Mua sau khi sử dụng thử trong hợp đồng mua bán tài sản?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:18 (GMT+7)

Các bên có thể thỏa thuận về việc bên mua được dùng thử vật mua trong một thời hạn gọi là thời hạn dùng thử.

1.Căn cứ pháp lý

Để thể hiện thiện chí, mong muốn giao kết hợp đồng bán tài sản, bên bán có thể cho bên mua dùng thử sản phẩm trong thời hạn nhất định. Theo đó, sau khi dùng thử bên mua có thể ra quyết định mua hoặc không. Điều 452 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về mua tài sản sau khi dùng thử như sau:

Điều 452. Mua sau khi sử dụng thử
1. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên mua được dùng thử vật mua trong một thời hạn gọi là thời hạn dùng thử. Trong thời hạn dùng thử, bên mua có thể trả lời mua hoặc không mua; nếu hết thời hạn dùng thử mà bên mua không trả lời thì coi như đã chấp nhận mua theo các điều kiện đã thỏa thuận trước khi nhận vật dùng thử.
Trường hợp các bên không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về thời hạn dùng thử thì thời hạn này được xác định theo tập quán của giao dịch có đối tượng cùng loại.
2. Trong thời hạn dùng thử, vật vẫn thuộc sở hữu của bên bán. Bên bán phải chịu mọi rủi ro xảy ra đối với vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong thời hạn dùng thử, bên bán không được bán, tặng cho, cho thuê, trao đổi, thế chấp, cầm cố tài sản khi bên mua chưa trả lời.
3. Trường hợp bên dùng thử trả lời không mua thì phải trả lại vật cho bên bán và phải bồi thường thiệt hại cho bên bán, nếu làm mất, hư hỏng vật dùng thử. Bên dùng thử không phải chịu trách nhiệm về những hao mòn thông thường do việc dùng thử gây ra và không phải hoàn trả hoa lợi do việc dùng thử mang lại”.

2.Nội dung

Mua sau khi dùng thử là phương thức mua bán theo đó bên mua và bên bán thỏa thuận về một thời gian dùng thử và kết thúc thời gian đó thì bên mua mới đưa ra quyết định mua tài sản. Mua sau khi sử dụng là một chiến lược kinh doanh của bên bán tài sản, thể hiện thiện chí mong muốn được giao kết hợp đồng và củng cố niềm tin của bên mua khi được dùng thử tài sản sau đó mới đưa ra quyết định giao kết hợp đồng. 
Mặc dù pháp luật không quy định cụ thể đối tượng của phương thức mua sau khi sử dụng bao gồm những tài sản gì. Nhưng theo nguyên tắc chung thì đối tượng của phương thức này không thể là vật tiêu hao. Bởi, nếu tài sản mua bán theo phương thức sử dụng thử là vật tiêu hao thì vật sẽ không còn trong thời hạn dùng thử, hoặc chỉ còn một phần, hoặc không giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu. Bên cạnh đó, pháp luật không bắt buộc bên bán tài sản phải sử dụng phương thức mua sau khi sử dụng, mà bên bán chỉ áp dụng khi thấy cần thiết, và phù hợp với điều kiện, tài sản được bán. 
Các bên thỏa thuận về thời hạn dùng thử, có thể là hai ngày, hoặc một tuần, tùy thuộc vào ý chí của bên bán. Thời hạn dùng thử là thời gian mà bên mua đưa ra quyết định đồng ý mua hoặc không. Tuy nhiên, ý chí của bên về việc không muốn mua tài sản phải được thể hiện ra bên ngoài để bên bán có thể nhận biết được. Nếu hết thời hạn mà bên mua không trả lời thì xem như đã chấp nhận mua tài sản đó theo các điều kiện đã thỏa thuận trước khi nhận vật dùng thử. Bởi khi đưa tài sản cho bên mua dùng thử thì ít nhiều tài sản cũng bị hao mòn, hơn nữa, các bên đã thỏa thuận về thời hạn trả lời, nhưng bên mua đã không thực hiện theo thỏa thuận nên quyền lợi của bên bán được bảo vệ, bằng cách coi sự im lặng của bên mua là đồng ý. Ví dụ: A đến cửa hàng của B để mua một chiếc điện thoại, hai bên thỏa thuận thời hạn dùng thử 05 ngày. Khi đã hết thời hạn 05 ngày nhưng A không trả lời B là có chấp nhận giao kết hợp đồng hay không, trường hợp này sự im lặng của A được xem như đã chấp nhận mua chiếc điện thoại. Trường hợp các bên không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về thời hạn dùng thử thì thời hạn này được xác định theo tập quán của giao dịch có đối tượng cùng loại. Vì hình thức mua sau khi dùng thử là hình thức tương đối mới không phải đối tượng nào hay chủ thể nào cũng áp dụng, vì vậy dựa vào địa điểm nơi giao dịch được xác lập để xác định thời hạn dùng thử.
Trong thời hạn dùng thử, vì bên mua vẫn chưa ra quyết định mua hay không nên tài sản vẫn thuộc sở hữu của bên bán, mà theo nguyên tắc chung chủ sở hữu phải chịu rủi ro về tài sản thuộc sở hữu của mình. Khoản 1 Điều 162 BLDS năm 2015 quy định: “Chủ sở hữu phải chịu rủi ro về tài sản thuộc sở hữu của mình…”, chính vì vậy, trong thời gian dùng thử bên bán phải chịu mọi rủi ro về tài sản. Tuy nhiên, trong trường hợp các bên có thỏa thuận khác về việc bên mua phải chịu rủi ro trong thời gian dùng thử, thì ưu tiên áp dụng thỏa thuận của các bên. Sở dĩ quy định như vậy vì, trên thực tế khi áp dụng phương thức mua sau khi dùng thử, các bên thường thỏa thuận về việc bên mua phải chịu trách nhiệm đối với rủi ro xảy ra do hành vi có lỗi của bên mua, tức bên bán chỉ chịu rủi ro trong trường hợp thiệt hại xảy ra do lỗi kỹ thuật. Chỉ khi có thỏa thuận như vậy mới bảo vệ lợi ích của bên bán đồng thời cân bằng lợi ích của bên mua. Bên bán sẽ hạn chế được thiệt hại trong trường hợp tài sản hư hỏng do lỗi cố ý của bên mua gây nên, khi vừa bị hư hỏng tài sản, vừa không bán được hàng. Còn bên mua cũng chỉ phải chịu trách nhiệm do hành vi có lỗi của mình. Về nguyên tắc, chủ sở hữu được quyền định đoạt tài sản của mình. Trong thời hạn dùng thử mặc dù bên bán vẫn là chủ sở hữu của tài sản, tuy nhiên, bên mua là chủ thể đang có quyền đối với tài sản. Nên để không xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của bên mua thì, trước khi bên mua trả lời bên bán không có quyền bán, tặng cho, cho thuê, trao đổi, thế chấp, cầm cố tài sản. 
Trường hợp bên dùng thử trả lời không mua thì phải trả lại vật cho bên bán và phải bồi thường thiệt hại cho bên bán, nếu làm mất, hư hỏng vật dùng thử. Quy định này nhằm bảo vệ lợi ích cho bên bán, bởi nếu bên mua không phải chịu trách nhiệm với những hành vi này thì sẽ ảnh hưởng nặng nề đến lợi ích của bên bán khi vừa không bán được hàng, vừa bị hư hỏng, mất mát tài sản. Đồng thời ràng buộc trách nhiệm của bên bán trong việc giữ gìn, bảo quản tài sản không thuộc sở hữu của mình. Bên dùng thử không phải chịu trách nhiệm về những hao mòn thông thường do việc dùng thử gây ra và không phải hoàn trả hoa lợi do việc dùng thử mang lại. Hao mòn thông thường được hiểu là những hao mòn tự nhiên khi sử dụng tài sản. Dùng thử là quá trình sử dụng tài sản của bên mua, do đó hao mòn tự nhiên là điều không thể tránh khỏi, bên bán không có quyền yêu cầu bên mua phải chịu trách nhiệm. Bởi khi quyết định để bên mua dùng thử bên bán cũng phải lường trước được những tổn thất này. 

 Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hỏi đáp Luật Dân sự

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư