Thủ tục thi hành quyết định về phá sản trong thi hành án dân sự?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:10 (GMT+7)

Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.

Khoản 2 Điều 4 Luật phá sản số 51/2014/QH13 giải thích thuật ngữ “phá sản” như sau: “Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.”

Trong nền kinh tế thị trường thì phá sản là một trong những hệ quả tất yếu. Phá sản bao giờ cũng kéo theo những hậu quả kinh tế - xã hội nhất định, gây nên những xáo trộn, ảnh hưởng xấu đến việc phát triển sản xuất, ổn định đời sống, đến việc làm và thu nhập của người lao động. Thi hành các quyết định của Tòa án giải quyết phá sản là một trong những nội dung hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự.

Việc giải quyết yêu cầu tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản được thực hiện theo thủ tục do pháp luật phá sản quy định. Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật thi hành án dân sự) chỉ quy định thủ tục thi hành một số quyết định về phá sản.

Về thẩm quyền, Luật phá sản năm 2014 có quy định nhiệm vụ và thẩm quyền của cơ quan Thi hành án dân sự trong việc tổ chức thi hành quyết định tuyên bố phá sản, theo đó khoản 1 Điều 120 Luật phá sản năm 2014 quy định:

 “Điều 120. Thủ tục thi hành quyết định tuyên bố phá sản

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố phá sản, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm chủ động ra quyết định thi hành, phân công Chấp hành viên thi hành quyết định tuyên bố phá sản.

Về kinh phí thi hành án, theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự thì việc thi hành quyết định của Tòa án giải quyết phá sản thuộc diện chủ động thi hành án, nên kinh phí đảm bảo cho việc thi hành quyết định của Tòa án về phá sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự đối với quyết định chủ động thi hành, nên ngân sách nhà nước đảm bảo hoạt động tổ chức thi hành án, các cơ quan Thi hành án dân sự căn cứ vào tình hình thực tế và dự toán được giao để thực hiện theo quy định của pháp luật.

1. Thủ tục tạm đình chỉ thi hành án đối với doanh nghiệp, hợp tác xã

- Sau khi nhận được văn bản của Tòa án thông báo về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tạm đình chỉ đối với các trường hợp thi hành về tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã là người phải thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 49 của Luật thi hành án dân sự như sau:

“Điều 49. Tạm đình chỉ thi hành án

2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được thông báo của Tòa án về việc đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án. Thời hạn ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án.”

- Sau khi ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thông báo cho Tòa án đang giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản về kết quả thi hành án đối với doanh nghiệp, hợp tác xã bị lâm vào tình trạng phá sản.

Tạm đình chỉ giải quyết yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thực hiện nghĩa vụ về tài sản được thực hiện theo trình tự tại Điều 41 Luật phá sản. Theo đó, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân thụ lý vụ việc phá sản, việc tạm đình chỉ thực hiện nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán được thực hiện như sau:

- Cơ quan thi hành án dân sự phải tạm đình chỉ thi hành án dân sự về tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã là người phải thi hành án, trừ bản án, quyết định buộc doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự hoặc trả lương cho người lao động. Việc tạm đình chỉ được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;

- Tòa án nhân dân, Trọng tài phải tạm đình chỉ việc giải quyết vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động có liên quan đến nghĩa vụ tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự. Thủ tục tạm đình chỉ được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự và pháp luật về trọng tài thương mại.

Tòa án nhân dân phải tách và tạm đình chỉ giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự, hành chính liên quan đến nghĩa vụ tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự. Thủ tục tách và tạm đình chỉ được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, tố tụng hành chính;

- Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tạm đình chỉ việc xử lý tài sản bảo đảm của doanh nghiệp, hợp tác xã đối với các chủ nợ có bảo đảm.

Trường hợp tài sản bảo đảm có nguy cơ bị phá hủy hoặc bị giảm đáng kể về giá trị thì xử lý theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 53 của Luật phá sản.

2. Thủ tục đình chỉ thi hành án đối với doanh nghiệp, hợp tác xã

Khoản 2 Điều 137 Luật thi hành án dân sự quy định về thủ tục đình chỉ thi hành án đối với doanh nghiệp, hợp tác xã như sau:

- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ việc thi hành án về tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã là người phải thi hành án lâm vào tình trạng phá sản ngay sau khi nhận được quyết định của Tòa án về việc mở thủ tục phá sản.

- Việc tiếp tục thi hành nghĩa vụ về tài sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là người phải thi hành án trong trường hợp này thực hiện theo quy định của Luật Phá sản.

- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm chỉ đạo Chấp hành viên bàn giao cho Tòa án các tài liệu thi hành án có liên quan đến việc tiếp tục thi hành nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị lâm vào tình trạng phá sản.

3. Khôi phục thi hành án đối với người phải thi hành án là doanh nghiệp, hợp tác xã bị lâm vào tình trạng phá sản

Khoản 3 Điều 137 Luật thi hành án dân sự quy định:

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản hoặc đình chỉ thủ tục phục hồi kinh doanh, Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản phải gửi quyết định đó kèm theo toàn bộ hồ sơ liên quan đến việc thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định đình chỉ việc thi hành án về tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã là người phải thi hành án lâm vào tình trạng phá sản.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản hoặc đình chỉ thủ tục phục hồi kinh doanh, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thu hồi quyết định đình chỉ thi hành án và tiếp tục thi hành án đối với phần nghĩa vụ về tài sản còn phải thi hành đã đình chỉ đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành vụ việc theo quy định của Luật thi hành án dân sự.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Thi hành án dân sự

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư