Quy định của pháp luật về gia nhập hợp đồng hợp tác?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:22 (GMT+7)

Một cá nhân, pháp nhân trở thành thành viên mới của hợp đồng nếu được sự đồng ý của hơn một nửa tổng số thành viên hợp tác

1.Căn cứ pháp lý

Trong quá trình thực hiện hợp đồng hợp tác, dưới sự tác động của nhiều yếu tố nhiều chủ thể có thể muốn tham gia vào hợp đồng. Do đó, nhằm tạo điều kiện linh hoạt cho các chủ thể được tham gia giao kết hợp đồng và nhóm hợp tác cũng có thể thành viên để tăng cường hiệu quả của công việc hợp tác, pháp luật đã quy định về việc cho phép nhóm hợp tác được nhận thêm thành viên mới. Cụ thể, Điều 511 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về gia nhập hợp đồng hợp tác như sau:

Điều 511. Gia nhập hợp đồng hợp tác
Trường hợp hợp đồng hợp tác không quy định khác thì một cá nhân, pháp nhân trở thành thành viên mới của hợp đồng nếu được sự đồng ý của hơn một nửa tổng số thành viên hợp tác”

2.Nội dung

Gia nhập hợp đồng hợp tác là hành vi của cá nhân, pháp nhân giao kết hợp đồng và trở thành thành viên mới của một nhóm hợp tác. Việc gia nhập vào hợp đồng hợp tác phải xuất phát từ mong muốn, ý chí của chủ thể, tự nguyện gia nhập mà không có sự ép buộc từ chủ thể khác. Sau khi gia nhập hợp đồng, cá nhân, pháp nhân trở thành thành viên của nhóm hợp tác và có đầy đủ quyền và nghĩa vụ như những thành viên hợp tác khác. Việc có thêm thành viên tác động đến nhiều yếu tố của nhóm hợp tác như phân công nghĩa vụ của từng thành viên, phân chia hoa lợi, lợi tức,…Bên cạnh đó hợp đồng hợp tác là tập hợp nhiều chủ thể cùng nhau liên kết thực hiện công việc nhất định, mỗi thành viên đều có quyền và nghĩa vụ như nhau. Có thể đối với một số thành viên việc có thêm thành viên mới sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của họ. Do đó, việc gia nhập hợp đồng hợp tác của chủ thể không thể tiến hành tự do mà phải theo nguyên tắc chung của pháp luật.
Theo đó, pháp luật quy định cá nhân, pháp nhân được gia nhập hợp đồng hợp tác trong hai trường hợp sau:
-Trường hợp 1: Các bên có thỏa thuận điều kiện gia nhập hợp đồng hợp tác. Trong hợp đồng hợp tác, các thành  viên có thể thỏa thuận về điều kiện gia nhập hợp đồng hợp tác. Như vậy, cá nhân, pháp nhân mong muốn tham gia hợp đồng chỉ cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện đó thì đều có thể gia nhập hợp đồng hợp tác. Điều kiện này được các bên dự liệu trước và thỏa thuận từ khi đàm phán nội dung điều khoản của hợp đồng. Các điều kiện phải được ghi nhận trong nội dung của hợp đồng để đảm bảo tính pháp lý, vì bản thân hợp đồng hợp tác cũng bắt buộc phải lập thành văn bản. Sự ghi nhận điều kiện gia nhập của thành viên mới trong nội dung của hợp đồng là cơ sở để các thành viên khác công nhận, tránh việc xảy ra tranh chấp.
-Trường hợp 2: Các bên không có thỏa thuận điều kiện gia nhập hợp đồng hợp tác. Trong trường hợp các chủ thể không thỏa thuận về điều kiện gia nhập của thành viên mới trong hợp đồng, thì người có nhu cầu tham gia hợp đồng sẽ được tham gia nếu hơn một nửa thành viên hợp tác đồng ý. Sự đồng ý của hơn một nửa số thành viên vừa đảm bảo tính khách quan, vừa tạo điều kiện cho chủ thể mong muốn tham gia có cơ hội trở thành thành viên mới. Bởi việc bắt buộc 100% thành viên phải đồng ý thì sẽ rất khó khăn, vì ý chí của mỗi người không giống nhau, lúc đó họ sẽ không đứng trên lợi ích chung mà chỉ vì lợi ích của riêng của mình để đưa ra quyết định. Nếu hơn một nửa số thành viên đồng ý chứng tỏ việc gia nhập thêm thành viên mới hoàn toàn không là ảnh hưởng đến công việc hợp tác, mà cũng dễ dàng hơn cho chủ thể mong muốn gia nhập. Hơn một nửa số thành viên ở đây được hiểu là 50% + 1, vậy nếu tổ hợp tác chỉ có hai thành viên thì bắt buộc phải cả hai thành viên cũng đồng ý, thì yêu cầu gia nhập mới được chấp thuận.
Việc gia nhập hợp đồng hợp tác làm phát sinh tư cách thành viên của chủ thể tham gia, theo đó, họ có nghĩa vụ đóng góp tài sản, công sức và thực hiện công việc đã thỏa thuận như những thành viên khác. Đồng thời được hưởng quyền lợi của một thành viên hợp tác và được phân chia lợi nhuận theo thỏa thuận.

 Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hỏi đáp Luật Dân sự

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư