Quy định về việc hành nghề của đấu giá viên? Quyền và nghĩa vụ của đấu giá viên theo quy định của pháp luật?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:12 (GMT+7)

Trên thực tế, đấu giá viên có quyền và nghĩa vụ như thế nào? Đấu giá viên có thể hành nghề theo hình thức nào?

Đấu giá viên là người làm việc tại các Tổ chức bán đấu giá tài sản, trực tiếp điều hành và thực hiện cuộc bán đấu giá theo đúng thủ tục, trình tự do pháp luật quy định. Trên thực tế, đấu giá viên có quyền và nghĩa vụ như thế nào? Đấu giá viên có thể hành nghề theo hình thức nào? Vấn đề này được quy định tại Luật Đấu giá tài sản 2016.

1. Hình thức hành nghề của đấu giá viên

Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định tại khoản 1 Điều 18 về hình thức hành nghề của đấu giá viên, cụ thể bao gồm:

Điều 18. Hình thức hành nghề của đấu giá viên

1. Đấu giá viên hành nghề theo các hình thức sau đây:

a) Hành nghề tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản;

b) Hành nghề tại doanh nghiệp đấu giá tài sản;

c) Hành nghề tại tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.

Đồng thời, việc hành nghề theo từng hình thức trên của đấu giá viên phải tuân theo cơ sở pháp lý sau đây:

- Việc hành nghề của đấu giá tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật về viên chức.

- Việc hành nghề của đấu giá viên tại doanh nghiệp đấu giá tài sản thực hiện thông qua việc thành lập hoặc tham gia thành lập hoặc làm việc theo hợp đồng lao động tại doanh nghiệp đấu giá tài sản. Mỗi đấu giá viên chỉ được thành lập hoặc tham gia thành lập một doanh nghiệp đấu giá tài sản hoặc ký hợp đồng lao động với một doanh nghiệp đấu giá tài sản theo quy định của Luật Đấu giá tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Việc hành nghề của đấu giá viên tại tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá tài sản và pháp luật về lao động.

2. Quyền và nghĩa vụ của đấu giá viên 

Điều 19 Luật Đấu giá tài sản 2016 liệt kê quyền và nghĩa vụ của đấu giá viên, theo đó:                                                                   

2.1. Quyền của đấu giá viên

a) Hành nghề trên toàn lãnh thổ Việt Nam;

b) Trực tiếp điều hành cuộc đấu giá;

c) Truất quyền tham dự cuộc đấu giá của người tham gia đấu giá có hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 9 của Luật này;

d) Dừng cuộc đấu giá khi phát hiện có hành vi thông đồng, dìm giá hoặc gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá và thông báo cho tổ chức đấu giá tài sản;

đ) Điều hành cuộc đấu giá theo hợp đồng giữa Hội đồng đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản nơi đấu giá viên hành nghề trong trường hợp cuộc đấu giá do Hội đồng thực hiện hoặc tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng trong trường hợp tổ chức tự đấu giá;

e) Hướng dẫn, giám sát việc tập sự của người tập sự hành nghề đấu giá;

g) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2.2. Nghĩa vụ của đấu giá viên

a) Tuân thủ nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản quy định tại Luật này;

b) Tuân theo Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên;

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước tổ chức đấu giá tài sản về cuộc đấu giá do mình thực hiện;

d) Chịu trách nhiệm về các công việc do người tập sự hành nghề đấu giá mà mình hướng dẫn thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 13 của Luật này;

đ) Tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định tại Điều 20 của Luật này;

e) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Đấu giá viên được hướng dẫn bởi Thông tư 14/2018/TT-BTP. Quy tắc này quy định các chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử của đấu giá viên trong hành nghề đấu giá, là cơ sở để đấu giá viên tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong hành nghề và trong đời sống xã hội nhằm nâng cao trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp của đấu giá viên, nâng cao uy tín của hoạt động đấu giá tài sản trong xã hội.

3. Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên

Điều 19 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định đối với việc tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên như sau:

Điều 20. Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên

1. Đấu giá viên tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thông qua tổ chức đấu giá tài sản hoặc tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.

2. Tổ chức đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho đấu giá viên của tổ chức mình.

4. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên

Theo Điều 20 Luật Đấu giá tài sản 2016, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên là tổ chức tự quản được thành lập để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đấu giá viên; bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề cho đấu giá viên; giám sát việc tuân theo Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên; thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật về hội và Điều lệ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên.

Việc thành lập, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên được thực hiện theo quy định của pháp luật về hội và quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật đấu giá tài sản

Luật Hoàng Anh

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư