Thông tin trong giao kết hợp đồng?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:11 (GMT+7)

Trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết.

Thông tin là  yếu tố quan trọng có ý nghĩa trong việc xác lập, thực hiện, chấm dứt một quan hệ dân sự. Trong quan hệ hợp hợp đồng, các bên không chỉ có trách nhiệm phải cung cấp thông tin đầy đủ mà còn phải bảo mật thông tin cho đối tác. Cụ thể, Điều 387 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thông tin trong giao kết hợp đồng như sau:

Điều 387. Thông tin trong giao kết hợp đồng
1. Trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết.
2. Trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác.
3. Bên vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.

1.Trách nhiệm của chủ thể

1.1.Cung cấp đầy đủ thông tin

-Xuất phát từ nguyên tắc chung của BLDS năm 2015 tại khoản 3 Điều 3, cụ thể: “Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực”. Pháp luật đã quy định, khi một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết. Những thông tin được coi là ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng là những thông tin chứa đựng nội dung quan trọng, có liên quan đến những điều khoản cơ bản hợp đồng mang tính chất quyết định. Đó có thể là những thông tin liên quan đến chủ thể, đối tượng của hợp đồng,...Trách nhiệm cung cấp thông tin không thuộc riêng một chủ thể nào, các bên khi có thông tin ảnh hưởng đến việc giao kết hợp đồng của bên còn lại thì phải thông báo cho bên kia biết. Quyền, lợi ích là điều mà các chủ thể hướng tới khi tham gia vào một quan hệ hợp đồng, tuy nhiên, việc tìm kiếm lợi ích đó không được ảnh hưởng đến quyền của bên còn lại. Mục đích của hợp đồng là đem lại lợi ích cho tất cả các bên, đồng thời phải cân bằng lợi ích cá nhân và lợi ích chung. Ví dụ: A đề nghị bán cho B một căn hộ chung cư thuộc sở hữu của A. Tuy nhiên, tòa chung cư có căn hộ mà A đề nghị bán cho B sắp bị phá bỏ, A biết nhưng đã không thông báo cho B biết. Trường hợp này A đã vi phạm quy định pháp luật về trách nhiệm cung cấp thông tin ảnh hưởng đến việc giao kết hợp đồng.

1.2.Bảo mật thông tin

-Trong giao kết hợp đồng, các bên phải minh bạch trong việc cung cấp thông tin, theo đó, thông tin được cung cấp đầy đủ, chính xác cho bên kia biết. Những thông tin này có thể là thông tin được công khai, nhưng cũng có thể là thông tin bảo mật không được tiết lộ. Ví dụ: Thông tin cá nhân được cung cấp khi ký kết hợp đồng tư vấn pháp lý, thông tin liên quan đến đối tượng của sở hữu trí tuệ trong hợp đồng chuyển giao công nghệ,…Đó đều là những thông tin mang tính chất bí mật, trong nhiều trường hợp khi giao kết hợp đồng các bên còn ký thêm thỏa thuận bảo mật thông tin để ràng buộc trách nhiệm bảo mật thông tin cho đối phương. Chính vì vậy, pháp luật quy định trong quá trình giao kết hợp đồng mà một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia, thì có trách nhiệm bảo mật thông tin đó, và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích của riêng mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác. 
-Việc bảo mật thông tin không chỉ là trách nhiệm của các bên kể từ khi hợp đồng chưa được giao kết. Pháp luật quy định đó là trách nhiệm trong quá trình giao kết hợp đồng, mà quá trình giao kết hợp đồng bắt đầu kể từ khi một bên đề nghị giao kết hợp đồng. Giai đoạn đề nghị giao kết hợp đồng được gọi là giai đoạn tiền hợp đồng, để bên được đề nghị hiểu rõ về nội dung hợp đồng và ra quyết định có đồng ý giao kết hợp đồng hay không, bên đề nghị phải cung cấp thông tin liên quan. Do đó, ngay từ giai đoạn này, bên được đề nghị đã được tiếp nhận những thông tin liên quan đến bên đề nghị bao gồm cả những thông tin công khai hoặc không được công khai. Chính vì vậy, trách nhiệm bảo mật thông tin phát sinh hiệu lực kể từ khi hợp đồng chưa được giao kết. 

2.Hậu quả pháp lý

-Việc một bên không cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin trong quá trình giao kết hợp đồng làm ảnh hưởng đến lợi ích của bên còn lại. Nó thể hiện sự thiện chí, trung thực của các bên trong việc xác lập, thực hiện hợp đồng. Bên cạnh đó việc tiết lộ những thông tin mang tính chất bảo mật là nguy cơ làm ảnh hưởng nghiệm trọng đến lợi ích tinh thần và vật chất của chủ thể. Vì vậy, pháp luật ghi nhận việc cung cấp và bảo mật thông tin trở thành một quy định mang tính pháp lý mà các bên phải tuân theo. Vì vậy, khi có chủ thể vi phạm quy định này thì bị xem là vi phạm nghĩa vụ và phải gánh chịu hậu quả bất lợi do pháp luật quy định. Theo đó, nếu chủ thể có hành vi vi phạm trong việc cung cấp và bảo mật thông tin mà gây thiệt hại cho bên còn lại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Ngoài trách nhiệm bồi thường thiệt hại, tùy từng trường hợp mà bên vi phạm còn phải gánh chịu thêm những chế tài khác. 
Thông tin trong giao kết hợp đồng là yếu tố quan trọng trong quá trình giao kết hợp đồng, có ý nghĩa trong việc bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của các bên.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hỏi đáp Luật Dân sự

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư