2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Điều 400 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thời điểm giao kết hợp đồng như sau:
“Điều 400. Thời điểm giao kết hợp đồng
1. Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó.
3. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.
4. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản.
Trường hợp hợp đồng giao kết bằng lời nói và sau đó được xác lập bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng được xác định theo khoản 3 Điều này”.
Bên cạnh địa điểm giao kết hợp đồng, thời điểm giao kết hợp đồng cũng là yếu tố quan trọng đáng chú ý. Bởi vì, thông thường thời điểm giao kết hợp đồng cũng chính là thời điểm hợp đồng phát sinh hiệu lực, kể từ thời điểm đó, quyền và nghĩa vụ của các bên phát sinh. Thời điểm giao kết hợp đồng có ý nghĩa trong việc xác định quyền và nghĩa vụ các bên trong hợp đồng; xác định điều kiện của hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi thực hiện hợp đồng; xác định hậu quả khi hợp đồng hủy bỏ;…
Pháp luật quy định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm bên đề nghị nhận được thông báo chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng. Mà hình thức, phương thức giao kết hợp đồng rất phong phú, đa dạng, chính vì vậy thời điểm giao kết hợp đồng được xác định như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào từng hình thức, phương thức giao kết hợp đồng, cụ thể:
-Nếu hợp đồng được giao kết bằng lời nói, thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm các bên thỏa thuận về nội dung của hợp đồng. Khi giao kết hợp đồng bằng lời nói, bên được đề nghị không cần phải gửi thông báo cho bên đề nghị biết về việc chấp nhận giao kết hợp đồng bằng các phương tiện khác nữa, mà trực tiếp chấp nhận thông qua lời nói. Do đó, nếu các bên có thỏa thuận về nội dung hợp đồng thì đồng nghĩa với việc bên được đề nghị đã chấp nhận giao kết hợp đồng.
-Nếu giao kết hợp đồng được thực hiện bằng văn bản, thì thời điểm giao kết hợp đồng được xác định là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản, hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản như: điểm chỉ, đóng dấu,…Mọi thỏa thuận của hai bên được thực hiện thông qua hình thức văn bản, do đó sự thể hiện ý chí của các bên cũng được thể hiện qua văn bản. Hành vi cả hai bên ký vào văn bản, hay xác nhận đóng dấu,…là cơ sở chứng minh hai bên đã đồng ý giao kết hợp đồng với nhau. Do đó, thời điểm giao kết hợp đồng cũng được xác định theo thời điểm này.
-Nếu hợp đồng giao kết bằng lời nói, sau đó được xác lập bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng được xác định theo thời điểm các bên thỏa thuận về nội dung của hợp đồng, tức xác định theo hình thức bằng lời nói. Vì tại thời điểm đó, các bên đề đã chấp nhận giao kết hợp đồng và thỏa thuận xong những nội dung cơ bản của hợp đồng. Việc xác lập văn bản sau đó là kết quả dựa dựa trên những gì mà các bên đã thỏa thuận bằng lời nói, hay nói cách khác đó là sự ghi nhận lại trên giấy những nội dung đã được hình thành từ trước.
-Khoản 2 Điều 393 BLDS năm 2015 quy định sự im lặng được xem là đồng ý nếu các bên có thỏa thuận. Do đó, hợp đồng có thể được giao kết dựa trên sự im lặng của bên được đề nghị. Theo đó, nếu bên được đề nghị im lặng khi nhận được giao kết hợp đồng trong thời hạn mà các bên đã thỏa thuận, thì thời điểm cuối cùng của thời hạn đó chính là thời điểm giao kết hợp đồng. Bởi vì trong thời hạn đó, bên được đề nghị có thể trả lời không chấp nhận nếu không muốn giao kết giao kết hợp đồng, chính vì vậy chỉ khi vào thời điểm cuối cùng mà bên được đề nghị vẫn giữ im lặng, thì mặc nhiên đó là câu trả lời chấp nhận theo thỏa thuận của hai bên từ trước, và cũng là căn cứ xác định thời điểm giao kết hợp đồng trong trường hợp này.
-Ngoài ra, hợp đồng có thể được giao kết bằng phương tiện điện tử thì ngoài quy định tại BLDS, thời điểm giao kết hợp đồng còn chịu sự điều chỉnh của Luật giao dịch điện tử năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Ví dụ: Điều 19 Luật giao dịch điện từ năm 2005 quy định thời điểm, địa điểm nhận thông điệp dữ liệu như sau.
“Điều 19. Thời điểm, địa điểm nhận thông điệp dữ liệu
Trong trường hợp các bên tham gia giao dịch không có thoả thuận khác thì thời điểm, địa điểm nhận thông điệp dữ liệu được quy định như sau:
1. Trường hợp người nhận đã chỉ định một hệ thống thông tin để nhận thông điệp dữ liệu thì thời điểm nhận là thời điểm thông điệp dữ liệu nhập vào hệ thống thông tin được chỉ định; nếu người nhận không chỉ định một hệ thống thông tin để nhận thông điệp dữ liệu thì thời điểm nhận thông điệp dữ liệu là thời điểm thông điệp dữ liệu đó nhập vào bất kỳ hệ thống thông tin nào của người nhận;
2. Địa điểm nhận thông điệp dữ liệu là trụ sở của người nhận nếu người nhận là cơ quan, tổ chức hoặc nơi cư trú thường xuyên của người nhận nếu người nhận là cá nhân. Trường hợp người nhận có nhiều trụ sở thì địa điểm nhận thông điệp dữ liệu là trụ sở có mối liên hệ mật thiết nhất với giao dịch”.
Hay khoản 2 Điều 10 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/05/2013, quy định: “Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận khác, thời điểm nhận một chứng từ điện tử là thời điểm chứng từ điện tử đó tới được địa chỉ điện tử do người nhận chỉ ra và có thể truy cập được”.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hỏi đáp Luật Dân sự
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh