Phạm vi áp dụng quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:57 (GMT+7)

Vấn đề về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được rất nhiều người quan tâm, mà yếu tố đầu tiên cần nhắc đến là phạm vi áp dụng

Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, các mối quan hệ ngoại giao, thương mại quốc tế của Việt Nam và các nước trên thế giới phát triển mạnh mẽ. Kéo theo số lượng người Việt Nam sinh sống, làm việc, học tập ở nước ngoài và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam ngày càng nhiều. Theo đó, vấn đề về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được rất nhiều người quan tâm, mà yếu tố đầu tiên cần nhắc đến là phạm vi áp dụng. Bài viết này sẽ làm rõ vấn đề theo quy định pháp luật về phạm vi áp dụng quan hệ pháp luật dân sự theo căn cứ tại Điều 663 Bộ luật Dân sự năm 2015, như sau:

"Điều 663. Phạm vi áp dụng
1. Phần này quy định về pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
Trường hợp luật khác có quy định về pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài không trái với quy định từ Điều 664 đến Điều 671 của Bộ luật này thì luật đó được áp dụng, nếu trái thì quy định có liên quan của Phần thứ năm của Bộ luật này được áp dụng.
2. Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài;
b) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;
c) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài"'

1.Pháp luật áp dụng với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài

Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là một quan hệ rộng bao gồm các lĩnh vực như: kinh doanh thương mại, hôn nhân gia đình,…Trong cùng một hệ thống pháp luật tuy nhiên mỗi văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh mọi lĩnh vực riêng do đó không thể tránh khỏi quy định bị mâu thuẫn, chồng chéo lên nhau. Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là một quan hệ rộng và phức tạp, ngoài BLDS còn có nhiều các văn bản pháp luật chuyên ngành khác cùng điều chỉnh vấn đề này. Do đó, khi có mâu thuẫn giữa các quy định với nhau thì sẽ áp dụng quy định tại BLDS. Quy định này thể hiện vị trí quan trọng của BLDS năm 2015 trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam, vì BLDS là luật chung, luật gốc. Nguyên tắc áp dụng pháp luật (áp dụng luật chuyên ngành trước) chỉ được công nhận khi nó được quy định phù hợp với BLDS. Trong trường hợp luật chuyên ngành không quy định hoặc quy định không phù hợp với BLDS thì áp dụng theo nội dung quy định tại BLDS.

2.Các yếu tố cấu thành quan hệ pháp luật dân sự

Căn cứ vào quy định trên một quan hệ dân sự được xem là có yếu tố nước ngoài khi thuộc một trong ba trường hợp sau:

2.1.Chủ thể

Trong một quan hệ dân sự có thể có nhiều hơn hai bên tham gia, quy định trên xác định chỉ cần một bên chủ thể là là cá nhân, pháp nhân nước ngoài thì quan hệ đó đương nhiên được xem là có yếu tố nước ngoài mà không cần dựa trên các yếu tố khác như đối tượng, địa điểm,…
Chủ thể đầu tiên là cá nhân. Yếu tố nước ngoài của một cá nhân được xác định dựa trên quốc tịch, theo đó chủ thể không phải quốc tịch Việt Nam thì được coi là chủ thể nước ngoài. Quốc tịch là mối quan quan hệ pháp lý giữ một cá nhân với một quốc gia có chủ quyền. Trên thực tế có 3 trường hợp sau: chủ thể có một quốc tịch nước ngoài, chủ thể có nhiều quốc tịch nước ngoài và chủ thể không có quốc tịch. Thông thường một cá nhân chỉ có một quốc tịch duy nhất, tuy nhiên trong một số trường hợp họ có thể có nhiều quốc tịch khác nhau. Người không có quốc tịch theo quy định khoản 2 Điều 3 Luật quốc tịch năm 2014 là: “người không có quốc tịch Việt Nam và cũng không có quốc tịch nước ngoài”. người có nhiều quốc tịch và người không có quốc tịch (không phải công dân của quốc gia nào) tuy có khác nhau về quyền, nghĩa vụ, song họ giống nhau ở chỗ không có quốc tịch Việt Nam, nên về cơ bản Việt Nam đối xử với họ như nhau, đều là người nước ngoài. 
Chủ thể thứ hai là pháp nhân. Pháp nhân là một tổ chức được thành lập dựa theo pháp luật của một nước nhất định. Pháp nhân nước ngoài là pháp nhân có quốc tịch nước ngoài. Để một tổ chức có tư cách pháp nhân thì tổ chức đó phải được thành lập theo những quy định nhất định của pháp luật từng quốc gia, do đó khác với cá nhân, pháp nhân không thể không có quốc tịch hay có nhiều quốc tịch được. Một tổ chức có tư cách pháp nhân hay không, căn cứ nào để xác định quốc tịch của pháp nhân? Những vấn đề này dựa theo quy định pháp luật của từng quốc gia, vì hệ thống các quy định pháp luật của mỗi quốc gia là khác nhau nên sẽ có những căn cứ riêng để xác định. Quốc tịch của pháp nhân có thể được xác định dựa trên nơi đăng ký thành lập, nơi đặt trụ sở chính,…

2.2.Nơi xảy ra sự kiện pháp lý

Sự kiện pháp lý được hiểu là căn cứ làm phát sinh một quan hệ pháp luật dân sự. Theo quy định trên thì một quan hệ dân sự với các bên chủ thể tham gia đều là người Việt Nam vẫn được xem là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài khi việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó diễn ra ở nước ngoài. Yếu tố nước ngoài trong trường hợp này được xác định dựa trên nơi xảy ra sự kiện pháp lý đó, mà không cần thiết chủ thể tham gia phải là người nước ngoài. Ví dụ: Hợp đồng được ký kết giữ công ty A và ông B (đều là chủ thể mang quốc tịch Việt Nam) tại Hàn Quốc, thì đó được xác định là hợp đồng có yếu tố nước ngoài. 

2.3.Đối tượng của quan hệ

Đối tượng của quan hệ dân sự là cái mà các bên hướng tới khi xác lập, thực hiện quan hệ. Đối tượng cũng là căn cứ để xác định quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, theo đó đối tượng ở nước ngoài thì đó là quan hệ có yếu tố nước ngoài. Chủ thể tham gia có thể mang quốc tịch Việt Nam, sự kiện pháp lý phát sinh, thay đổi, chấm dứt tại Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ đó ở nước ngoài thì đây vẫn được xác định là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Trong trường hợp này đối tượng mà các bên hướng tới thông thường là tài sản. Ví dụ: Ông A (mang quốc tịch Việt Nam) ký hợp đồng mua một căn biệt thự tại London với công ty B (là pháp nhân Việt Nam) và hợp đồng xảy ra tranh chấp. Lúc này căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 663 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì đây là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, do đối tượng của quan hệ là căn hộ ở nước ngoài.

 Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hỏi đáp Luật Dân sự

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư