2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
Thông thường tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Tuy nhiên, đây không phải quy định bắt buộc, trong một số trường hợp tài sản thế chấp có thể do bên thứ ba giữ. Theo đó, bên thứ ba giữ tài sản có quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật. Cụ thể Điều 324 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
“Điều 324. Quyền và nghĩa vụ của người thứ ba giữ tài sản thế chấp
1. Người thứ ba giữ tài sản thế chấp có các quyền sau đây:
a) Được khai thác công dụng tài sản thế chấp, nếu có thỏa thuận;
b) Được trả thù lao và chi phí bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Người thứ ba giữ tài sản thế chấp có các nghĩa vụ sau đây:
a) Bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp; nếu làm mất tài sản thế chấp, làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản thế chấp thì phải bồi thường;
b) Không được tiếp tục khai thác công dụng tài sản thế chấp nếu việc tiếp tục khai thác có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản thế chấp;
c) Giao lại tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp hoặc bên thế chấp theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật”.
Bên thứ ba có thể giữ tài sản trong trường hợp bên thế chấp cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp,…Hoặc trong một số trường hợp, đối với một số loại tài sản khi bên thế chấp giữ thì bên nhận thế chấp không kiểm soát được nếu bên thế chấp định đoạt, hoặc tài sản thế chấp phải bảo quản riêng…trường hợp này các bên có thể thỏa thuận gửi người thứ ba giữ, người thứ ba là bên có nghĩa vụ trong hợp đồng gửi giữ tài sản[1].Căn cứ vào quy định trên bên thứ ba có quyền và nghĩa vụ như sau:
-Được khai thác công dụng của tài sản. Tài sản thế chấp do người thứ ba giữ, thì người thứ ba không được sử dụng tài sản. Tuy nhiên, để tài sản được đưa vào sản xuất, kinh doanh, khai thác công dụng, lợi ích của nó, tránh việc gây lãng phí, người thứ ba có quyền khai thác công dụng tài sản khi các bên có thỏa thuận. Việc thỏa thuận giao cho người thứ ba quyền khai thác tài sản, cũng có lợi cho bên thế chấp. Các bên có thể thỏa thuận về việc chia hoa lợi, lợi tức thu được, hoặc bù trừ vào vào chi phí giữ tài sản,…
-Được trả thù lao và chi phí bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp. Trong cơ chế thị trường, dịch vụ gửi giữ ngày càng phát triển, thông thường là hợp đồng gửi giữ có đền bù. Theo đó, bên thuê gửi giữ phải thanh toán cho bên nhận gửi giữ một khoản chi phí và thù lao cho việc bảo quản tài sản. Tuy nhiên, trong trường hợp bên thứ ba không phải chủ thể làm dịch vụ gửi tài sản, thì hợp đồng gửi giữ có tài sản hay không phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên. Nếu có thỏa thuận về việc trả thù lao, thì bên thứ ba được hưởng khoản thù lao tương ứng với thỏa thuận. Trong thời hạn gửi giữ, nếu phát sinh các chi phí cho việc bảo quản tài sản, thì bên gửi giữ phải thanh toán cho chi phí cho bên thứ ba, thông thường là bên nhận thế chấp.
-Bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp. Bên thứ ba chỉ thực hiện giữ tài sản thế chấp, tài sản thế chấp vẫn thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp. Do đó, bên thứ ba phải bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp. Nếu để tài sản bị mất mát, hư hỏng thì phải bồi thường thiệt hại. Quy định nhằm ràng buộc trách nhiệm của bên thứ ba với tài sản thuộc sở hữu của người khác.
-Giao lại tài sản thế chấp. Khi hết thời hạn gửi giữ, cho thuê, cho mượn tài sản,…bên thứ ba phải giao lại tài sản cho bên thế chấp. Trong trường hợp bên nhận thế chấp yêu cầu giao tài sản thế chấp để xử lý tài sản, thì bên thứ ba có nghĩa vụ phải giao tài sản để xử lý. Nếu bên thứ ba cố tình không giao ra tài sản, thì bên thế chấp hoặc bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hỏi đáp Luật Dân sự
Luật Hoàng Anh
[1]PGS.TS.Nguyễn Văn Cừ - PGS.TS.Trần Thị Huệ,(2017),”Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”,Nxb.Công an nhân dân.
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh