Hủy bỏ hợp đồng?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:15 (GMT+7)

Hủy bỏ hợp đồng là việc các bên trong hợp đồng chấm dứt hiệu lực của hợp đồng, theo đó, quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên trong hợp đồng cũng chấm dứt

1.Căn cứ pháp lý

Hủy bỏ hợp đồng là một trong các quyền của các bên khi  giao kết và thực hiện hợp đồng. Điều 423 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hủy bỏ hợp đồng như sau:

Điều 423. Hủy bỏ hợp đồng
1. Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp sau đây:
a) Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận;
b) Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng;
c) Trường hợp khác do luật quy định.
2. Vi phạm nghiêm trọng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.
3. Bên hủy bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.

2.Nội dung

2.1.Trường hợp một bên được quyền hủy bỏ hợp đồng

-Hủy bỏ hợp đồng là việc các bên trong hợp đồng chấm dứt hiệu lực của hợp đồng, theo đó, quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên trong  hợp đồng cũng chấm dứt. Khi một bên vô cơ hủy bỏ hợp đồng với bên kia thì phải chịu trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, pháp luật loại trừ trong 03 trường hợp một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại, cụ thể:

Trường hợp 1: Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận. Khi thỏa thuận nội dung của hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận xác lập điều khoản quy định nếu một bên vi phạm điều kiện hủy bỏ hợp đồng, thì bên còn lại được tự ý hủy bỏ hợp đồng mà không phải chịu bất kỳ trách nhiệm dân sự nào. Hành vi vi phạm hợp đồng của một bên có thể là một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ, nghiêm trọng hoặc không nghiêm trọng, tuy nhiên hành vi đó lại vi phạm điều kiện hủy bỏ hợp đồng mà các bên đã thỏa thuận thì hợp đồng sẽ bị hủy bỏ. Do đó, nếu các bên không thỏa thuận về điều kiện hủy bỏ hợp đồng thì các bên không được tự ý thực hiện quyền hủy bỏ hợp đồng của mình. 
Trường hợp 2: Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng. Các bên có thể không thỏa thuận về điều kiện hủy bỏ hợp đồng, hoặc có thoả thuận nhưng hành vi vi phạm của một bên không vi phạm điều kiện hủy bỏ hợp đồng, nhưng hợp đồng vẫn được hủy bỏ hành vi vi phạm đó được xác định là gây nên hậu quả nghiêm trọng. Quy định này dựa trên cơ sở xác định mức độ vi phạm của bên vi phạm. Theo đó, tùy thuộc vào tính chất, giá trị của từng hợp đồng trên thực tế mới có thể xác định được mức độ vi phạm đó có bị xem là nghiêm trọng hay không. Cơ sở chung để định mức vi phạm là, việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. Khi giao kết hợp đồng các bên đều có những mục đích, mong muốn cần đạt được, đó có thể là lợi ích vật chất, tinh thần, lợi ích cho mình hoặc cho người thứ ba,…Tuy nhiên, chỉ vì hành vi vi phạm của bên kia mà họ không thể đạt được mục đích mong muốn, như vậy việc giao kết hợp đồng của họ trở nên vô nghĩa. Chính vì vậy, họ có quyền được hủy bỏ hợp đồng để ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra thêm khi họ tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Trường hợp 3: Trường hợp khác do luật quy định. Hợp đồng dân sự mang tính chất đa dạng, phong phú, chính vì vậy mà BLDS không thể lường trước hết được các trường hợp có thể xảy ra. Đồng thời, hợp đồng không chỉ chịu sự điều chỉnh của BLDS mà còn chịu sự điều chỉnh của luật khác có liên quan. Vì vậy, quy định này là quy định mở rộng, tránh việc bỏ sót các trường hợp xảy ra mà các bên không có quyền hủy bỏ hợp đồng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho họ. 

-Bên cạnh đó, các bên có thể thỏa thuận hủy bỏ hợp đồng theo ý chí của mình mà không phụ thuộc vào các trường hợp trên. Khoản 2 Điều 401 đã quy định kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, hợp đồng có thể bị hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên. Trong trường hợp này, hợp đồng bị hủy bỏ không phải do ý chí của duy nhất một bên nào, cũng không có hành vi vi phạm, mà do sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của tất cả các bên trong hợp đồng. 

2.2.Trách nhiệm của bên hủy bỏ hợp đồng

-Trong trường hợp hợp đồng bị hủy bỏ theo ý chí của một bên trong các trường hợp trên, pháp luật quy định bên hủy bỏ phải thông báo ngay cho bên kia biết. Theo nguyên tắc minh bạch, công khai thì mặc dù việc hủy bỏ hợp đồng là quyền của một bên, nhưng họ không thể tùy tiên hủy bỏ hợp đồng mà không thông báo cho bên còn lại. Nếu không thông báo cho họ biết về việc hợp đồng đã bị hủy bỏ, họ có thể vẫn thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng. Như vậy không chỉ làm tốn thời gian, công sức của họ mà còn có thể gây thiệt hại.
-Vì thông báo là nghĩa vụ bắt buộc mà pháp luật quy định khi một bên hủy bỏ hợp đồng, nên việc không thực hiện theo nghĩa vụ bị xem là hành vi vi phạm pháp luật và chủ thể phải chịu trách nhiệm dân sự. Theo đó, nếu vì không thông báo về việc hủy bỏ hợp đồng cho bên kia biết mà gây thiệt hại, thì bên hủy bỏ hợp đồng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. 

 Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hỏi đáp Luật Dân sự

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư