2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Để bên mua khai thác tài sản theo đúng cách thức nhằm đạt hiệu quả cao nhất cũng như đảm bảo độ bên của tài sản, thì bên bán phải có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản và hướng dẫn bên mua cách sử dụng. Cụ thể, Điều 443 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin và hướng dẫn cách sử dụng trong hợp đồng mua bán tài sản như sau:
“Điều 443. Nghĩa vụ cung cấp thông tin và hướng dẫn cách sử dụng
Bên bán có nghĩa vụ cung cấp cho bên mua thông tin cần thiết về tài sản mua bán và hướng dẫn cách sử dụng tài sản đó; nếu bên bán không thực hiện nghĩa vụ này thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán phải thực hiện trong một thời hạn hợp lý; nếu bên bán vẫn không thực hiện làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng thì bên mua có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Trong hợp đồng mua bán tài sản, nghĩa vụ chính của bên bán là chuyển giao tài sản đúng, đầy đủ về số lượng, chất lượng đã thỏa thuận cho bên mua. Việc chuyển giao tài sản của bên bán nhằm thỏa mãn lợi ích của bên mua khi tham gia hợp đồng. Bên mua mua tài sản nhằm phục vụ cho quyền lợi của mình, theo đó họ có thể tìm kiếm lợi ích từ việc sử dụng chính tài sản đó, hoặc mua đi bán lại cho người thứ ba,…Chính vì vậy, bên mua có quyền được biết đầy đủ về thông tin tài sản và cách sử dụng tài sản đó sao cho phù hợp và khai thác tối đa lợi ích từ nó. Điều này đã làm phát sinh thêm nghĩa vụ của bên bán, bên cạnh việc phải chuyển giao tài sản thì còn phải cung cấp các thông tin về tài sản như: thông số kỹ thuật, kích thước, trọng lượng về tài sản,…và hướng dẫn cách sử dụng phù hợp. Thông thường, thì thông tin về sản phẩm và cách sử dụng đã được nhà sản xuất in trên giấy gắn trên sản phẩm, hoặc với những sản phẩm có nhiều thông tin và cách sử dụng phức tạp thì được in thành cẩm nang hướng dẫn cụ thể. Đây là quy định dựa trên nguyên tắc thiện chí, trung thực, trong việc giao kết, thực hiện hợp đồng.
Theo đó, nghĩa vụ cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng của bên bán đối với bên mua khi giao kết hợp đồng được thực hiện như sau:
-Một là, bên bán có nghĩa vụ cung cấp cho bên mua thông tin cần thiết về tài sản mua bán và hướng dẫn cách sử dụng tài sản đó. Như đã phân tích ở trên, nhà sản xuất có thể đã in trên bao bì sản phẩm hoặc cẩm nang kèm theo những thông tin và hướng dẫn cách sử dụng tài sản. Nhưng không phải tài sản nào cũng có thông tin kèm theo như mua bán tài sản cũ, đã qua sử dụng, hoặc bên mua có thể không hiểu những thông tin đã được cung cấp. Lúc này, bên bán có nghĩa vụ phải giải thích đầy đủ những thông tin về sản phẩm, và cách sử dụng sao cho bên mua có thể hiểu và sử dụng, khai thác hiệu quả tài sản. Đây là quyền lợi cơ bản của bên mua khi tham gia giao kết hợp đồng mua bán tài sản, do đó, bên bán có nghĩa vụ phải đáp ứng quyền lợi đó cho bên mua.
-Hai là, nếu bên bán không thực hiện nghĩa vụ thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán thực hiện thời gian hợp lý. Nghĩa vụ là những việc mà một chủ thể bắt buộc phải thực hiện để bảo vệ lợi ích của một chủ thể khác hoặc vì lợi ích chung của cộng đồng. Trong quan hệ hợp đồng mua bán tài sản, bên mua là bên có quyền, vì vậy, nếu bên bán không thực hiện nghĩa vụ của mình, thì bên mua hoàn toàn có quyền yêu cầu họ thực hiện nghĩa vụ với mình. Đồng thời, quyền lợi chỉ được đáp ứng trong thời hạn nhất định, nếu sau thời hạn đó bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ với bên có quyền, thì sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Do đó, việc yêu cầu bên bán thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng tài sản chỉ có thể áp dụng trong một thời hạn nhất định.
-Ba là, nếu bên bán vẫn không thực hiện nghĩa vụ làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng thì bên mua có quyền hủy hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Không phải trong mọi trường hợp, khi bên bán không cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng cho bên mua thì đều bị hủy hợp đồng và phải bồi thường thiệt hại. Việc xác định xem bên mua có quyền hủy hợp đồng và yêu cầu bồi thường hay không phụ thuộc vào hậu quả của hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên bán. Theo đó, hậu quả xảy ra phải khiến cho bên mua không đạt được mục đích khi giao kết hợp đồng, tức họ không thu được lợi ích gì từ hợp đồng. Do đó, có thể thấy trường hợp này thường xảy ra đối với những tài sản mà bên mua với hiểu biết thông thường không thể biết cách sử dụng. Còn đối với những tài sản thông dụng, phổ biến mà bên mua có thể dễ dàng nhận biết khi không có hướng dẫn của bên bán, thì bên bán không phải chịu trách nhiệm dân sự. Quy định như vậy, đồng thời bảo vệ quyền lợi của bên mua khi bên bán vi phạm nghĩa vụ gây thiệt hại cho họ, và bảo vệ lợi ích của bên bán trong trường hợp bên mua cố tình làm khó gây bất lợi cho bên bán.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hỏi đáp Luật Dân sự
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh