Quyền của bên nhận cầm cố là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:03 (GMT+7)

Quyền của bên nhận cầm cố là những hành vi mà bên nhận cầm cố được phép thực hiện để bảo vệ lợi ích của chính mình trong quan hệ cầm cố tài sản

1.Căn cứ pháp lý

Quyền của bên nhận cầm cố là những hành vi mà bên nhận cầm cố được phép thực hiện để bảo vệ lợi ích của chính mình trong quan hệ cầm cố tài sản. Điều 314 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của bên nhận cầm cố, cụ thể:

Điều 314. Quyền của bên nhận cầm cố
1. Yêu cầu người đang chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản cầm cố trả lại tài sản đó.
2. Xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thỏa thuận.
4. Được thanh toán chi phí hợp lý bảo quản tài sản cầm cố khi trả lại tài sản cho bên cầm cố”

2.Nội dung

Bên nhận cầm cố là bên nhận tài sản từ bên cầm cố để bảo đảm cho quyền và lợi ích của mình trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ. Bên nhận cầm cố bao giờ cũng là bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm bằng biện pháp cầm cố đó. Theo đó trong quan hệ cầm cố bên nhận cầm cố có quyền như sau:
-Yêu cầu người đang chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản cầm cố trả lại tài sản đó. Tài sản cầm cố do bên nhận cầm cố giữ, tuy nhiên, có thể tài sản đó đang bị người người khác chiếm hữu, sử dụng trái phép như trộm cắp, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản,…trong những trường hợp này bên nhận cầm cố có quyền yêu cầu người chiếm hữu, sử dụng tài sản bất hợp pháp trả lại tài sản cầm cố cho mình để tiếp tục thực hiện việc nắm giữ tài sản, và thực hiện nghĩa vụ bảo quản giữ gìn tài sản. Đây là quyền của người nhận cầm cố nói riêng cũng là quyền của người chiếm hữu hợp pháp nói chung đối với một tài sản[1]. Người nhận cầm cố với tư cách là người chiếm hữu hợp pháp của tài sản, có quyền đòi lại tài sản từ bất kỳ người nào. 
-Xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Cầm cố là việc một bên giao tài sản thuộc sở hữu của mình cho bên kia để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ. Do đó, nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ thì bên nhận cầm cố có quyền xử lý tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên kia. Theo đó, bên nhận bảo đảm phải xử lý tài sản theo phương thức mà các bên đã thỏa thuận, đó có thể là: bán đấu giá tài sản, tự bán tài sản, nhận chính tài sản cầm cố để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ,…hoặc theo quy định của pháp luật. Lưu ý rằng, quyền lợi này chỉ đặt ra khi bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ khi đến hạn. Quy định này nhằm thỏa mãn nhu cầu được thanh toán các khoản lợi ích vật chất của người nhận cầm cố.
-Được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố. Quy định này nhằm khai thác công dụng của tài sản, tránh lãng phí tài sản. Bởi vì, lúc này chủ sở hữu tài sản không có quyền chiếm hữu tài sản, do đó, tài sản có thể bị lãng phí khi không thể đem ra sử dụng. Vì vậy, bên nhận cầm cố với tư cách là người có quyền chiếm hữu hợp pháp của tài sản có thể thỏa thuận với bên cầm cố về việc cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố. Các bên có thể thỏa thuận về việc khấu trừ những lợi ích từ việc khai thác tài sản của bên nhận cầm cố vào giá trị nghĩa vụ chính, như vậy cũng có lợi cho bên có nghĩa vụ. Ví dụ: A thế chấp xe cho B để đảm bảo cho khoản vay 50 triệu trong thời hạn 2 tháng. Các bên có thỏa thuận, trong thời hạn cầm cố B có thể cho thuê tài sản cầm cố, số tiền thu được từ việc cho thuê sẽ được khấu trừ vào nghĩa vụ chính của A. Số tiền cho thuê xe trong hai tháng là 20 triệu đồng, trong đó B hưởng 10 triệu đồng, và A hưởng 10 triệu đồng. Số tiền này khấu trừ vào khoản vay của A, như vậy A chỉ còn nợ B 40 triệu đồng.
-Được thanh toán chi phí hợp lý bảo quản tài sản cầm cố khi trả lại tài sản cho bên cầm cố. Bên nhận cầm cố có nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố, để tài sản không bị hư hỏng, mất mát. Tuy nhiên, khi bên nhận bảo đảm phải bỏ chi phí để bảo quản, giữ gìn tài sản thì thực chất là họ đang thực hiện công việc thay cho bên cầm cố là chủ sở hữu tài sản, như phí bảo dưỡng, duy trì giá trị tài sản,…Vậy nên, họ có quyền yêu cầu bên bảo đảm thanh toán chi phí hợp lý cho việc bảo quản tài sản. Việc thanh toán khoản chi phí này sẽ được thanh toán cùng lúc với nghĩa vụ chính.

 Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hỏi đáp Luật Dân sự

Luật Hoàng Anh

[1]Trường Đại học Luật Hà Nội,(2017), “Giáo trình Đại học Luật Hà Nội”,Nxb.Công an nhân dân

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư