuyên chở với lý do tình trạng sức khỏe của hành khách không đáp ứng điều kiện để di chuyển, và để ngăn chặn dịch bệnh. Quyền này của hành khách chỉ phát sinh khi họ đã thanh toán cước phí vận chuyển trước khi bên vận chuyển hoàn thành nghĩa vụ. Việc thanh toán trước trong trường hợp này thường được thực hiện thông qua việc mua vé, hành khách phải mua vé trước để làm bằng chứng cho hợp đồng vận tải đã được giao kết giữa hành khách và bên cung cấp dịch vụ vận chuyển. Theo đó, trong hai trường hợp trên không được xem là hành vi có lỗi của bất kỳ bên nào, việc không thực hiện hợp đồng nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho tính mạng, sức khỏe của con người cho nên các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. 
-Năm là, quyền nhận lại hành lý tại địa điểm đã thỏa thuận. Quyền này tương ứng với nghĩa vụ vận chuyển, bảo quản và trả lại hành lý khi đến nơi của bên vận chuyển. Nghĩa vụ trả lại hành lý cũng như quyền nhận lại hành lý phát sinh đối với hành lý ký gửi. Địa điểm mà các bên thỏa thuận nhận lại hành lý có thể là địa điểm đến hoặc một địa điểm bất kỳ phù hợp với lợi ích, điều kiện của cả hai bên. Tuy nhiên, thông thường hành lý được trả lại cho hành khách tại địa điểm đến.
-Sáu là, quyền yêu cầu tạm dừng hành trình trong thời hạn và theo thủ tục do pháp luật quy định. Trong một số trường hợp cụ thể, hành khách có quyền tạm dừng hành trình trong một khoảng thời gian và tuân thủ theo quy định của pháp luật. Điều này có thể hiểu chỉ trong trường hợp pháp luật cho phép thì hành khách mới có quyền yêu cầu tạm dừng hành trình. Tuy nhiên, trên thực tế các bên có thể thỏa thuận với nhau về việc tạm dừng hành trình.
Trên đây là các quy định chung của pháp luật về quyền cơ bản của hành khách trong hợp đồng chuyển chở hành khách. Những quy định này mang tính định hướng chung cho các bên trong quá trình thỏa thuận, đàm phán hợp đồng. Dựa trên những quy định này, các hãng cung cấp dịch vụ vận chuyển có thể đưa ra những quy định riêng về quyền lợi của hành khách trong quá trình vận chuyển để nâng cao giá trị thương hiệu của mình.

 Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hỏi đáp Luật Dân sự 

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư