Nghĩa vụ trả nợ của bên vay trong hợp đồng cho vay tài sản?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:18 (GMT+7)

Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác

1.Căn cứ pháp lý

Khi có khó khăn về vấn đề kinh tế, bên vay cần đến sự giúp đỡ về vật chất của bên cho vay. Do đó, khi hết thời hạn của hợp đồng, bên vay phải chủ động thực hiện nghĩa vụ của mình phát sinh từ hợp đồng cho vay đã ký kết. Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:

Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”

2.Nội dung

Hợp đồng cho vay cho phép bên vay giải quyết khó khăn về tài chính trước mắt. Hợp đồng cho vay được thiết lập giữa hai bên chủ thể, theo đó các bên có thể thỏa thuận về thời hạn cho vay dài hoặc ngắn, nhưng khi thời hạn cho vay đã kết thúc thì bên vay có nghĩa vụ phải hoàn trả tài sản vay cho bên cho vay. Căn cứ vào quy định trên, bên vay có những nghĩa vụ cụ thể như sau:
-Một là, trả đúng, đủ tài sản vay khi đến hạn. Đối tượng của hợp đồng cho vay rất rộng và phong phú, đó có thể là tiền, vàng, bạc, đá quý,…Do đó, nghĩa vụ trả lại tài sản của bên vay đôi với bên cho vay được xác định dựa trên loại tài sản vay. Nếu tài sản là tiền, thì bên vay phải trả đủ tiền khi đến hạn. Đối tượng vay là tiền thì các bên chỉ cần quan tâm đến loại tiền vay (nội tệ hay ngoại tệ) và số lượng là bao nhiêu. Nếu đối tượng vay là vật thì điều kiện kèm theo khi trả tài sản được xác định dựa trên vật cùng loại, số lượng, chất lượng của vật vay. Khi trả vật vay thì bên vay phải trả vật cùng loại với vật mà bên cho vay đã chuyển giao, đảm bảo số lượng, chất lượng đúng với tài sản đã vay, ví dụ: A vay B một sợi dây chuyền vàng 03 chỉ, khi đến hạn trả thì A phải trả cho B đúng sợi dây chuyền bằng vàng trị giá 03 chỉ. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Các bên có thẻ thỏa thuận về việc vật trả không giống với vật cho vay ban đầu. Cũng như ví dụ trên nhưng A và B có thỏa thuận về việc đến hạn A trả cho B tiền mặt, thì thỏa thuận đó vẫn được pháp luật chấp nhận và tôn trọng. 
-Hai là, trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền. Trong trường hợp bên vay không thể trả đúng vật đã vay thì có thể thỏa thuận với bên cho vay về việc trả tiền thay thế. Việc định giá tiền của vật vây được xác định theo địa điểm và thời điểm trả nợ. Về nguyên tắc bên vay phải trả đúng vật đã vay, tuy nhiên, nếu bên vay không thể trả vật đó, thì để đảm bảo quyền được trả nợ cho bên cho vay, pháp luật cho phép họ được trả bằng tiền nếu được bên cho vay đồng ý. Việc định giá vật vay được xác định tại địa điểm và thời điểm trả nợ, vì đây là địa điểm, thời điểm làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ. Giá tại thời điểm, địa điểm này có thể bằng, hoặc cao hơn, hoặc thấp hơn tại thời điểm, địa điểm cho vay, nên việc trả bằng tiền trong trường hợp này có thể sẽ thiệt hại cho một trong hai bên. Tuy nhiên, việc trả bằng tiền được xác lập trên cơ sở mong muốn của bên vay và cần có sự đồng ý của bên vay, tức các bên đã có thỏa thuận nên sẽ không làm phát sinh tranh chấp.
-Ba là, địa điểm trả nợ là nơi cư trú, hoặc trụ sở của bên cho vay. Quy định này dựa trên quy định chung tại điểm b khoản 2 Điều 277 BLDS năm 2015 về địa điểm thực hiện nghĩa vụ:

“2. Trường hợp không có thỏa thuận thì địa điểm thực hiện nghĩa vụ được xác định như sau:
b) Nơi cư trú hoặc trụ sở của bên có quyền, nếu đối tượng của nghĩa vụ không phải là bất động sản”

Bên cho vay là bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ trả nợ, theo đó, việc xác định địa điểm trả nợ này hoàn toàn phù hợp với  thực tiễn và tâm lý của bên cho vay. Tuy nhiên, pháp luật cho phép các bên được thỏa thuận về địa điểm trả nợ mà không nhất thiết phải tuân theo quy định trên. Nguyên tắc, tự do thỏa thuận thể hiện sự mềm dẻo, linh hoạt trong quy định của pháp luật. Bởi chỉ các bên trực tiếp tham gia quan hệ mới hiểu rõ làm như thế nào để đạt được lợi ích tối đa nhất cho tất cả. Đôi khi, việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ tại chính nơi cư trú, trụ sở của bên cho vay sẽ khó khăn, hoặc tốn nhiều chi phí hơn. 
-Bốn là, trả tiền lãi nếu đến hạn mà không thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Trường hợp này phát sinh trong hợp đồng cho vay không lãi suất. Thông thường, việc trả lãi chỉ áp dụng với hợp đồng cho vay có lãi suất. Tuy nhiên, trong trường hợp hợp đồng cho vay không có lãi nhưng đến hạn mà bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ đủ nợ, thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất là 10%/năm trên số tiền chậm trả ứng với thời gian chậm trả. Quy định này nhằm bảo vệ lợi ích của bên cho vay. Bởi đối với hợp đồng cho vay không lãi suất, người cho vay không thu được bất kỳ lợi ích gì từ hợp đồng, mà việc cho vay này mang chất tương trợ, giúp đỡ bên vay. Đồng thời, quy định này cũng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của bên vay đối với việc trả nợ cho bên cho vay. Vì vậy, phần lãi suất chậm trả có thể xem như là khoản tiền phạt do chậm thực hiện nghĩa vụ của bên vay. 
-Năm là, đối với hợp đồng cho vay có lãi suất thì bên vay có nghĩa vụ trả đấy đủ tiền gốc và tiền lãi theo đúng thỏa thuận với bên cho vay. Lãi chính là khoản tiền hoặc lợi ích vật chất mà bên vay phải trả thêm cho bên cho vay bên cạnh số tiền hoặc vật đã vay. Lãi được thanh toán theo thỏa thuận của các bên, có thể thanh toán khi đến hạn trả nợ hoặc thanh toán theo tháng, theo quý,…Lãi tỷ lệ thuận với nợ gốc, lãi suất và thời hạn vay. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

Thứ nhất, đối với lãi trong hạn. Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả. Khi xác lập hợp đồng cho vay tài sản có lãi suất, các bên có thỏa thuận về lãi trong thời hạn vay, đây gọi là lãi trong hạn. Khoản tiền lãi được tính dựa trên số nợ gốc đã vay trên lãi suất mà các bên đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn bên vay chưa trả. Công thức tính lãi trong hạn = Nợ gốc x Lãi suất thỏa thuận x Thời hạn vay. Trường hợp bên vay chậm trả còn phải trả lãi theo mức lãi suất là 10%/năm, đây là lãi mà bên vay phải trả trên số tiền lãi trong hạn chậm trả. Tức, nếu bên vay không trả lãi trong hạn khi đến hạn trả lãi thì sẽ phải trả thêm một khoản tiền lãi trên số tiền lãi trong hạn đó. Công thức = Tiền lãi chưa trả x 10% x Thời hạn chậm trả. 
Thứ hai, đối với lãi suất quá hạn. Đến thời hạn trả nợ mà bên vay vẫn chưa trả hoặc trả chưa đủ nợ thì sẽ bị xem là nợ quá hạn và phải trả một khoản lãi gọi là lãi quá hạn. Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả. Thời điểm chuyển sang nợ quá hạn tính từ ngày tiếp theo ngay sau ngày đến kỳ hạn trả nợ ghi trong hợp đồng. Với trường hợp hợp đồng không có kỳ hạn thì thời điểm trả nợ là khi các bên thông báo trước cho nhau thời điểm trả nợ. Thời gian chậm trả là thời gian tính từ ngày tiếp theo sau ngày đến hạn thực hiện nghĩa vụ trả nợ ghi trong hợp đồng, hoặc tiếp theo sau ngày được gia hạn trả nợ nhưng người vay vẫn chưa trả. Công thức tính lãi trên nợ gốc quá hạn = Nợ gốc chưa trả x 150% x Lãi suất theo hợp đồng x Thời gian chậm trả. 

 Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hỏi đáp Luật Dân sự

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư