Khi nào thì phải phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:07 (GMT+7)

Biện pháp phong tỏa tài khoản là biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự được chấp hành viên áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ trả tiền và họ có tiền gửi trong tài khoản ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác.

Biện pháp phong tỏa tài khoản là biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự được chấp hành viên áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ trả tiền và họ có tiền gửi trong tài khoản ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác. Việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản nhằm cô lập, đặt tài khoản của người phải thi hành án trong tình trạng bị phong tỏa, không thể sử dụng được, ngăn chặn việc tẩu tán tiền trong tài khoản. Từ việc áp dụng biện pháp bảo đảm này có thể chuyển thành việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án để thi hành nghĩa vụ trả tiền của người phải thi hành án.

Điều 67 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 (sau đây gọi là Luật Thi hành án dân sự) quy định việc phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ được thực hiện trong trường hợp người phải thi hành án có tài khoản, tài sản gửi giữ.

Ngoài ra, Điều 20 Nghị định 62/2015/NĐ-CP cùng với Điều 67 Luật Thi hành án dân sự hướng dẫn về phong tỏa tiền trong tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ, cụ thể như sau:

1. Ra quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ

Khoản 2 Điều 67 Luật Thi hành án dân sự và khoản 2 Điều 20 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định:

- Quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ phải xác định rõ số tiền, tài sản bị phong tỏa.

- Chấp hành viên phải giao quyết định phong tỏa cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản của người phải thi hành án, cụ thể là cho người đại diện theo pháp luật của Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ hoặc người có trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức đó và lập biên bản về việc giao quyết định.

- Biên bản phải có chữ ký của Chấp hành viên, người nhận quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ. Trường hợp người nhận quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ không ký thì phải có chữ ký của người chứng kiến.

- Quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ được ban hành sau khi Chấp hành viên lập biên bản phong tỏa theo quy định tại Khoản 2 Điều 67 Luật Thi hành án dân sự phải được gửi ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi có tài khoản, tài sản đã bị phong tỏa.

- Trường hợp người đại diện theo pháp luật hoặc người có trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức không nhận quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ thì Chấp hành viên lập biên bản về việc không nhận quyết định, có chữ ký của người làm chứng hoặc chứng kiến và tiến hành niêm yết quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ của người phải thi hành án tại trụ sở cơ quan, tổ chức đó. Người đại diện theo pháp luật hoặc người có trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức không nhận quyết định phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và phải bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra.

 

2. Trường hợp cần phong tỏa ngay tài khoản, tài sản của người phải thi hành án ở nơi gửi giữ mà chưa ban hành quyết định phong tỏa

- Trường hợp cần phong tỏa ngay tài khoản, tài sản của người phải thi hành án ở nơi gửi giữ mà chưa ban hành quyết định phong tỏa thì Chấp hành viên lập biên bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản của người phải thi hành án phong tỏa tài khoản, tài sản đó. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, Chấp hành viên phải ra quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản phải thực hiện ngay yêu cầu của Chấp hành viên về phong tỏa tài khoản, tài sản. Biên bản, quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản trong trường hợp này phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

3 .Thời hạn phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ

Khoản 3 Điều 67 Luật Thi hành án dân sự quy định:

“Điều 67. Phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ

3. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ, Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc ra quyết định chấm dứt việc phong tỏa theo quy định của Luật này.

Ngoài ra, luật cũng quy định, chấp hành viên có trách nhiệm bảo mật các thông tin về tài khoản, tài sản của người phải thi hành án bị áp dụng biện pháp bảo đảm khi được Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi có tài khoản, tài sản cung cấp.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Thi hành án dân sự

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư